|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

EVFTA thực thi, thuế suất về 0%: Nếu nông sản Việt không đủ chuẩn vào EU có thể sẽ mất luôn thị phần trên chính sân nhà

17:03 | 21/08/2019
Chia sẻ
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) là cơ hội để nông sản Việt tự tin cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, đặc biệt tại các nước Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, nó sẽ là nguy cơ dẫn đến việc mất sự tin dùng của 100 triệu dân trong nước nếu "không khéo" tận dụng.

EU dành tổng lượng hạn ngạch 80.000 tấn/năm đối với gạo

Hội nghị "Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU: Các cam kết quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp và những điều cần lưu ý" do Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) tổ chức đã diễn ra vào ngày 21/8 tại TP HCM.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: "Với EVFTA, chúng ta ý thức được tầm quan trọng của hiệp định".

Hiện, nông sản Việt Nam đã vươn mạnh ra thế giới và có mặt trên 185 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều thị trường giá trị cao như Mỹ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc... Xuất khẩu nông sản Việt Nam đứng thứ hai Đông Nam Á và thứ 15 thế giới, đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa.

Theo Bộ trưởng Cường, Hiệp định lần này càng có vai trò đặc biệt trong việc gia tăng vị thế cạnh tranh của nông lâm thủy sản Việt Nam trên toàn cầu.

"Với EVFTA, qui mô nền kinh tế lớn hơn, độ mở nền kinh tế lớn nhiều nên cần sự chuẩn bị kí càng. EVFTA là hiệp định thế hệ mới nhất, có sự cam kết sâu rộng nhất khi hầu hết các nhóm hàng có thuế suất đều đưa dần về 0% trong một lộ trình ngắn nhất", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay.

21cac4e98f9368cd3182

Toàn cảnh Hội nghị "Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU: Các cam kết quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp và những điều cần lưu ý" diễn ra ngày 21/8 tại TP HCM. Ảnh: Như Huỳnh.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng nhìn nhận: "Hiệp định EVFTA sẽ giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho sản phẩm Việt Nam có thế mạnh như nông sản và thủy sản, tạo điều kiện cho nông sản Việt tiếp cận thị trường 28 quốc gia thành viên EU hơn 500 triệu dân. 

Từ đó, có thể mở rộng thị trường xuất khẩu, giảm phụ thuộc vào Trung Quốc và Đông Nam Á", ông Trần Tuấn Anh khẳng định.

Cụ thể, theo Bộ trưởng, khoảng 50% số dòng thuế ngành thủy sản sẽ được xóa bỏ ngay khi hiệp định có hiệu lực, giảm từ 6 - 22% hiện về 0%; các sản phẩm rau củ quả tươi và chế biến, nước trái cây xóa bỏ thuế ngay; cà phê, tiêu, điều, mật ong tự nhiên… cũng vậy.

Với ngành gạo, EU dành tổng lượng hạn ngạch 80.000 tấn/năm đối với gạo xay xát, gạo chưa xay xát và gạo thơm, thuế trong hạn ngạch là 0%. 

Còn đối với các mặt hàng thủy sản, 50% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ ngay khi hiệp định có hiệu lực, 50% số dòng thuế còn lại về 0% sau 3 đến 7 năm. Đây được đánh giá là ngành sản phẩm được hưởng nhiều ưu đãi nhất khi tham gia Hiệp định EVFTA. 

Theo đó, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho rằng EVFTA là một dấu ấn quan trọng không phải chỉ Việt Nam mà trên toàn cầu. Giữa thời điểm thế giới nhiều vấn đề phức tạp thì đây là cơ hội cho Việt Nam nói chung, doanh nghiệp Việt Nam nói riêng, đặc biệt lĩnh vực nông nghiệp.

Nguy cơ nông sản ngoại giá rẻ tràn vào Việt Nam 

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khuyến cáo EU là một trong những thị trường có đòi hỏi cao nhất trên thế giới. "Việc bước qua được các rào cản thuế quan không có nghĩa là hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam sẽ được thị trường EU chấp nhận mà phải vượt qua được hàng rào phi thuế quan nghiêm ngặt".

Theo Bộ trưởng, EU có nhiều qui định không chỉ liên quan đến tiêu chuẩn sản phẩm mà cả đối với qui trình sản xuất ra sản phẩm đó. Chẳng hạn, không được dùng hải sản đánh bắt bất hợp pháp hay không được dùng gỗ khai thác từ rừng tự nhiên mà chưa được phép, vấn đề an toàn thực phẩm, dịch bệnh phải đảm bảo...

Ngoài ra, những tiêu chuẩn về lao động, môi trường của EU cũng thuộc hàng cao nhất thế giới.

Do đó, để khai thác được tối đa lợi ích mà hiệp định này mang lại, Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ rõ, các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần chủ động nghiên cứu thông tin để có sự chuẩn bị tích cực. 

Việc chuẩn bị nên được tiến hành toàn diện từ nghiên cứu cơ hội, thách thức của thị trường EU đến các giải pháp như nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, phát huy lợi thế cạnh tranh, tăng hiệu suất…

Sequence 01

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường và Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại hội nghị. Ảnh: Như Huỳnh.

Đồng quan điểm, ông Cường cho hay nếu hàng Việt làm thương hiệu kém, không đủ tiêu chuẩn vào thị trường EU, thì khi hàng rào thuế quan của rất nhiều sản phẩm nông nghiệp được gỡ bỏ, hàng hóa Việt Nam thậm chí sẽ không được người tiêu dùng trong nước tin dùng, mà còn bị hàng ngoại từ khu vực này tràn vào để khai thác thị trường 100 triệu dân vốn được xem là tiềm năng của Việt Nam.

"Hiện ở một số nước EU, giá thành thịt heo chỉ 26.000 - 28.000 đồng/kg, sẽ là nguy cơ nếu chúng ta không củng cố thị trường tốt", ông Cường dẫn chứng.

Theo đó, đại diện Bộ Nông nghiệp đề nghị: "EVFTA đặt ra nhiều áp lực, doanh nghiệp phải xác định cùng nhà nước, nông dân liên kết chặt chẽ để đảm bảo các điều kiện xuất khẩu như vấn đề xuất xứ hàng hóa, nhãn mác, vệ sinh an toàn thực phẩm, truy nguyên nguồn gốc… để mở rộng thị trường sang các nước trong khối EU".

Bên cạnh đó, tăng qui mô, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản xuất trong nước, khuyến khích sản xuất theo chuỗi giá trị, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng hóa chất, nguồn gốc, xuất xứ, mã vùng sản xuất, chỉ dẫn địa lí, chứng chỉ bền vững…

Ngoài ra, cần sớm hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính. Đồng thời chính quyền địa phương cần triển khai nội dung của hiệp định đến người nông dân.

Như Huỳnh