|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Kỳ vọng xuất khẩu hàng hóa sang EU tăng trưởng dương từ cuối năm 2023

16:36 | 28/11/2023
Chia sẻ
Bà Nguyễn Thảo Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ cho biết GDP của khu vực EU được dự báo tăng trưởng trong năm 2024 và 2025. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào cuối năm 2023 và năm 2024.

Đà giảm xuất khẩu hàng hóa sang EU đang dần thu hẹp 

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy 10 tháng năm 2023, thương mại hàng hóa Việt Nam-EU đạt gần 60,8 tỷ USD, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm khoảng 11% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Trong đó, xuất khẩu hàng hóa sang EU đạt 44,8 tỷ USD, giảm 6,5% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm khoảng 15,4% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa từ EU đạt gần 16 tỷ USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm khoảng 6 % tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam.

EU là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 và nhà nhập khẩu lớn thứ 5.

Tại diễn đàn “Phát triển bền vững - Đích đến trong hành trình kiến tạo chuỗi giá trị tương lai”, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) đánh giá 2023 là năm khó khăn khi các yếu tố như nguy cơ suy thoái kinh tế, lạm phát và lãi suất vẫn duy trì ở mức cao khiến nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu hàng hóa tại EU sụt giảm. Điều này đã tác động đến trao đổi thương mại giữa Việt Nam với khu vực thị trường này.

Tuy nhiên, sự suy giảm này được nhận định là tạm thời và đang có dấu hiệu cải thiện. Trong quý III, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-EU đạt 15,1 tỷ USD, giảm 1,5% so với cùng kỳ năm 2022. Đà giảm đã thu hẹp lại so với mức 10% của quý I và quý II.

Ông Tạ Hoàng Linh cho rằng đây là những dấu hiệu cho thấy xuất khẩu hàng hóa sang EU có thể phục hồi từ quý IV.

Còn theo bà Nguyễn Thảo Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ, xuất khẩu của Việt Nam sang EU trong 10 tháng năm 2023 chịu tác động kép của thị trường và xung đột địa chính trị. Đây cũng là năm đầu tiên, xuất khẩu hàng hóa sang EU tăng trưởng âm.

“Theo báo cáo triển vọng kinh tế EU, GDP của khu vực này sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2024 và 2025, lạm phát được kiềm chế. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU sẽ quay lại đà tăng trưởng vào cuối năm 2023 và năm 2024”, bà Hiền nói.

Hàng loạt quy định, rào cản mới ở thị trường EU

Bên cạnh những thuận từ hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang EU cũng phải đối mặt với hàng loạt quy định mới, liên quan đến quy chuẩn thương mại xanh, bền vững.

Ông Gabor Fluit, Chủ tịch EuroCham cho rằng các quy định mới như: Cơ chế điều chỉnh carbon biên giới (CBAM), quy định về chuỗi cung ứng chống phá rừng (EUDR), Chỉ thị thẩm định chuỗi cung ứng (CSDDD)... có thể tác động đáng kể đến xuất khẩu của Việt Nam sang EU, từ các mặt hàng công nghiệp đến nông nghiệp.

Với cơ chế CBAM, giai đoạn chuyển tiếp (1/10/2023-31/12/2025), các nhà nhập khẩu không phải trả bất kỳ loại thuế nào nhưng phải đảm bảo giám sát và báo cáo lượng carbon phát thải trong quá trình sản xuất hang hóa nhập khẩu.

6 nhóm hàng hóa áp dụng, bao gồm xi măng, sắt thép, nhôm, phân bón, điện và hydrogen.

Từ năm 2026-2034, nhà nhập khẩu sẽ bị tính thuế carbon, tức phải mua các chứng chỉ phát thải carbon (chứng chỉ CBAM) tương ứng với lượng phát thải carbon ở hàng hóa nhập khẩu tư các nước có mức thuế phát thải thấp hơn hoặc không đnahs thuế này.

Sau năm 2034, CBAM chính thức vận hành toàn bộ, các nhà máy, doanh nghiệp sẽ không còn được cấp hạn ngạch phát thải carbon miễn phí và phải nộp 100% phí CBAM.

Còn với quy định EUDR, quy định có hiệu lực từ ngày 29/6/2023 với 7 nhóm hàng hóa, bao gồm: gia súc, ca cao, cà phê, dầu cọ, cao su, đậu nành và gỗ.

Từ 30/12/2024, EUDR chính thức áp dụng đối với các công ty không phải SMEs. Các công ty cưa cần tuân thủ quy định này đối với hàng hóa lưu hành tại EU trước ngày 30/12/2024.

Từ 30/6/2025, EUDR chính thức áp dụng với các công ty, từ siêu nhỏ đến vừa.

Quy định CSDDD dự kiến có hiệu lực và áp dụng muộn hơn hai quy định nêu trên.

Theo đó, Dự thảo Chỉ thị đã được Nghị viện châu Âu thông qua ngày 1/6/2023 và dự kiến có hiệu lực từ năm 2026, áp dụng với tất cả công ty có trụ sở tại EU có hơn 250 nhân viên và doanh thu toàn cầu khoảng 40 triệu EUR.

Nghĩa vụ thẩm định chuỗi cung ứng bao hàm tất cả nội dung liên quan đến lao động, xã hội và môi trường mà doanh nghiệp phải tuân thủ, áp dụng cho tất cả đối tác kinh doanh trực tiếp và gián tiếp dọc theo chuỗi giá trị.

Ông Gabor Fluit khẳng định việc tuân thủ các quy định nêu trên là chìa khóa tăng cường quan hệ kinh tế Việt Nam – châu Âu, qua đó giúp Việt Nam giữ vững lợi thế cạnh tranh với các quốc gia xuất khẩu khác tại EU. Ngoài ra, khi đáp ứng các yêu cầu mới, doanh nghiệp cũng có nhiều cơ hội phát triển, nâng cao thương hiệu và lợi thế khi xuất khẩu hàng hóa.

Ông Tạ Hoàng Linh cho rằng doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức và năng lực nội tại để thích nghi, phát triển theo lộ trình xanh và bền vững. Đây cũng là xu thế không thể đảo ngược trên toàn cầu và là con đường bắt buộc để doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi giá trị mới. 

Hoàng Anh