|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm trong Hiệp định EVFTA

14:31 | 23/01/2020
Chia sẻ
Các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS) bao gồm các cam kết ràng buộc Việt Nam và EU trong việc ban hành và thực thi các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng hóa, đặc biệt là thực phẩm và các sản phẩm nông nghiệp.
Các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm trong Hiệp định EVFTA - Ảnh 1.

Các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm trong Hiệp định EVFTA. Nguồn: vietnamfinance.vn

Ủy ban Thương mại Quốc tế Liên minh châu Âu thông qua khuyến nghị phê chuẩn Hiệp định EVFTA. Với kết quả 29 phiếu ủng hộ trên 40 đại biểu, INTA đã nhất trí thông qua khuyến nghị phê chuẩn Hiệp định EVFTA. 

Các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm trong Hiệp định EVFTA

Các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS) bao gồm các cam kết ràng buộc Việt Nam và EU trong việc ban hành và thực thi các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (bao gồm các qui định, thủ tục nhằm mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng con người, động thực vật) đối với hàng hóa, đặc biệt là thực phẩm và các sản phẩm nông nghiệp.

Cơ quan quản lí các biện pháp SPS

Cơ quan quản lí SPS của Việt Nam 

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm về các biện pháp bảo vệ động thực vật, bao gồm: Giám sát, kiểm soát, ngăn chặn các loại dịch bệnh đối với động thực vật, thanh tra, kiểm dịch và phát hành chứng nhận sự phù hợp với tiêu chuẩn, qui chuẩn đã thống nhất của nước nhập khẩu cho các sản phẩm động thực vật xuất khẩu.

- Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, tùy thuộc chức năng của mình, chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm sử dụng cho người, bao gồm: ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng, qui trình đánh giá sự phù hợp; thanh tra kiểm tra các cơ sở chế biến nhằm đảm bảo việc tuân thủ các tiêu chuẩn, qui chuẩn kĩ thuật đã thống nhất với nước nhập khẩu; kiểm tra chuyên ngành và phát hành chứng nhận đối với thực phẩm xuất khẩu.

Cơ quan quản lí SPS của EU 

- Đối với sản phẩm xuất khẩu sang Việt Nam: Mỗi nước thành viên EU chịu trách nhiệm giám sát bảo đảm quá trình sản xuất tuân thủ các yêu cầu liên quan, thanh tra và phát hành chứng nhận sự phù hợp của hàng hóa với các yêu cầu và tiêu chuẩn đã thống nhất.

- Đối với sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam: Mỗi nước thành viên EU chịu trách nhiệm kiểm tra sự phù hợp của hàng hóa nhập khẩu với các điều kiện nhập khẩu của EU. 

- Ủy ban châu Âu chịu trách nhiệm về phối hợp chung, kiểm tra/thanh tra hệ thống kiểm soát và hệ thống pháp luật liên quan của các nước thành viên nhằm bảo đảm việc áp dụng thống nhất các tiêu chuẩn, qui chuẩn kĩ thuật trong toàn thị trường EU. 

Như vậy, đối với hàng hóa xuất nhập khẩu với Việt Nam, chủ thể quản lí phía EU là cơ quan có thẩm quyền của từng nước thành viên EU cụ thể (nơi xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa Việt Nam) chứ không phải là cơ quan chung cấp liên minh của EU. Các doanh nghiệp cần hết sức chú ý tới việc phân cấp này.

Thủ tục và điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm nhập khẩu 

Việt Nam và EU cam kết áp dụng chung một hệ thống các thủ tục, điều kiện nhập khẩu đối với sản phẩm đến từ bất kì khu vực nào của Bên kia (trừ một số trường hợp ngoại lệ, liên quan tới các khu vực dịch bệnh). 

Như vậy, dù sản phẩm của Việt Nam nhập khẩu theo cảng nào, vào nước thành viên nào của EU thì vẫn sẽ chỉ phải tuân thủ các điều kiện, thủ tục nhập khẩu như nhau. Ngược lại, Việt Nam cũng cần áp dụng các thủ tục, điều kiện nhập khẩu giống nhau với sản phẩm nhập khẩu từ EU, không phân biệt là từ nước nào của EU.

Các biện pháp SPS khẩn cấp 

Trong so sánh với các biện pháp thương mại khác, các biện pháp SPS có đặc thù riêng liên quan tới các trường hợp khẩn cấp gắn với các dịch bệnh (có tính chất bất ngờ, mức độ rủi ro cao,…). 

EVFTA có các cam kết riêng về các biện pháp khẩn cấp này, với mục tiêu vừa đảm bảo khả năng phản ứng nhanh với các trường hợp rủi ro nhưng đồng thời tránh hiện tượng lạm dụng, hạn chế ở mức có thể các tác động không cần thiết đối với thương mại. 

Cụ thể, theo EVFTA thì nước nhập khẩu có quyền áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ sức khỏe tính mạng con người, động thực vật mà không cần báo trước. Tuy nhiên việc áp dụng biện pháp khẩn cấp này phải được tính toán để mức độ ảnh hưởng tới thương mại là thấp nhất có thể và nước nhập khẩu trong vòng 24 giờ phải thông báo cho nước xuất khẩu về biện pháp này. Nếu nước xuất khẩu có yêu cầu thì việc tham vấn về tình trạng khẩn cấp liên quan trong vòng 10 ngày kể từ khi có thông báo. 

Phùng Nguyệt