Doanh thu xuất khẩu sang EU và Trung Quốc của Vĩnh Hoàn tiếp tục tăng trưởng trong tháng 10
CTCP Vĩnh Hoàn (Mã: VHC) vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 10/2023 với 748 tỷ đồng doanh thu, giảm 26% so với cùng kỳ. Mức giảm này chủ yếu đến từ mảng cá tra giảm 26% xuống 445 tỷ đồng và mảng sản phẩm phụ giảm 33% về 85 tỷ đồng.
Xét về thị trường, Vĩnh Hoàn ghi nhận doanh thu giảm sút ở các nước như Mỹ (giảm 59%), thị trường nội địa (giảm 14%). Trong khi đó, doanh thu tại thị trường Trung Quốc tăng 43%, châu Âu tăng 20%.
So với tháng 9, tổng doanh thu tháng 10 giảm 15% đến từ sự sụt giảm của sản phẩm cá tra (giảm 15%), sản phẩm giá trị gia tăng (giảm 24%) và sản phẩm phụ (giảm 48%).
Xét về thị trường sự sụt giảm chủ yếu đến từ Trung Quốc (giảm 31%), châu Âu (giảm 17%) và Mỹ (giảm 35%). Trái lại thị trường Việt Nam ghi nhận tăng 12% và các khu vực khác tăng 9% so với tháng 9.
Tính chung 10 tháng đầu năm, doanh thu Vĩnh Hoàn ước đạt 8.391 tỷ đồng, thực hiện được 73% kế hoạch năm đặt ra.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết kết thúc chuỗi giảm 8 tháng liên tiếp, xuất khẩu cá tra Việt Nam trong tháng 9 đã tăng trưởng dương với kim ngạch 167 triệu USD, tăng 1% so với tháng 9/2022.
Trong đó, một số thị trường ghi nhận tăng trưởng dương hai con số như Trung Quốc và Hong Kong, EU, Brazil, Mexico...
Về tình hình kinh doanh quý III, Vĩnh Hoàn vừa công bố báo cáo tài chính với 2.698 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá vốn tăng cao nên lợi nhuận gộp chỉ còn 285 tỷ đồng, bằng 45% cùng kỳ 2022, biên lãi gộp còn gần 10,6% trong khi cùng kỳ năm ngoái hơn đạt hơn 19%. Đây là mức biên lợi nhuận gộp thấp nhất kể từ quý IV/2014.
Trừ đi các chi phí, Vĩnh Hoàn lãi sau thuế 201 tỷ đồng, giảm 56% so với quý III/2022 trong bối cảnh tồn kho cá tra ở các nước nhập khẩu vẫn đang ở mức cao khiến nhu cầu nhập khẩu vẫn ảm đạm và lạm phát kéo dài ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng ở các nước nhập khẩu.