|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giấc mơ hưởng lợi từ EVFTA, CPTPP của dệt may: Đừng vội mừng

04:15 | 13/08/2019
Chia sẻ
Sáu tháng đầu năm 2019, sau khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực được gần nửa năm, ngành dệt may Việt Nam vẫn nhập tới 6,7 tỉ đô la Mỹ nguyên liệu, chủ yếu từ thị trường ngoài khối.

Giấc mơ tận dụng lợi ích từ CPTPP, EVFTA của ngành công nghiệp này dường như khó trở thành hiện thực.

Khó từ sợi trở đi

“Khó nhất là làm sao đáp ứng được yêu cầu xuất xứ từ vải trở đi, hoặc từ sợi trở đi”, ông Trương Văn Cẩm, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), nói. “Đây là vấn đề cốt lõi nếu muốn được hưởng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do".

Giấc mơ hưởng lợi từ EVFTA, CPTPP của dệt may: Đừng vội mừng - Ảnh 1.

Ngành dệt may Việt Nam vẫn nhập phần lớn nguyên phụ liệu từ nước ngoài, một trong những lý do là công nghệ đầu nguồn trong ngành dệt may vừa khó đầu tư, lại không nhận được "cảm tình" của các địa phương. Ảnh minh họa: TTXVN

Năm 2018, dệt may Việt Nam nhập tới 12,7 tỉ đô la Mỹ vải nguyên liệu. Trong 6 tháng đầu năm 2019, lượng nhập khẩu mặt hàng này không có dấu hiệu giảm, đạt khoảng 6,7 tỉ đô la Mỹ, chủ yếu từ các nước ngoài khu vực mà Việt Nam ký hiệp định, trong đó, 55% nguyên liệu đến từ Trung Quốc, 20% từ Hàn Quốc, 16% từ Đài Loan; 6% từ Nhật Bản, theo số liệu từ Vitas.

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực tháng 1-2019, và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), vừa được ký kết cuối tháng 6-2019, được kỳ vọng sẽ mở cánh cửa để hàng Việt Nam tiếp cận thị trường quy mô 1 tỉ người tiêu dùng, chiếm khoảng 40% GDP toàn cầu. CPTPP bao gồm một số nước Việt Nam chưa ký kết hiệp định thương mại tư do (FTA) như Peru, Mexico và Canada. 

Trong đó, Canada, dù chưa có FTA nhưng lượng xuất khẩu dệt may mỗi năm sang thị trường này đã đạt 700-800 triệu đô la Mỹ, chỉ sau Nhật Bản.

Hai hiệp định trên đều có tốc độ cắt giảm thuế nhanh và mạnh. Hiện hàng dệt may Việt Nam đang chịu thuế bình quân 9,6% khi xuất sang EU. 

Thuế sang các thị trường trong CPTPP dao động, tuỳ thuộc vào từng quốc gia thành viên, thường ở mức rất cao, ví dụ Peru 17%, Mexico 20-35%. Hai hiệp định EVFTA và CPTPP sẽ sớm đẩy mức thuế hiện nay về 0%.

“Gần như tất cả sản phẩm dệt may sẽ không phải chịu thuế", Tổng thư ký Vitas nói. EU có lộ trình giảm thuế nhanh hơn khi 85% dòng thuế sẽ giảm ngay lập tức về 0% khi EVFTA có hiệu lực và gần như 100% dòng thuế vào 7 năm sau đó. 

Đối với CPTPP, lộ trình giảm thuế sẽ lâu hơn, một số thị trường như Mexico, Peru, thời gian giảm thuế tới 16 năm do đây là những thị trường có cơ cấu sản xuất và xuất khẩu tương tự Việt Nam.

Chỉ hy vọng thôi liệu đã đủ?

Cơ hội vẫn chỉ ở dạng tiềm năng khi ngành dệt may không giải quyết được bài toán xuất xứ từ sợi trở đi. 

Các nhãn hàng đã có sẵn chuỗi cung ứng của họ, trong khi doanh nghiệp trong nước chưa tham gia sâu được vào chuỗi này, mới chỉ dừng lại ở gia công, công đoạn mang giá trị gia tăng thấp nhất trong toàn chuỗi. 

Vấn đề nguồn gốc từ sợi trở đi rất khó giải quyết nếu các nhãn tiếp tục chỉ định nguồn mua nguyên liệu từ đối tác ngoài CPTPP, EVFTA như hiện nay.

“Nguyên liệu từ Việt Nam thường cao hơn 10% nguồn nguyên liệu cùng loại từ Trung Quốc", ông Ron Dutta, Giám đốc nguồn nguyên liệu tại châu Á, của Garan Incorporated, nhãn hàng quần áo trẻ em tại Mỹ, công ty đã có 10 năm hoạt động tại Việt Nam, nói. 

“Nguồn nguyên liệu của Việt Nam rất hạn chế và phải nhập khẩu, chủ yếu là bông. Giá nhân công trong nước cũng không còn rẻ nữa".

Trung Quốc, nước cung cấp hơn 50% nguyên liệu cho Việt Nam, sản xuất trên quy mô lớn, tập trung nên giá nguyên liệu rất cạnh tranh. 

Song, Trung Quốc lại không nằm trong hai hiệp định thương mại thế hệ mới mà Việt Nam vừa ký kết. Hiện nay Việt Nam và Trung Quốc chỉ là thành viên trong Hiệp định thương mại tự do Asean Trung Quốc (ACFTA) có hiệu lực năm 2010 và hiệp định đối đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đang được đàm phán.

Lãnh đạo Vitas “hy vọng”, lợi ích từ CPTPP, EVFTA sẽ khiến các nhãn hàng tìm nhà cung cấp trong nước thay vì chỉ định từ nước ngoài, bởi nếu không đáp ứng được quy định xuất xứ, hàng dệt may sẽ bị đánh thuế rất cao, lên tới 25%.

Nhưng “hy vọng” là không đủ và cần sự hỗ trợ ở mức cao nhất từ cơ quan chức năng. Bộ Công Thương đang xây dựng chiến lược phát triển ngành dệt may, dự kiến sẽ được ban hành trong năm 2019. 

Nếu được duyệt, chiến lược sẽ định hướng xây dựng khu công nghiệp dệt may lớn, thu hút những dự án đầu nguồn như dệt nhuộm nhằm giải quyết điểm nghẽn của ngành.

“Chúng tôi kỳ vọng rất lớn vào chiến lược này", ông Cẩm nói.

Vitas còn tham vọng sắp tới khi các khu công nghiệp dệt may, diện tích khoảng 400-500 héc ta, được xây dựng, sẽ quy tụ các doanh nghiệp trong lĩnh vực đầu nguồn như sợi, dệt, nhuộm. Mỗi khu công nghiệp như vậy cung cấp ra thị trường tối thiểu 1 tỉ mét vải/năm.

Đây là giải pháp nằm trong nỗ lực của cơ quan quản lý nhằm giải “điểm nghẽn" ngành dệt may khi tham gia các hiệp định mới ký kết. 

Nhưng việc xây dựng các khu công nghiệp dành riêng cho ngành dệt may, nhằm xử lý tập trung các vấn đề liên quan tới môi trường, trong đó có ngành nhuộm, là không dễ trong bối cảnh nguồn lực đất đai khan hiếm. 

Trước đó, ngành chế biến gỗ cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xây dựng riêng một khu công nghiệp dành cho ngành này nhưng tới nay vẫn chưa thực hiện được do không tìm được quỹ đất.

Hơn nữa, sản xuất khâu đầu nguồn cần nguồn lực rất lớn, cả về vốn đầu tư cũng như con người. 

Ví dụ, đầu tư một nhà máy nhuộm có quy mô nhỏ và vừa cũng mất khoảng 70-80 triệu đô la Mỹ, trong khi xây một nhà máy may quy mô vài nghìn nhân công cũng chỉ mất khoảng hơn 100 tỉ đồng (tương đương khoảng 4,5 triệu đô la Mỹ). 

Công nghệ trong ngành này cũng khó và liên tục thay đổi, thậm chí liên quan tới bí quyết công nghệ, ít doanh nghiệp có thể làm được.

“Nhiều doanh nghiệp đã thất bại khi đầu tư vào ngành nhuộm, bởi muốn thành công, không chỉ có tiền, mà còn phải có công nghệ và con người vận hành công nghệ đó", ông Cẩm nói.

Biện pháp tình thế

Khi chưa có chiến lược, các doanh nghiệp trong ngành vẫn phải tìm đường ngách, tức một số trường hợp ngoại lệ theo cam kết trong CPTPP hoặc EVFTA. 

Với EU, doanh nghiệp trong nước có thể tăng cường nhập nguyên liệu từ Hàn Quốc, Nhật Bản, quốc gia có ký FTA với cả EU và Việt Nam. Đối với CPTPP, các doanh nghiệp có thể nhập nguồn nguyên liệu từ Nhật Bản, quốc gia thành viên.

CPTPP cũng đưa ra ngoại lệ về nguồn cung thiếu hụt cho 187 mặt hàng, trong đó 8 mặt hàng được áp dụng trong thời hạn 5 năm, 179 mặt hàng áp dụng vĩnh viễn. 

Đối với những trường hợp ngoại lệ này, nguyên liệu dù được nhập từ các quốc gia ngoài CPTPP vẫn được công nhận về quy tắc xuất xứ và hưởng ưu đãi thuế. 3 mặt hàng vali, túi xách; áo ngực phụ nữ; quần áo trẻ em bằng vải tổng hợp chỉ cần áp dụng hai công đoạn cắt và may là đã được miễn thuế.

Dù vậy, đây không phải là mặt hàng chiếm tỉ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam. Muốn hưởng lợi từ các hiệp định thương mại, các doanh nghiệp vẫn phải chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước.

“Chúng ta vẫn phải tự lo được nguyên liệu từ vải hoặc từ sợi trở đi”, ông Cẩm nhấn mạnh.



Vũ Dung