Xuất khẩu dệt may, da giày, đồ gỗ sôi động hơn nhờ CPTPP
Nhiều dư địa, xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường CPTPP kì vọng đạt 80 tỉ USD vào năm 2030
Hội thảo ngành dệt may, giày dép, đồ gỗ, đồ uống Việt Nam trước cơ hội và thách thức từ Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức đã diễn ra vào ngày 5/12 tại TP HCM.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI), cho biết CPTPP với những cam kết giảm thuế quan, mở cửa thị trường của 11 nền kinh tế tham gia hiệp định là cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp Việt Nam.
Hiệp định đặc biệt quan trọng với các ngành dệt may, giày dép, đồ gỗ và đồ uống vì đây là những lĩnh vực có kim ngạch xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam.
Theo đó, các doanh nghiệp của các ngành này được dự báo có cơ hội phát triển rất lớn để phát triển sản xuất thông qua việc thực hiện các thay đổi về thể chế, qui tắc nhằm thực thi các cam kết khi CPTPP có hiệu lực, thu hút được nguồn lực đầu tư lớn vào Việt Nam trong thời gian tới.
Ngoài ra, dễ thấy nhất là cơ hội nhập nguyên phụ liệu, máy móc thiết bị công nghệ từ các nước CPTPP với chi phí hợp lí, tiếp cận được các dịch vụ phục vụ sản xuất logistics, viễn thông… với chất lượng tốt hơn khi CPTPP mở cửa cạnh tranh với các dịch vụ này.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập. Ảnh: Như Huỳnh.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (World Bank), đến năm 2030, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường các nước trong CPTPP tăng từ 54 tỉ USD lên 80 tỉ USD, chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Dữ liệu ghi nhận thị phần kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đối với ngành giày dép, dệt may, đồ gỗ, đồ uống lần lượt ở mức 12,5%,16,04%, 20% và 23,46% càng cho thấy tiềm năng tăng thị phần trong kim ngạch nhập khẩu của đối tác thuộc khối CPTPP là có cơ sở.
Ông Trần Ngọc Bình, Trưởng phòng Quản lí Xuất nhập khẩu khu vực TP HCM, Cục Xuất Nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết trên thực tế, số lượng hàng hóa tận dụng được ưu đãi vào các thị trường CPTPP cao hơn 15% bởi doanh nghiệp có thể chọn nhiều ưu đãi của FTA khác khi xuất khẩu vào Nhật Bản, Chile, các thành viên trong ASEAN.
Thêm vào đó, một số mặt hàng của Việt Nam đã được hưởng ưu đãi thuế quan đặc biệt thấp hơn thuế quan trong CPTPP.
"Nếu nhìn nhận đa chiều trong bối cảnh Việt Nam đã có hơn 10 FTA cả song phương, đa phương; trong đó, có nhiều FTA chồng lấn nhau thì mức độ tận dụng ưu đãi từ CPTPP là rất tích cực.
Điều này cho thấy, CPTPP thật sự mang lại lợi ích cho nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam", ông Bình cho hay.
Sức ép từ các thách thức vẫn không nhỏ
Theo ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI, mặc dù tỉ lệ xuất khẩu vào các nước CPTPP khá cao nhưng mới tập trung vào một số thị trường truyền thống, đã có Hiệp định thương mại tự do FTA song phương từ trước như Nhật Bản, Australia.
Còn kim ngạch xuất khẩu vào các thị trường như Canada, Peru, Mexico còn rất khiêm tốn. Đó là dư địa lớn cho doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sau khi CPTPP đi vào thực thi.
Bên cạnh đó, khả năng cạnh tranh của nền kinh tế và của từng doanh nghiệp còn thấp, cho nên cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài khi xuất khẩu và cả trên sân nhà rất vất vả.
Ngoài ra, các qui định rất phức tạp, như muốn đẩy mạnh xuất khẩu da giày thì qui định xuất xứ hàng hóa qui định rất chi tiết, phức tạp mà không phải doanh nghiệp nào cũng có thể hiểu hết để tận dụng..., ông Thành cho hay.
Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI phát biểu tại hội thảo ngành dệt may, giày dép, đồ gỗ, đồ uống Việt Nam trước cơ hội và thách thức từ CPTPP. Ảnh: Như Huỳnh.
Ngoài ra, việc phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, khó tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế trong nội khối CPTPP khiến cho việc đáp ứng nguyên tắc xuất xứ trong CPTPP trở nên khó khăn
Các chuyên gia cho rằng, cả dệt may, da giày, đồ gỗ của Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường CPTPP nhưng mỗi ngành hàng có mức độ cam kết cắt giảm thuế quan, qui tắc xuất xứ khác nhau.
Do đó, mỗi doanh nghiệp, hiệp hội cần có kế hoạch, chiến lược kinh doanh thích hợp để tận dụng tối đa các lợi ích mà hiệp định mang lại; trong đó, nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách chủ động nguồn nguyên liệu, đổi mới công nghệ, quản trị là giải pháp bền vững cho doanh nghiệp Việt Nam không chỉ trong tận dụng cơ hội CPTPP mà còn đảm bảo sự phát triển ổn định, ứng phó hiệu quả với các thách thức khác từ hội nhập.
"Với mức độ cam kết sâu rộng và toàn diện, việc triển khai hiệu quả CPTPP rất cần sự vào cuộc chủ động, đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương và nhất là sự chủ động của từng doanh nghiệp", ông Võ Tân Thành nhấn mạnh.
Ngoài ra, dù khả năng bị cạnh tranh khốc liệt bởi các doanh nghiệp nước ngoài khi Việt Nam "rộng cửa" theo các cam kết ở chiều ngược lại của CPTPP là có nhưng bà Trang cho rằng đây sẽ không phải là cú sốc lớn đối với các doanh nghiệp bởi Việt Nam đã tham gia hàng loạt hiệp định thương mại với nhiều thành viên trong CPTPP, nên các doanh nghiệp có thể điều chỉnh để thích nghi.
"Do đó, nếu các doanh nghiệp trong nước chú trọng giữ vững thị phần tại thị trường nội địa, xác lập chiến lược cạnh tranh ngay trên thị trường của mình một cách tập trung hơn trong bối cảnh các nước ngày càng dòm ngó vào Việt Nam càng nhiều, thì "sân nhà" vẫn là lợi thế không nhỏ cho các doanh nghiệp nội địa khai thác lợi thế của mình", bà Trang nhận định.