|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chờ đợi gì ở Kế hoạch hành động đầu tiên của ngành logistic Việt Nam

16:42 | 12/02/2017
Chia sẻ
Theo Bộ Công Thương, trung bình mỗi năm, ngành logisticss đóng góp khoảng 2-3% GDP cho kinh tế đất nước. Tuy nhiên, so với tiềm năng và thế mạnh, thì sự phát triển cũng như năng lực cạnh tranh của ngành này còn nhiều hạn chế. 

Mới đây, Bộ Công Thương đã tiến hành soạn thảo Kế hoạch hành động về nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong thời gian sắp tới nhằm tạo động lực cho các doanh nghiệp, nhất là lĩnh vực xuất nhập khẩu có điều kiện nâng cao sức cạnh tranh.

Để hiểu rõ hơn, ông Trần Thanh Hải, Phó ​Cục trưởng ​Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã có một số chia sẻ với phóng viên về chương trình hành động này.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

- Thưa ông, ông đánh giá ra sao về thực trạng của ngành logistic của nước ta hiện nay?

Ông Trần Thanh Hải: Ngành logistic của Việt Nam đã có quá trình phát triển tương đối lâu dài. Cùng với tiến trình đổi mới, mở cửa và hoạt động ngoại thương ngày càng sôi động thì hoạt động dịch vụ logistic của chúng ta mới thực sự có những bước khởi sắc trong thời gian gần đây.

Thực tế, trình độ và mức độ phát triển của ngành dịch vụ logistic của Việt Nam hiện nay vẫn ở mức tương đối thấp. Bởi số lượng doanh nghiệp dịch vụ logistic vẫn quá ít, khoảng 1.300 đến 1.500 doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, mức độ đóng góp cho nền kinh tế hiện nay của ngành dịch vụ logistic chưa nhiều, mới chỉ vào khoảng 2-3%. Hơn nữa, tỷ lệ thuê ngoài của ngành dịch vụ logistic cũng chưa phải là cao, dẫn đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, doanh nghiệp thương mại phải tự thực hiện các dịch vụ logistic, dẫn đến hoạt động này được đánh giá là kém hiệu quả.

Một điểm rất rõ nét, cùng với tiến trình mở cửa, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động trong lĩnh vực logistic cũng đã và đang tham gia tại thị trường Việt Nam và thường đó là các doanh nghiệp lớn như các hãng tàu biển, hãng hàng không và các doanh nghiệp chuyển phát nhanh, còn các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ chiếm thị phần tương đối nhỏ và ở những công đoạn tương đối đơn giản trong cả chuỗi tiến trình logistic.

- Hiện nay chi phí logistic tương đương khoảng 25% GDP, vậy ông có thể giải thích vì sao chúng ta đã có nỗ lực nhưng chi phí logistic vẫn cao?

Ông Trần Thanh Hải: Điều này cho thấy hiệu quả logistic của ta còn thấp, nguồn lực chưa được sử dụng và mang lại hiệu quả cao nhất.

Thống kê cho thấy một xe ôtô đưa hàng từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Hải Phòng mất khoảng 4 triệu đồng, trong khi chi phí một container từ Nhật Bản về Thành phố Hồ Chí Minh chỉ phải mất vài chục USD. Tất nhiên, đi bằng đường bộ thì đắt hơn nhưng cũng do chi phí của ta chưa hiệu quả.

- Trước những tồn tại như vậy, trong Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistic Việt Nam đã được Bộ Công Thương xây dựng và trình Chính phủ ban hành sẽ có những ưu tiên gì đê khắc phục những tồn tại nêu trên, thưa ông?

Ông Trần Thanh Hải: Có thể nói đây là văn bản đầu tiên mà chúng ta có để có thể định hướng chính sách về ngành logistic. Kế hoạch này sẽ tập trung vào những giải pháp ngắn hạn và trung hạn để góp phần cải thiện ngành dịch vụ logistic trong 7-8 năm tới.

Cụ thể, Kế hoạch hành động này sẽ tập trung vào những lĩnh vực như khung pháp lý, thể chế; hoàn thiện cơ chế quản lý Nhà nước về logistic cũng như xây dựng một hệ thống chính sách để hỗ trợ ngành logistic phát triển. Bên cạnh đó có khung pháp luật để hướng dẫn doanh nghiệp logistic hoạt động đúng luật pháp.

Yếu tố thứ hai là yếu tố về cơ sở hạ tầng, từ những cơ sở hạ tầng ngành giao thông vận tải như cảng biển, nhà ga, kho ngoại quan… đến các trung tâm logistic.

Thứ ba là nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ. Như tôi đã nói ở trên thì các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistic quy mô nhỏ, kinh nghiệm ít và sự cọ sát trên thị trường quốc tế chưa có nhiều, chủ yếu mới chỉ làm việc trong phạm vi Việt Nam và trong nhiều trường hợp chỉ là thầu phụ cho doanh nghiệp nước ngoài.

Do vậy, việc bồi dưỡng cho các doanh nghiệp của chúng ta lớn lên, bắt kịp với hoạt động xuất nhập khẩu là yếu tố rất quan trọng.

Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao nhất, các doanh nghiệp thương mại và xuất nhập khẩu cũng cần phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp logistic để làm sao có được sự phân công lao động rõ ràng và mang lại hiệu quả cao nhất.

Ngoài ra, Kế hoạch cũng chú trọng đến việc đào tạo, nâng cao chất nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng như tuyên truyền, phổ biến để doanh nghiệp thấy được vai trò của các doanh nghiệp logistic.

- Như ông nói, chúng ta vẫn cần những doanh nghiệp logistic lớn, giữ vai trò đầu tàu, vậy cần phải có những trợ lực cụ thể gì để thực hiện các chương trình trên?

Ông Trần Thanh Hải: Trong bất kỳ lĩnh vực nào cũng cần những doanh nghiệp mang tính tiên phong. Ở trong một số lĩnh vực ta đã thấy vai trò các doanh nghiệp tiên phong là không thể thiếu như xuất khẩu nông lâm thủy sản; gia công các sản phẩm da giày, dệt may, đồ gỗ; bất động sản, đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao…

Còn đối với lĩnh vực logistic, ta đang thiếu những doanh nghiệp lớn và thiếu sự đầu tư dài hạn, bài bản, mang tính chất quyết sách để tạo ra làn sóng trong lĩnh vực này. Logistic sẽ là ngành đầu tư sinh lợi lớn nhưng hiện nay, những doanh nghiệp nhìn thấy nguồn lợi đó thì không đủ tiềm năng để khai thác.

Trong khi đó những doanh nghiệp có vốn lớn, trình độ kinh nghiệm lại chưa mặn mà với lĩnh vực này. Do đó, kế hoạch hành động này quan tâm đến việc làm sao có được những doanh nghiệp đầu tàu, đầu tư vào logistic để tạo ra làn sóng, tạo ra sự quan tâm lớn của cộng đồng doanh nghiệp với hoạt động này.

- Là một lĩnh vực đầy tiềm năng nhưng doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn yếu và thiếu, vậy làm sao có thể liên kết với doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực này để nâng cao năng lực cạnh tranh?

Ông Trần Thanh Hải: Doanh nghiệp FDI nằm trong một công ty mẹ ở nước ngoài và công ty đó chọn dịch vụ xuyên suốt đi qua tất cả các nước. Khi đó doanh nghiệp Việt Nam khó chen chân vào.

Nhưng doanh nghiệp Việt Nam có thể làm thầu phụ để cung cấp dịch vụ và qua đó điều quan trọng là ta học được cách làm, cách quản lý của doanh nghiệp nước ngoài. Đó là điều ta phải chấp nhận trong bước đầu để nắm bắt được những yêu cầu của các cơ quan quản lý nước ngoài

Hiện đã có các doanh nghiệp Việt Nam thắng thầu cung cấp dịch vụ logistic cho các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Điều đó có thể đạt được qua một quá trình khẳng định chất lượng và thương hiệu. Không phải chúng ta không làm được, vấn đề là ta phải có thái độ nghiêm túc, chỉ bằng cách đó mới có thể vươn ra thế giới.

- Xin cảm ơn ông./.

Đức Huy