Tỷ lệ doanh nghiệp tận dụng ưu đãi EVFTA cao hơn gấp 4 lần CPTPP
Theo Bộ Công Thương, 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang EU đạt 23,8 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2021. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa từ EU đạt 7,88 tỷ USD, giảm 5%.
Sau 2 năm thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) (1/8/2020 - 1/8/2022), tỷ lệ sử dụng chứng nhận xuất xứ ưu đãi theo hiệp định EVFTA tăng cao.
Trong 6 tháng đầu năm, tỷ lệ sử dụng ưu đãi EVFTA đã tăng trên 32%, cao hơn 4 lần so với tỷ lệ tận dụng ưu đãi trong hiệp định CPTPP.
Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) nhận định kết quả này cho thấy, doanh nghiệp đã tích cực hơn và nắm bắt được lợi ích của hiệp định EVFTA.
Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, ông Lương Hoàng Thái cho rằng sau 3 năm thực thi, biên độ ưu đãi, mức ưu đãi mà doanh nghiệp được hưởng mới đủ lớn để tạo động lực xuất khẩu.
Vì vậy, đại diện Vụ Chính sách thương mại đa biên khuyến nghị doanh nghiệp thực thi tốt các quy định của EVFTA, đặc biệt trong bối cảnh quốc tế vẫn phức tạp, xung đột vũ trang, một số nguyên nhiên vật liệu tăng giá làm giảm tổng cầu của thị trường EU.
Đồng thời, ông Lương Hoàng Thái lưu ý hiện nay, thị trường EU đang có xu hướng dịch chuyển rất mạnh mẽ sang tiêu dùng hàng hóa xanh, sạch và đáp ứng tiêu chuẩn về lao động, về môi trường…
Điều này có nghĩa, EU không chỉ đơn thuần yêu cầu về giá cả, chất lượng mà còn quan tâm đến quy trình sản xuất hàng hóa đó như thế nào. Do đó, doanh nghiệp cần đón đầu xu hướng này, nếu như thành công theo xu hướng này, giá trị thu được trong quá trình xuất khẩu sang EU sẽ lớn hơn rất nhiều.
“Ngoài ra, EU là thị trường cơ bản rất khó tính với nhiều yêu cầu về kỹ thuật, kiểm dịch động thực vật, thậm chí có cả những tiêu chuẩn doanh nghiệp tự đặt ra.
Điều này đòi hỏi doanh nghiệp cần có những chuyển đổi mô hình, để đáp ứng tốt nhất thị hiếu ở thị trường EU, từ đó khai thác một cách có hiệu quả, lâu dài và bền vững”, ông Lương Hoàng Thái khuyến nghị.