Khó khăn chồng chất, xuất khẩu dệt may khẩn trương tìm giải pháp cho mục tiêu 40 tỉ USD
Tăng trưởng trong khó khăn
Theo số liệu của Tổng cục thống kê, xuất khẩu hàng dệt may trong 10 tháng đầu năm nay đạt 27,4 tỉ USD, tăng 8,7% so với cùng kì năm ngoái.
Về thị trường xuất khẩu, Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất từ Việt Nam với trị giá đạt 11,21 tỉ USD, tăng 8,7% và chiếm 45,5% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của cả nước.
Nhật Bản đã tiêu thụ 2,91 tỉ USD, tăng 4,2%; Liên minh châu Âu (EU) là 3,22 tỉ USD, tăng 4,6%; Hàn Quốc tiêu thụ 2,6 22 tỉ USD, tăng 10,5%; Trung Quốc 1,18 22 tỉ USD, tăng 10%...
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), ngoài các mặt hàng dệt may truyền thống thì hai năm qua Việt Nam cũng tăng cường xuất khẩu những mặt hàng có giá trị gia tăng cao như vải, xơ sợi, vải địa kĩ thuật, phụ liệu dệt may…
Điều này đã đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu dệt may lớn thứ 3 thế giới và dự báo kết thúc năm nay có thể đạt mốc 40 tỉ USD.
Tuy nhiên, trao đổi với người viết ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas cho hay: "Từ quí IV/2018 đến nay, ngành dệt may chịu nhiều tổn thất do ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Trong đó, xuất khẩu sợi vào Trung Quốc giảm mạnh do sức mua của các nhà sản xuất ở đây giảm.
Bên cạnh đó, cuộc chiến thương mại cũng đang tạo sức ép cho nguồn cung của ngành dệt may Việt Nam với việc các doanh nghiệp dệt may đang phải trả chi phí cao hơn để mua vải từ Trung Quốc trong khi vẫn phải chịu áp lực giảm giá từ các đơn hàng xuất khẩu".
Báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán BSC cùng thông tin xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong những tháng qua tăng trưởng chậm lại là do nhu cầu thế giới giảm, căng thẳng giữa Mỹ - Trung Quốc tiếp tục leo thang.
Doanh thu giảm ở các doanh nghiệp sợi là do Mỹ áp thuế đối với các mặt hàng dệt may Trung Quốc làm giảm xuất khẩu sợi và vải từ Trung Quốc sang Mỹ. Từ đó gia tăng nguồn cung và áp lực cạnh tranh lên thị trường, kéo giá giảm.
Đối với các doanh nghiệp may, tình trạng đơn hàng suy giảm diễn ra tại nhiều doanh nghiệp gây không ít khó khăn cho sự tăng trưởng của ngành hàng.
"Nguyên nhân của tình trạng này là do hầu hết đơn hàng đang có xu hướng bị chia nhỏ, khách hàng thờ ơ trong việc đặt hàng dài hạn, đặc biệt tình trạng ép giá thấp khiến lợi nhuận của doanh nghiệp bị sụt giảm.
Đơn hàng từ Trung Quốc có xu hướng chuyển sang các nước có ưu đãi về thuế suất như Banglades, Campuchia thay vì vào Việt Nam như trước đây", ông Giang cho hay.
Bên cạnh đó, lợi thế về nhân công giá rẻ không còn khi mà nhiều quốc gia có giá nhân công chỉ bằng một nửa của ngành dệt may Việt Nam.
Để thu hút đơn hàng, các quốc gia đã áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp dệt may của họ như giảm nhiều loại thuế, thúc đẩy xuất khẩu, khiến nguy cơ mất đơn hàng của các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng cao.
Cần nhiều giải pháp chủ động cho những tháng cuối năm
BSC dự báo từ nay tới cuối năm, tăng trưởng ngành dệt may vẫn sẽ duy trì trên 10% nhờ vào các Hiệp định thương mại EVFTA và CPTPP. Năm 2020 sẽ phát triển chậm lại với tốc độ tăng trưởng ở mức dưới 10% bởi cầu thế giới sẽ tiếp tục giảm do kinh tế thế giới yếu đi vì xung đột Mỹ - Trung.
Bên cạnh đó, ngành dệt may đang đối mặt hàng loạt thách thức về thiếu nguyên phụ liệu trong nước và công nghệ chưa cao, đòi hỏi phải tăng cường đầu tư, đổi mới để đón cơ hội dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc và đáp ứng các điều kiện miễn giảm thuế từ các FTA mang lại.
Theo đó, một trong những giải pháp đón đầu làn sóng cải tiến công nghệ của ngành dệt may Việt Nam được quan tâm trong những tháng cuối năm đó là việc tham gia Triển lãm Quốc tế ngành công nghiệp Dệt may Việt Nam (VTG 2019), Triển lãm máy móc, thiết bị và nguyên phụ liệu Dệt May (VitaTex) sẽ diễn ra từ ngày 20 đến 23/11 tại TP HCM.
Với 800 gian hàng của 530 đơn vị đại diện 550 thương hiệu tham gia đến từ 14 quốc gia và vùng lãnh thổ, triển lãm sẽ mang đến một loạt các máy móc sản xuất dệt may tự động với công suất cao cùng hàng loạt các loại sợi, vải, chỉ, hóa chất nhuộm chất lượng cao.
Doanh nghiệp có thể tiếp cận các phát minh mới nhất của thế giới trong ngành dệt may, tiếp cận thông tin thị trường mới nhất và giao lưu với các thương hiệu hàng đầu từ khắp nơi trên thế giới.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương khuyến cáo những tháng cuối năm, doanh nghiệp cần tích cực tìm kiếm đơn hàng để bảo đảm sản xuất, cùng với đó là chủ động liên kết với khách hàng để hình thành chuỗi sản xuất, đáp ứng qui tắc xuất xứ theo cam kết của các Hiệp định thương mại FTA.
Còn theo các chuyên gia trong ngành, từ nay đến hết năm, để đạt được mục tiêu xuất khẩu đề ra là 40 tỉ USD, các doanh nghiệp phải tích cực tìm kiếm đối tác và mở rộng thị trường xuất khẩu.
"Canada là thị trường rất tiềm năng của Việt Nam với kim ngạch nhập khẩu hàng dệt may đạt hơn 13 tỉ USD/năm, trong khi xuất khẩu dệt may của Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 550 triệu USD/năm.
Đáng nói là hiện Việt Nam chưa kí hiệp định thương mại tự do với Canada nên CPTPP là cánh cửa giúp dệt may Việt Nam chiếm lĩnh thị trường này. Do đó, các doanh nghiệp cần nắm bắt thời cơ, chủ động tìm kiếm đối tác nhập khẩu Canada", Chủ tịch Vitas chia sẻ.
Đồng thời cần thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh phù hợp với xu hướng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Tập trung khai thác các đơn hàng đòi hỏi kĩ thuật cao, tận dụng tối đa nguồn nhân lực tay nghề cao trong nước cũng như đáp ứng thời gian giao hàng nhanh, chính xác, bảo đảm chất lượng theo yêu cầu của khách hàng.