EVFTA: Cơ hội để nâng chất hàng made in Việt Nam
“EU là một thị trường rộng lớn và có tiềm năng hàng đầu trên thế giới cả về tài chính, công nghệ và thị trường... EVFTA chắc chắn sẽ thúc đẩy những nỗ lực tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc không gian thị trường của nền kinh tế Việt Nam (VN).
Nếu tận dụng tốt, VN có thể tăng cường hơn tính tự chủ, đa dạng hóa thị trường. Cùng đó là nâng cấp các giá trị hàng hóa “Made in Vietnam” hay “Made by Vietnam” trong các chuỗi giá trị toàn cầu”.
TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI), đã nhìn nhận như vậy khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về việc Hiệp định thương mại tự do VN - châu Âu (EVFTA) được Nghị viện châu Âu phê chuẩn.
TS Lộc - một trong nhiều người gắn bó với quá trình đàm phán EVFTA - nói hiệp định này là minh chứng cho việc EU chính thức ghi nhận những nỗ lực cải cách, xây dựng thể chế kinh tế thị trường và phát triển bền vững của VN, cũng như quyết tâm tăng cường hợp tác với VN.
Cải cách thể chế sâu rộng để chạy trên “cao tốc”
. Phóng viên: Tác động của EVFTA đối với công cuộc cải cách thể chế của VN thế nào, thưa ông?
+ TS Vũ Tiến Lộc: Chìa khóa để hội nhập EVFTA nói riêng, hay hội nhập kinh tế quốc tế nói chung, thành công suy cho cùng phải bắt nguồn từ những nỗ lực cải cách thể chế của Nhà nước song hành với những nỗ lực nâng cấp về quản trị, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (DN).
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ luôn quyết liệt trong việc cải cách thể chế, mà cụ thể nhất là việc trình ra Quốc hội nhiều đạo luật quan trọng, cắt giảm, đơn giản hóa nhiều điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành…
EVFTA, tôi cho là một động lực quan trọng để chúng ta nâng cao năng lực thể chế. Cải cách thể chế sâu, rộng hơn cam kết sẽ mở không gian phát triển cho nền kinh tế VN. Nếu ví EVFTA là con đường cao tốc thì những thể chế nội địa là những đường nội đô, nội thị, những đường gom… Tất cả con đường này có thông thoáng, kỷ cương thì cỗ xe kinh tế VN mới có thể tăng tốc.
Nỗ lực cải cách thể chế thời hội nhập phải tiếp tục củng cố những nền tảng cạnh tranh minh bạch và công bằng; phát triển bền vững, bảo đảm hài hòa các mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường. Cùng đó là hỗ trợ DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa; thúc đẩy liên kết, phát triển công nghiệp hỗ trợ, tạo ra hệ sinh thái cộng sinh cùng có lợi giữa các FDI với DN trong nước.
Tôi cho rằng có rất nhiều việc phải làm để phát huy hiệu quả của hội nhập.
Tìm hiểu kỹ lưỡng, nâng cao năng lực cạnh tranh
. Chúng ta đặt nhiều kỳ vọng vào EVFTA và thực sự khi Nghị viện châu Âu thông qua EVFTA thì đã có một “không khí phấn khởi, vui tươi lan tỏa”?
+ Đó là điều dễ hiểu, vì chúng ta vừa kết thúc một hành trình một thập niên để xây dựng cao tốc hướng đến một thị trường lớn, đẳng cấp cao. EVFTA được ví như một FTA thế hệ mới sau sự nuối tiếc về TPP.
Những cơ hội thì chúng ta đã nói đến nhiều. Điều cần quan tâm lúc này là tìm hiểu cách ứng phó với những cạnh tranh gay gắt đi cùng những cơ hội lớn vừa mở ra. Nhìn một cách tổng thể, cơ cấu kinh tế của VN và các nước EU mang tính bổ sung, tương hỗ lẫn nhau nên ít có cạnh tranh trực tiếp.
Cạnh tranh gay gắt sẽ chỉ ở một số lĩnh vực mà VN còn yếu trong khi EU lại rất mạnh như logistics, chăn nuôi… Tuy vậy, các cam kết mở cửa thị trường trong EVFTA là có chừng mực, với lộ trình đủ dài, vừa với sức vươn lên của các DN trong nước.
Nỗ lực vươn lên đương đầu với cạnh tranh sòng phẳng phải là tâm thế của DN thời hội nhập, mà không phải là tiếp tục trông chờ vào bảo hộ.
Thực tiễn của những ngành, những lĩnh vực có sức cạnh tranh cao của chúng ta hiện nay đều là những ngành, lĩnh vực đã nói không với bảo hộ, cam kết với cạnh tranh, dũng cảm mở cửa và hội nhập.
. Tham gia EVFTA đồng nghĩa VN sẽ bước vào sân chơi mới với một đối tác rất khắt khe về kiểm soát hàng hóa cũng như thượng tôn pháp luật, minh bạch thông tin. Theo ông, DN Việt cần chuẩn bị những gì để đáp ứng yêu cầu từ phía EU?
+ Đây là một FTA đồ sộ, không thể đòi hỏi các DN phải nắm hết toàn bộ nội dung nhưng những nội dung cụ thể liên quan đến ngành, lĩnh vực của DN mình thì cần phải tìm hiểu, am hiểu thật sâu sắc.
Ví dụ như mức thuế quan trong lĩnh vực của DN đó đã giảm xuống 0% hay có lộ trình giảm thuế như thế nào; tìm hiểu về các quy tắc xuất xứ được quy định như thế nào; các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm và những biện pháp phòng vệ thương mại người ta thực hiện như thế nào.
Chẳng hạn, các DN phải tìm hiểu về các đối tác, các bạn hàng ở bên thị trường EU... Ví dụ như mặt hàng nông sản của mình đang được xuất sang rất nhiều thị trường nhưng khi EU giảm thuế xuống 0% trong khi các thị trường khác mức thuế vẫn giữ nguyên thì các DN cần tập trung vào thị trường EU.
Điều cốt lõi vẫn là cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh các sản phẩm dịch vụ của DN. Trong kỷ nguyên này, yêu cầu về phát triển bền vững là nền tảng để DN VN tương tác với nền kinh tế thế giới. DN sẽ phải tìm hiểu về các tiêu chuẩn phát triển bền vững, tuân thủ những tiêu chuẩn đó về lao động, môi trường... để mình tổ chức lại sản xuất đáp ứng lại tiêu chuẩn đó.
Nếu công nghệ của DN chưa đáp ứng được yêu cầu thì phải áp dụng công nghệ, áp dụng chuyển đổi số. Một mặt tập trung vào thị trường EU nhưng cần lưu ý việc đa dạng hóa thị trường vẫn là vấn đề quan trọng để khi có biến động, DN có thể chống chịu, điều chỉnh được.
“Chơi” với người ở chuẩn mực cao, chúng ta sẽ trở thành hiện đại
. Ký EVFTA cũng có nghĩa là hàng hóa EU sẽ vào VN nhiều hơn. Sức cạnh tranh trên thị trường nội địa khi đó sẽ như thế nào?
+ Chúng ta tập trung thị trường EU nhưng cũng không quên thị trường sân nhà. Thị trường sân nhà có ưu thế là mình am hiểu địa phương. Bất kỳ một sản phẩm nào ngoài yếu tố sử dụng còn liên quan đến yếu tố văn hóa thẩm thấu trong sản phẩm đó.
Mình là người am hiểu văn hóa địa phương, là lợi thế để đưa giá trị đó vào sản phẩm. Cạnh đó là lợi thế về mối quan hệ ở thị trường địa phương, thông qua kết nối các hiệp hội ngành hàng, mối quan hệ bạn bè... Đó là những lợi thế mà DN có đối với thị trường sân nhà.
Tuy nhiên, cũng không có quy định nào chung cho tất cả DN, chỉ có nguyên tắc nền tảng là các DN phải sáng tạo để tạo ra sự khác biệt để nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong quá trình hội nhập này, không chỉ có DN siêu lớn mà các DN nhỏ và vừa với sự hỗ trợ của thương mại điện tử hoàn toàn có thể vươn ra thị trường thế giới.
Ví dụ như một cô thợ may ở Hội An hoàn toàn có thể may quần áo, qua mạng chuyển tới địa chỉ ở châu Âu; một anh chàng trồng cà phê ở Tây Nguyên hoàn toàn có thể bán cho một người ở bên Pháp được. Đây là cơ hội rộng mở không chừa ai cả, kể cả các DN nhỏ và vừa.
85,6% số dòng thuế sẽ được EU ngay lập tức dỡ bỏ sau khi EVFTA có hiệu lực. Điều này giúp tăng năng lực cạnh tranh cho 70,3% kim ngạch xuất khẩu của VN vào thị trường này. VN xóa bỏ 48,5%, tương đương với 64,5% kim ngạch nhập khẩu vào VN, sẽ giúp giảm chi phí đầu vào cho các ngành sản xuất, giảm giá hàng hóa, dịch vụ, khơi thông một dòng chảy mới về thương mại giữa chúng ta với một thị trường có sức mua lớn thứ hai trên thế giới.
+ Trước đây, chúng ta thấy nông sản Việt xuất sang Trung Quốc chất lượng thế nào cũng được, xuất chủ yếu qua đường tiểu ngạch. Nhưng gần đây Trung Quốc đã yêu cầu chứng nhận xuất xứ nguồn gốc, tức là họ đã nâng cấp tiêu chuẩn lên và chúng ta đã, đang từng ngày cố gắng nâng cấp mình, đáp ứng các đòi hỏi khắt khe hơn.. Và chúng ta cũng không được “dễ dãi ngay cả với chính mình”?
EU thì còn khắt khe hơn gấp bội. Ở đây không chỉ là vấn đề chất lượng sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa, mà người ta còn xem xét cả quá trình sản xuất hàng hóa có nhân văn hay không. Nếu người ta phát hiện hàng nhập khẩu đó tiếp tay cho sự không nhân văn, hủy diệt tài nguyên thì họ sẽ tẩy chay và khi đó hệ quả là rất lớn.
“Chơi” với EU hay với Mỹ, Nhật Bản, chúng ta phải chơi rất chuyên nghiệp, nhân văn và minh bạch.
. VN tham gia rất nhiều FTA. Tuy vậy, có một lo ngại là chúng ta tận dụng được không nhiều cơ hội, lợi ích từ các FTA này. Liệu EVFTA có như thế?
+ Thật ra lợi ích đầu tiên chúng ta đã từng trải nghiệm và thấy rõ, đó là EU là một đối tác dẫn dắt thế giới và khó tính. Nếu chúng ta đáp ứng được thì rõ ràng cả DN và người dân có thể nâng cấp mình lên. Vì khi “chơi” với người ở chuẩn mực cao, chúng ta sẽ trở thành hiện đại.
Chúng ta biết VN trong tầm nhìn 2045, thời điểm kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước, đã xác định phải lọt vào 20 nền kinh tế có năng lực cạnh tranh hàng đầu thế giới, tức là phải vươn tới chuẩn của OECD... Như vậy, bắt tay với EU, chúng ta sẽ có cơ hội để hiện thực hóa ước vọng của dân tộc mình, tôi nghĩ cơ hội EVFTA mang tính tích hợp chứ không phải riêng lẻ.
. Xin cám ơn ông.
Quy định khắt khe về nguồn gốc, xuất xứ
Quy định khắt khe của EVFTA đòi hỏi về nguồn gốc xuất xứ, nguyên vật liệu phải từ VN hoặc EU, chứ không phải từ Trung Quốc hay ASEAN. Điều này đòi hỏi ta phải tái cấu trúc các chuỗi cung ứng, tăng cường các nguyên liệu phụ tùng được sản xuất tại VN và EU. Có thể nói đây là hai tác động cùng chiều của hai sự kiện dường như là đối lập nhau, một cái tạo ra cơ hội, một cái tạo ra thách thức.
Đây là cơ hội để tái cấu trúc chuỗi giá trị của chúng ta.
Một trong những vấn đề quan trọng là phải nâng cao năng lực DN vừa và nhỏ, siêu nhỏ; nâng cao năng lực của các hộ kinh doanh. Muốn vậy phải minh bạch hóa khu vực này, nâng cao năng suất khu vực này thông qua việc đưa các hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Luật DN là một giải pháp. Minh bạch hóa, số hóa, nâng cao năng suất lao động là cách để tạo điều kiện cho các DN vừa và nhỏ VN tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu.
TS VŨ TIẾN LỘC
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh:
Cú hích lớn đối với xuất khẩu của Việt Nam
Bộ Công Thương đã trình Chính phủ bộ hồ sơ để đề nghị Quốc hội phê chuẩn hiệp định. Theo lộ trình dự kiến, Chính phủ sẽ trình Chủ tịch nước để Chủ tịch nước xem xét việc trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5 này. Nếu Quốc hội thông qua vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 thì dự kiến EVFTA sẽ có hiệu lực rất sớm, có thể ngay từ ngày 1-7-2020, sau khi hai bên thông báo cho nhau về việc đã hoàn tất thủ tục phê chuẩn.
Hiệp định EVFTA với các cam kết toàn diện và thực chất về mở cửa thị trường hàng hóa được dự báo sẽ là một cú hích lớn đối với xuất khẩu của VN, đặc biệt trong bối cảnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn.
Các ngành dự kiến sẽ được hưởng lợi nhiều từ hiệp định này đều là những ngành VN vốn có lợi thế cạnh tranh cao như giày dép, mũ, hàng dệt may và nông thủy sản. Tuy nhiên, dù là các ngành được dự báo sẽ hưởng lợi tối đa nhưng cũng không hẳn là không phải đối mặt với thách thức. Rào cản kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu từ phía EU rất chặt chẽ.
Các DN cần nhìn nhận rằng vượt qua những rào cản về thuế quan không có nghĩa là hàng hóa và dịch vụ của ta sẽ được chấp nhận bởi một thị trường đòi hỏi cao nhất thế giới như thị trường EU.
Chúng ta cũng thấy dịch COVID-19 xuất hiện và kéo dài đến nay cho thấy sự hạn chế và bất cập của chúng ta trong việc phát triển thị trường và năng lực cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa của VN. Đặc biệt là nông sản, thủy sản và các sản phẩm của nông nghiệp vốn phụ thuộc rất nhiều vào thị trường, vì chất lượng và năng lực cạnh tranh về giá cả còn chưa đảm bảo ở mức đối ngoại.
Chúng ta đang rất cần những biện pháp quyết liệt hơn nữa để tái cơ cấu các ngành sản xuất. đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp gắn với việc đưa công nghệ khoa học vào nhiều hơn trong công tác sản xuất, chế biến. Đồng thời chúng ta phải đảm bảo điều kiện truy xuất nguồn gốc với kiểm soát chất lượng, đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn dịch bệnh, nhất là kiểm soát kiểm dịch động thực vật.
Bên cạnh đó, nếu dịch còn kéo dài, một số ngành xuất khẩu dự kiến được hưởng lợi lớn từ EVFTA như dệt may, da giày có thể sẽ gặp khó khăn do chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Tuy nhiên, chúng ta có cơ sở để hy vọng dịch sẽ sớm được dập tắt và hoạt động thương mại sẽ trở lại bình thường. Nếu được như vậy, EVFTA chắc chắn sẽ giúp chúng ta bù đắp được một phần ảnh hưởng về kinh tế trong những tháng đầu năm.
TRÀ PHƯƠNG - AN HIỀN
TIẾN NÓI TỪ DOANH NGHIỆP
Ông PHẠM XUÂN HỒNG, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Thêu đan TP.HCM:
Nhiều đơn hàng sẽ đổ về Việt Nam
Năm 2019, hàng dệt và may mặc sang thị trường EU đạt 4,4 tỉ USD, tăng 2,2%, trong đó mặt hàng vải và may mặc ước đạt 4,25 tỉ USD, tăng gần 3% so với năm 2018. Đây là mức tăng trưởng còn khá khiêm tốn trong khi hiện nay EU là thị trường lớn thứ hai của ngành dệt may VN, chỉ đứng sau Mỹ. Vì vậy, khi EVFTA chính thức được phê chuẩn thì kim ngạch xuất khẩu được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn.
Thị trường EU có giá trị gia tăng cao, sản phẩm có chất lượng, đa dạng hóa mẫu mã, chủng loại và là thị trường truyền thống với mức tăng trưởng duy trì đều đặn hằng năm.
Đặc biệt, thuế suất nhập khẩu sản phẩm dệt may từ VN vào EU cũng sẽ hoàn toàn bị bãi bỏ so với mức bình quân 9,6% hiện nay, nên khả năng tăng trưởng xuất khẩu là rất lớn.
Điểm yếu của ngành dệt may hiện nay vẫn nhập khẩu nhiều nguyên phụ liệu từ Trung Quốc và Đài Loan. Hơn nữa, từ trước đến nay, hầu như việc kết nối của DN trong nước với các chủ hàng ở châu Âu chưa nhiều. Vì vậy, để tận hưởng ưu đãi về thuế thì các DN VN cần chủ động nguồn nguyên liệu từ nhiều thị trường, tự chủ động sản xuất trong nước.
Năm 2020 dự đoán sẽ là năm có nhiều đơn hàng đổ về VN. Để tận dụng được các lợi thế từ thị trường, bên cạnh nỗ lực rất lớn của các DN cần chú trọng đến việc tháo gỡ nút thắt về nguồn cung nguyên liệu đã và đang bị thiếu hụt, giải quyết tốt các vấn đề về nguồn nhân lực chất lượng cao, về môi trường.
Ông TRẦN VĂN LĨNH, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước:
Phải vượt qua rất nhiều tiêu chuẩn
Hầu như các sản phẩm thủy sản của DN xuất vào châu Âu là hàng giá trị gia tăng, mức thuế nhập khẩu vào thị trường này khá cao - 18%. EVFTA có hiệu lực, mức thuế này sẽ hạ xuống dưới 10%, lộ trình sẽ về 0% trong vòng 3-7 năm tiếp theo. Đây thực sự là tin vui cho DN và cả ngành thủy sản VN.
Tuy nhiên, thị trường châu Âu rất nhiều tiêu chuẩn chính thức phải tuân thủ có và có những tiêu chuẩn không quy định nhưng buộc phải thực hiện. Các DN mới của VN cần phải chú ý.
Bên cạnh những tiêu chuẩn kỹ thuật chung của EU, mỗi quốc gia EU lại có một bộ tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa khác nhau buộc hàng Việt phải vượt qua mới vào được. Tiêu chuẩn từ các tổ chức xã hội cũng rất quan trọng, dù không áp đặt, bắt buộc nhưng DN muốn đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng châu Âu phải tuân thủ, như tiêu chuẩn về đạo đức môi trường, trách nhiệm xã hội…
Ông ĐỖ HÀ NAM, Chủ tịch HĐQT Intimex Group:
Phải đầu tư sâu vào sản phẩm chế biến
Để tận dụng hiệp định EVFTA, khai thác thị trường rộng lớn này bắt buộc DN phải đầu tư chiều sâu, chế biến cà phê hòa tan mới đáp ứng đúng nhu cầu tiêu thụ của thị trường và hưởng lợi được giảm thuế về 0%. Vì hiện tại, mức thuế cà phê nhân thô nhập khẩu vào EU đã 0%, còn cà phê chế biến thuế cao trên 20%.
EU đã có hàng rào kỹ thuật, quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm… đòi hỏi hàng VN tăng chất lượng. Cơ quan quản lý cần có danh mục các chất kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật được cho phép sử dụng và những chất cấm, cảnh báo nếu sử dụng thì hàng hóa không xuất khẩu được, bị trả về, thiệt hại lớn.
Bên cạnh đó, sản xuất VN phải liên kết theo chuỗi sản xuất, nông dân nuôi trồng nhỏ lẻ cũng phải tham gia hợp tác xã trong chuỗi từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ. Từ đó, hàng nông sản VN mới có thể kiểm soát được dịch bệnh, đạt được các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt như GlobalG.A.P. để xuất khẩu. Ngoài ra, để xuất sang EU, nông sản chế biến cũng phải truy xuất nguồn gốc, các quy tắc xuất xứ.
QUANG HUY - PHƯƠNG MINH ghi