Chưa tận dụng tốt ưu đãi từ FTA, xuất khẩu dệt may mất dần lợi thế?
Mục tiêu xuất khẩu 40 tỉ USD của dệt may khó thành
Thống kê từ Tổng cục Hải quan cho biết tính từ đầu năm đến hết ngày 15/11, xuất khẩu dệt may đạt 28,54 tỉ USD, con số này giảm 135 triệu USD, tương ứng giảm 9,7% so với nửa cuối tháng 10.
Theo Bộ Công Thương, những tháng cuối năm 2019, doanh nghiệp dệt may phải đối mặt với nhiều khó khăn như đầu vào không ổn định, đơn hàng khan hiếm, nhu cầu thị trường đòi hỏi ngày càng cao với mức giá thành giảm, áp lực cạnh tranh và các rào cản thương mại...
Nguyên nhân được các chuyên gia cho rằng do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung ảnh hưởng tới tỉ giá giữa các đồng tiền, giá gia công tại Việt Nam cao hơn so với một số nước trong khu vực như Hàn Quốc, Trung Quốc.
Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến các đơn hàng xuất khẩu, đặc biệt với nhóm hàng dệt may. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ sợi và nguyên phụ liệu gặp nhiều khó khăn vì thị trường xuất khẩu chủ lực là Trung Quốc cắt giảm lượng nhập hàng.
Ông Phạm Xuân Hồng, chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP HCM. Ảnh: NH
Trong khi đó, trao đổi với người viết, ông Phạm Xuân Hồng, chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP HCM cho biết đến nay nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thể tận dụng được các lợi ích từ chính sách thuế mang lại sau khi các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được thông qua trong thời gian gần đây.
Cụ thể, lợi thế khi tham gia các hiệp định thương mại tự do là ưu đãi về thuế, nhưng nếu muốn hưởng thuế suất bằng 0% khi xuất khẩu thì các doanh nghiệp phải đáp ứng được các yêu cầu rất cao, liên quan đến chứng nhận xuất xứ nguồn nguyên liệu.
Tuy nhiên, một phần không nhỏ nguyên liệu sợi, vải phục vụ quá trình gia công sản phẩm của Việt Nam đều phải nhập từ nước ngoài. Điều đó khiến các doanh nghiệp Việt Nam khó có thể truy xuất nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm và hưởng ưu đãi về thuế quan khi xuất khẩu sang các thị trường.
"Điểm nghẽn lớn nhất là không tự chủ được nguồn cung nguyên phụ liệu, chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc.
Trong khi để tận dụng được ưu đãi thuế, chẳng hạn với EVFTA, các doanh nghiệp phải sử dụng nguồn nguyên liệu từ các nước trong khối EU. Tỉ lệ sử dụng này hiện vẫn còn khá thấp", ông Phạm Xuân Hồng, chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP HCM thông tin.
Do đó, thay vì thuế suất có thể chỉ 0 - 5% nhưng do không đủ điều kiện để được hưởng thuế suất giảm theo FTA nên hàng dệt may Việt Nam vân đang chịu mức thuế khoảng 5 - 25%.
Theo ông Hồng, trước thực tế nhiều khó khăn hiện nay, đã khiến xuất khẩu dệt may tăng trưởng không như kì vọng.
Bởi, có thể thấy với con số xuất khẩu chỉ mới đạt 28,54 tỉ USD sau hơn 11 tháng qua, nếu so với mục tiêu xuất khẩu 40 tỉ USD sản phẩm dệt may các loại của năm 2019 được đặt ra thì khả năng đạt được là khó thể kì vọng khi chỉ còn chưa đầy một tháng là kết thúc năm.
Tìm cách tận dụng lợi thế từ FTA
Theo các chuyên gia, việc chưa tận dụng tốt không có nghĩa là doanh nghiệp không thể tận dụng lợi thế của các FTA, vấn đề là doanh nghiệp phải xác định đúng những thị trường triển vọng.
Cụ thể, Chủ tịch Hội thêu đan TP HCM cho rằng hiện nay, các doanh nghiệp có thể tận dụng ưu đãi từ EVFTA và CPTPP, xúc tiến mở rộng thị phần tại một số thị trường trong khối EU. Đáng lưu ý nhất là hai thị trường tiềm năng Canada và Australia.
Canada là thị trường rất tiềm năng của Việt Nam với kim ngạch nhập khẩu hàng dệt may đạt hơn 13 tỉ USD/năm, trong khi xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào thị trường này mới chỉ đạt khoảng 550 triệu USD/năm.
Trong khi đó, hiện Việt Nam chưa kí Hiệp định thương mại tự do với Canada nên CPTPP là cánh cửa giúp dệt may Việt Nam chiếm lĩnh thị trường này. Do đó, các doanh nghiệp cần nắm bắt thời cơ, chủ động tìm kiếm đối tác nhập khẩu từ Canada.
Hơn 60% nguồn nguyên liệu vải sản xuất của Việt Nam đều đang nhập khẩu từ nước ngoài. Ảnh: NH
Với thị trường EU, hiện là thị trường xuất khẩu dệt may lớn thứ 2 - chiếm 17% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may, Việt Nam cũng đang xuất siêu mặt hàng này sang EU nên EVFTA được kì vọng sẽ giúp dệt may thâm nhập sâu rộng hơn nếu đáp ứng được qui tắc xuất xứ của EU.
Cụ thể, đó là phải dùng nguồn nguyên liệu vải trong nước hoặc sử dụng vải từ một nước thứ 3 có kí kết FTA với Việt Nam và EU.
Do đó, theo ông Phạm Xuân Hồng, ngành dệt may cần phải phát triển nguồn cung ứng nguyên phụ liệu để hình thành liên kết chuỗi.
Mặc dù qui mô của các doanh nghiệp trong ngành vẫn chủ yếu là vừa và nhỏ, phương thức sản xuất chủ yếu là gia công và lệ thuộc vào nước ngoài nhiều nhưng để có thể nâng cao tỉ lệ làm chủ nguyên phụ liệu, các doanh nghiệp Việt Nam cần phối hợp với nhau để tạo ra các chuỗi cung ứng hoàn thiện.
Song song với đó, dệt may Việt Nam cũng nên tận dụng những thành tựu khoa học kĩ thuật vào trong quá trình sản xuất để có thể nâng cao năng suất và chất lượng của sản phẩm.
Còn theo Bộ Công thương trong thời gian tới, doanh nghiệp dệt may cần có biện pháp mới nhằm thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh để phù hợp với tình hình mới.
Đặc biệt vào những tháng cuối năm, bên cạnh việc tìm kiếm đơn hàng để bảo đảm sản xuất, doanh nghiệp cần chủ động liên kết với khách hàng để hình thành chuỗi sản xuất, đáp ứng qui tắc xuất xứ theo cam kết của các FTA.
Đồng thời, doanh nghiệp cũng phải tuân thủ yêu cầu của nhãn hàng về phát triển bền vững để thu hút được nhiều đơn hàng trong tương lai, ông Hồng nhấn mạnh.