|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tâm điểm phát triển logistics

07:10 | 20/09/2019
Chia sẻ
Nhiều chuyên gia trong ngành kinh tế nhận định, huyện Long Thành sẽ là tâm điểm của lĩnh vực logistics trong tương lai.

Tâm điểm phát triển logistics - Ảnh 1.

Tàu 30 ngàn DWT nhận hàng tại cảng Gò Dầu (huyện Long Thành). Ảnh:K.Giới

Để phát huy lợi thế đó, huyện Long Thành đang chuẩn bị sẵn tâm thế.

* Đắc địa giao thông

Ít địa phương nào trong tỉnh có hệ thống giao thông quốc gia tập trung và thuận lợi như huyện Long Thành. Về giao thông đường bộ, quốc lộ 51 là nơi gặp nhau của 3 tuyến đường cao tốc: TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây (đã đưa vào sử dụng giai đoạn 1); Bến Lức - Long Thành (đang thi công chuẩn bị đưa vào sử dụng) và cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (đang tính toán phương án đầu tư).

Trong kế hoạch sử dụng đất, 3 địa phương Long Thành, Trảng Bom và Nhơn Trạch đã dành quỹ đất lớn lên đến gần 6.900 hécta để phát triển giao thông và các dự án logistics. Trong đó, huyện Long Thành có diện tích lớn nhất là trên 5.200 hécta, huyện Nhơn Trạch gần 1.200 hécta và huyện Trảng Bom gần 500 hécta.

Về giao thông thủy, huyện Long Thành có Cụm cảng Gò Dầu (Gò Dầu A và Gò Dầu B) nằm trong hệ thống cảng biển nhóm 5 đã được Chính phủ phê duyệt. Cụm cảng này hiện đã đón được tàu hơn 30 ngàn DWT (tổng tải trọng an toàn) vào nhận hàng và đang được mở rộng. Không chỉ vậy, Bộ Giao thông - vận tải đang tính toán nạo vét thêm luồng hệ thống sông Thị Vải - Cái Mép để đón những tàu hàng có trọng tải lớn hơn. Đây là một thuận lợi rất lớn để phát triển lĩnh vực vận tải thủy, một mắt xích quan trọng trong chuỗi hoạt động logistics.

Một dự án quốc gia đang được triển khai tại huyện Long Thành đó là Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Sân bay Long Thành). Ông Lê Đỗ Mười, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển giao thông - vận tải (Bộ Giao thông - vận tải) chia sẻ, việc đầu tư Sân bay Long Thành giai đoạn 1 xong trước năm 2025 rất quan trọng để giảm tải cho Sân bay Tân Sơn Nhất.

Đây là dự án đặc biệt quan trọng của quốc gia để phát triển kinh tế ngành hàng không đang nóng hiện nay. Ngoài ra, Long Thành còn được quy hoạch hệ thống đường sắt đi qua như tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu và đường sắt nhẹ nối từ TP.Hồ Chí Minh đến Sân bay Long Thành.

* Chuẩn bị hạ tầng

Về hạ tầng giao thông, các chuyên gia cho rằng Long Thành có đủ tiềm lực và cơ hội trở thành một trung tâm logistics. TS.Dương Như  Hùng cùng nhóm chuyên gia Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh thực hiện nghiên cứu, khảo sát nhận diện thực trạng và những vấn đề đặt ra đối với hạ tầng giao thông khu vực Nam bộ cho biết, hạ tầng giao thông yếu kém khiến chi phí logistics cao và hạn chế năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Tâm điểm phát triển logistics - Ảnh 3.

Cụm cảng Gò Dầu là cảng biển nhóm 5 theo phê duyệt của Chính Phủ. Ảnh: (L.An)

Chi phí logistics của Việt Nam thuộc vào diện cao trên thế giới dẫn đến doanh nghiệp xuất khẩu kém cạnh tranh. Theo đánh giá của ông Hùng thì giao thông của Việt Nam đến nay tuy đã được cải thiện  nhưng vẫn là điểm yếu nhất trong số 6 chỉ tiêu logistics, cụ thể 6 chỉ số hiệu quả logistics là: đúng hẹn, theo dõi hàng, năng lực và chất lượng logistics, giờ hàng quốc tế, hải quan và cơ sở hạ tầng giao thông. Đánh giá của Ngân hàng Thế giới năm 2018 chỉ ra, chi phí vận chuyển giảm 1% thì nhà xuất  khẩu sẽ tăng thị phần lên 5-8%.

So với các địa phương khác, Long Thành có hệ thống hạ tầng giao thông kết nối tương đối tốt. Khi Sân bay Long Thành đi vào hoạt động, các tuyến đường kết nối sân bay hoàn thiện, hệ thống giao thông đường bộ, thủy, hàng không sẽ phát triển đồng bộ.

Lãnh đạo huyện Long Thành cho biết, huyện đã có quy hoạch trung tâm logistics gần khu vực Sân bay Long Thành và đang thực hiện điều chỉnh vị trí cho phù hợp chung với quy hoạch vùng phụ cận.

Vân Nam