|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thiếu 200.000 lao động đã 'đau đầu', ngành logistics sắp hụt đến 2 triệu nhân sự

20:13 | 16/05/2019
Chia sẻ
Việt Nam đứng thứ 64/160 nước về mức độ phát triển logistics và đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN sau Singapore, Malaysia và Thái Lan. Logistics là ngành dịch vụ tăng trưởng nhanh và ổn định của Việt Nam trong thời gian qua, tuy nhiên vấn đề nhân lực vẫn là bài toán nan giải của toàn ngành.

Nan giải vấn đề "cầu nhiều - cung ít"

Ngày 16/5, tại TP HCM, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) và Chính phủ Australian đã tổ chức Diễn đàn Phát triển nguồn nhân lực cho ngành logistics và xu hướng tại Việt Nam 2019.

Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch VLA, cho biết ngành logistics đang phát triển rất tốt với tốc độ tăng trưởng hàng năm trên 10%. Ngành này đang đóng góp vào GDP cả nước khoảng 5%, Chính phủ đã giao nhiệm vụ 2020 - 2030, logictics phải đóng góp 10%, gần tiệm cận với ngành du lịch.

Bên cạnh đó, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung mang đến cho Việt Nam nhiều cơ hội lớn. 

"Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng khuyên người dân Mỹ mua hàng của Việt Nam nhiều hơn. Điều đó giúp cho kim ngạch xuất khẩu Việt Nam tăng lên vì dịch vụ logistics gắn liền với công tác xuất nhập khẩu. Do vậy đây sẽ là cơ hội lớn của ngành logistics phát triển", Chủ tịch VLA cho hay.

Thiếu 200.000 lao động đã đau đầu, ngành logistics sắp hụt đến 2 triệu nhân sự - Ảnh 1.

Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch VLA phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Như Huỳnh.

Tuy nhiên, hiện nay có một thực tế là ngành này rất thiếu nguồn nhân lực, có đến 70% doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nhân lực logictics, từ các nhân sự quản lý cấp cao đến lao động phổ thông. 

Bà Trần Thị Hạnh, Giám đốc nhân sự công ty TNHH Mai Hân, cho biết: "Khó khăn lớn nhất khi muốn phát triển nhân sự là lao động rất yếu về kiến thức chuyên môn và tiếng Anh chuyên ngành. Chúng tôi khi tuyển người đa phần đều phải đào tạo lại và điều này rất tốn kém về chi phí và thời gian của công ty".

Trong khi đó, một doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải ở TP HCM tham dự diễn đàn cho biết họ đã "đỏ mắt" tìm công nhân điều khiển xe nâng dù mức lương tuyển dụng là 12 triệu đồng/tháng.

Chỉ 10% doanh nghiệp đáp ứng được nhu cầu năng lực cho ngành logistics

Theo số liệu của VLA, giai đoạn 2017 - 2020, ngành logistics Việt Nam cần thêm khoảng 200.000 lao động chất lượng cao, có trình độ chuyên môn, kỹ năng và trình độ tiếng Anh. Đến năm 2030, con số là 2 triệu lao động từ cao cấp đến phổ thông, có trình độ chuyên môn, ICT, tiếng Anh để đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Như vậy, nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực logistics rất cao nhưng trên thực tế, sinh viên tốt nghiệp được sắp xếp vào những vị trí tay nghề thấp với mức lương khiêm tốn, trong khi các nhà tuyển dụng lại phải đầu tư đào tạo lại nhân viên.

Theo các diễn giả, nguyên nhân chính là sinh viên tốt nghiệp các trường nghề không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng về cả chất lượng và số lượng. Ngoài ra, "khả năng đáp ứng nhu cầu năng lực cho ngành logistics của doanh nghiệp hiện rất thấp, chỉ khoảng 10%", ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó chủ tịch VLA cho hay.

Cụ thể, kết quả khảo sát chuyên sâu về hiện trạng và giải pháp cho công tác phát triển nguồn nhân lực trong ngành logistics Việt Nam của VLA cho thấy 92% nhân viên làm việc tại doanh nghiệp logistics trong nước thực hiện công việc khai báo hải quan, 86,5% làm giao nhận hàng hóa tổng hợp, 86,5% thực hiện nhiệm vụ hành chính logistics, 64,9% điều hành vận tải..

Trong khi đó, với hơn 30.000 doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước, có đến 32,4% doanh nghiệp có dưới 50 nhân viên, khoảng 18,9% doanh nghiệp có từ 50 - 100 lao động, chỉ 10,8% doanh nghiệp có từ 1.000 lao động trở lên.

Thiếu 200.000 lao động đã đau đầu, ngành logistics sắp hụt đến 2 triệu nhân sự - Ảnh 2.

Diễn đàn Phát triển nguồn nhân lực cho ngành logistics và xu hướng tại Việt Nam 2019 diễn ra vào sáng 16/5 tại TP HCM. Ảnh: Như Huỳnh.

Mặc khác, năng suất lao động của Việt Nam vẫn thuộc hàng thấp nhất trong khu vực. Nguồn nhân lực của ngành logistics Việt Nam chủ yếu do các doanh nghiệp tự đào tạo, trong khi các chương trình đào tạo chính quy chỉ mới thực hiện vài năm gần đây, đã dẫn đến việc không đáp ứng kịp nhu cầu phát triển nóng của ngành.

Đồng quan điển, ông Trần Ngọc Liêm, Phó giám đốc VCCI TP HCM, nhận định một trong những điểm yếu của nền kinh tế Việt Nam là chất lượng lao động và cơ cấu của lực lượng lao động.

Báo cáo PCI năm 2018 của VCCI cho thấy 29% doanh nghiệp FDI khi đánh giá chất lượng lao động tại địa phương nơi họ hoạt động nói "đáp ứng được", nhưng có đến 67% doanh nghiệp cho rằng chỉ "đáp ứng được một phần nhu cầu". 

Doanh nghiệp và trường học "bắt tay"

Trước thực tế khó khăn này, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hôi Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam cho rằng: "Với xu thế tự động hóa và thương mại điện tử đang tác động mạnh mẽ tới hệ sinh thái của ngành logistics, cần đặc biệt quan tâm đào tạo lại kỹ năng cho lực lượng lao động hiện có để bắt kịp tiến bộ công nghệ, qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành logistics Việt Nam." 

Song song đó, xây dựng nguồn nhân lực trong lĩnh vực logistics tại Việt Nam đòi hỏi sự tham gia và cam kết tích cực của các bên liên quan gồm Chính phủ, chính quyền địa phương, các công ty logistics và trường dạy nghề.

Chia sẻ về việc Chính phủ Australian hỗ trợ Ban tư vấn đào tạo ngành Logistics thông qua chương trình Aus4Skills, bà Petrina Lawson, Phó Tổng Lãnh sự quán Australia tại TP HCM, cho biết: "Australia cam kết hỗ trợ Việt Nam cải thiện ngành logistics, và qua đó chúng tôi hi vọng sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Việt Nam."

"Thời gian tới, khi đã có sự liên kết, 'bắt tay' giữa các doanh nghiệp và trường học để đào tạo nguồn nhân lực logistics, thì sẽ phần nào giải quyết được bài toán 'khát' nhân lực này", ông Hiệp bày tỏ kì vọng.

Ban tư vấn đào tạo ngành Logistics là một mô hình do doanh nghiệp dẫn dắt được thành lập trong khuôn khổ chương trình Aus4Skills, điển hình cho mối quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp và các trường đào tạo nghề trong việc xây dựng bộ tiêu chuẩn nghề và kỹ năng nghề trong ngành logistics.

Mục tiêu là hỗ trợ đảm bảo rằng tay nghề của các sinh viên tốt nghiệp phù hợp với nhu cầu của nhà tuyển dụng, giúp tăng năng suất và hiệu quả của ngành.

 





Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Như Huỳnh

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.