|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giải quyết các điểm nghẽn nổi cộm để da giày tận dụng cơ hội tốt từ CPTPP và EVFTA

11:18 | 18/12/2019
Chia sẻ
CPTPP, EVFTA được xem là yếu tố thu hút nhiều dự án trong và ngoài nước đầu tư vào ngành da giày tại Việt Nam. Tuy nhiên, để đón đầu cơ hội từ các hiệp định này, ngành da giày cần phải tập trung nhiều giải pháp gỡ khó.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu giày dép các loại của Việt Nam trong tháng 11/2019 đạt hơn 1,7 tỉ USD, tăng gần 7% so với tháng 10/2019 và tăng 11,38% so với cùng tháng năm 2018, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép trong 11 tháng đầu năm 2019 đạt 16,5 tỉ USD, tăng gần 13% so với cùng kì năm ngoái.

Thị trường tiêu thụ giày dép các loại nhiều nhất của Việt Nam trong tháng 11/2019 vẫn là Mỹ đạt 557 triệu USD, chiếm 32,7% trong tổng kim ngạch, tăng 3,52% so với tháng trước đó và tăng 12,14% so với cùng tháng năm 2018. 

Tiếp theo đó là Trung Quốc với 173 triệu USD, chiếm 10,2% trong tổng kim ngạch, tăng 5,8% so với tháng trước đó và tăng 11,35% so với cùng tháng năm 2018, đứng thứ ba là Bỉ với hơn 113 triệu USD, giảm 1,32% so với tháng trước đó song tăng 11,44% so với tháng 11/2018, chiếm 6,7% trong tổng kim ngạch.

Trong 11 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang một số thị trường có kim ngạch tăng trưởng mạnh, thứ nhất là Nga với hơn 150 triệu USD, tăng 38,28%; đứng thứ hai là Ukraine với hơn 11 triệu USD, tăng 35,5%.

Tiếp theo là Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất với hơn 135 triệu USD, tăng 33,84%; sau cùng là Cộng hòa Séc với hơn 658 triệu USD, tăng gần 30% so với cùng kì năm 2018.  

Kim ngạch xuất khẩu giày dép tăng trưởng mạnh ở một số thị trường, do sự đóng góp của các doanh nghiệp FDI, còn lại khối doanh nghiệp trong nước chủ yếu là gia công.

b26c1c10e1ce189041df

Sản phẩm giày dép của Việt Nam đã được xuất khẩu tới hơn 100 nước, trong đó 50 nước có kim ngạch xuất khẩu hơn 1 triệu USD. Ảnh: Như Huỳnh.

Theo Bộ Công Thương Việt Nam đã kí kết 14 hiệp định tự do thương mại đa phương và song phương, trong đó có Hiệp định CPTPP, EVFTA là yếu tố thu hút nhiều dự án trong và ngoài nước đầu tư vào ngành da giày tại Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng được cắt giảm thuế ngay sau khi hiệp định có hiệu lực.  

Hiện nay, với mức thuế nhập khẩu 0% đối với hàng hóa lưu thông nội khối và giữa ASEAN với Trung Quốc, các nước ASEAN và Trung Quốc đã đẩy mạnh bán hàng sang Việt Nam, tăng sức ép cạnh tranh tại thị trường trong nước. Một số thương hiệu giày dép, túi xách cao cấp nhập khẩu từ Italia, Pháp...cũng cạnh tranh khốc liệt với ngành hàng.

Tuy nhiên, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm da giày tại các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam những tháng cuối năm vẫn tăng trưởng ổn định. Dự kiến tổng kim ngạch xuất khẩu da giày đạt khoảng 21,5 tỉ USD, tăng 10% so với năm 2018, Hiệp hội Da - Giầy - Túi xách Việt Nam (Lefaso) dự báo. 

Ngoài ra, sản phẩm giày dép của Việt Nam đã được xuất khẩu tới hơn 100 nước, trong đó 50 nước có kim ngạch xuất khẩu hơn 1 triệu USD. Hiện ngành da giày Việt Nam giữ vị trí thứ 2 về xuất khẩu trên thế giới và là một trong những ngành có đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế đất nước.

Theo đánh giá của giới chuyên gia ngành da giày Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn từ các hiệp định thương mại như Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA)… 

Nhưng có thể tận dụng được hay không thì Lefaso cũng như các doanh nghiệp cần giải quyết các điểm nghẽn mà ngành đang gặp phải hiện nay và nổi cộm trong đó như công nghiệp hỗ trợ, nguyên phụ liệu trong nước chưa phát triển, phụ thuộc nhập khẩu hơn 80%

Ngoài ra thiếu chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ, thiếu qui hoạch phát triển ngành theo cụm liên kết và chuỗi giá trị, chưa phát triển được thương hiệu mạnh và đội ngũ thiết kế trong nước, thiếu các trung tâm hỗ trợ kĩ thuật và R&D cho ngành.

Do đó, theo Bộ Công Thương một số giải pháp được đặt ra tập trung vào việc hình thành chuỗi giá trị ngành da giày trong nước, góp phần nâng cao giá trị gia tăng trong nước, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực da giày, tăng cường liên kết giữa các cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp da giày.

Đồng thời hình thành các cụm liên kết ngành trong ngành da giày để tận dụng thế mạnh và lợi thế so sánh của các tỉnh và đẩy mạnh liên kết vùng; hình thành và phát huy hiệu quả của trung tâm hỗ trợ kĩ thuật cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực da giày.


Như Huỳnh