Xuất khẩu của Việt Nam vào EU đã tăng 14,8 lần
Tại phiên họp toàn thể chiều 12/2 ở Strasbourg (Pháp), Nghị viện châu Âu (EP) đã bỏ phiếu thông qua Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam (EVFTA) với 401 phiếu ủng hộ, 192 phiếu chống và 40 phiếu trắng.
Việc Nghị viện châu Âu thông qua Hiệp định EVFTA đánh dấu một cột mốc quan trọng trong chặng đường 30 năm phát triển quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU).
EU là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam
Hiện nay, EU là khu vực chiếm tỉ trọng lớn trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và châu Âu. Quan hệ thương mại Việt Nam - EU đã phát triển rất nhanh chóng và hiệu quả, từ năm 2000 đến năm 2017, kim ngạch quan hệ thương mại Việt Nam – EU đã tăng hơn 13,7 lần, từ mức 4,1 tỉ USD năm 2000 lên 56,45 tỉ USD năm 2019.
Trong đó xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng 14,8 lần, từ 2,8 tỉ USD lên 41,54 tỉ USD và nhập khẩu vào Việt Nam từ EU tăng hơn 11,4 lần từ 1,3 tỉ USD lên 14,90 tỉ USD.
Năm 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU đạt trên 56,45 tỉ USD, tăng 1,11% so với cùng kì năm 2018, trong đó xuất khẩu đạt trên 41,54 tỉ USD, giảm 0,81% và nhập khẩu đạt 14,9 tỉ USD, tăng 6,84%.
Các thị trường có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỉ USD trong năm 2019 là Hà Lan, Đức, Anh, Pháp, Italia, Áo, Tây Ban Nha, Bỉ, Ba Lan và Thụy Điển.
Các nước xuất khẩu chính của Việt Nam tại thị trường EU trong thời gian qua vẫn tập trung vào các thị trường truyền thống như Hà Lan, Đức, Anh, Pháp, Italia, Tây Ban Nha, Bỉ và Ba Lan. Đối với thị trường Áo, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này chủ yếu là nhờ xuất khẩu mặt hàng điện thoại di động.
Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang EU là điện thoại các loại và linh kiện, giày dép các loại, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, hàng dệt may , máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác...
Các mặt hàng có mức tăng trưởng cao nhất trong năm 2019 là chất dẻo nguyên liệu đạt 19,13 triệu USD, tăng 235,42%, giấy và các sản phẩm từ giấy 13,94 triệu USD, tăng 175,56%, máy ảnh, máy quay phim và linh kiện 30,7 triệu USD, tăng gần 140%...
Đáng lưu ý là một số mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng giảm như sắt thép các loại đạt 238,28 triệu USD, giảm gần 34%, hóa chất 38,35 triệu USD, giảm 16,8%, cao su 113,77 triệu USD, giảm 11,37%, hàng thủy sản 1,25 tỉ USD, giảm hơn 13% và cà phê 1,16 tỉ USD, giảm gần 15%.
Về nhập khẩu, năm 2019, nhập khẩu hàng hóa từ EU đạt 14,90 tỉ USD tăng 6,84% so với năm 2018.
Các mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam từ EU là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, dược phẩm, sản phẩm hóa chất và nguyên phụ liệu, dệt, may, da, giày.
Các mặt hàng có mức tăng trưởng cao nhất trong năm 2019 là máy ảnh, máy quay phim và linh kiện đạt 6,44 triệu USD, tăng gần 115%, ô tô nguyên chiếc các loại đạt 135,83 triệu USD, tăng 74,6%, sản phẩm từ kim loại thường khác gần 16 triệu USD, tăng 73,6%, giấy các loại 77,8 triệu USD tăng gần 42%, đá quí, kim loại quí và sản phẩm 78,48 triệu USD, tăng 37,28% và máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 2,51 tỉ USD, tăng 36,4%.
Đáng lưu ý là một số mặt hàng nhập khẩu tăng trưởng giảm như phế liệu sắt thép đặt gần 59,7 triệu USD, giảm 53,14%, quặng và khoảng sản khác 4,95 triệu USD, giảm hơn 29%, thuốc trừ sâu và nguyên liệu 81,16 triệu USD, giảm 27,42%, hóa chất hơn 195,5 triệu USD, giảm 25,46%, phương tiện vận tải khác và phụ tùng 257,16 triệu USD, giảm 22,77% và phân bón các loại 29,36 triệu USD, giảm 22,37%.
Đầu tư của EU vào Việt Nam tăng mạnh
Năm 2019, EU có 2.375 dự án, tăng 182 dự án so với năm 2018, từ 27/28 quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu (EU) còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng kí gần 25,5 tỉ USD, tăng gần 1,2 tỉ USD chiếm 7,70% số dự án của cả nước và chiếm 7,03% tổng vốn đầu tư đăng kí của các nước.
Trong đó Hà Lan đứng đầu với 344 dự án và 10,05 tỉ USD, chiếm 39,43% tổng vốn đầu tư của EU tại Việt Nam, tăng 26 dự án và 692,76 triệu USD vốn đầu tư.
Vương quốc Anh đứng thứ hai với 380 dự án và 3,72 tỉ USD tổng vốn đầu tư, chiếm 14,58% tổng vốn đầu tư, tăng 29 dự án và 210,1 triệu USD vốn đầu tư.
Pháp đứng thứ ba với 563 dự án và 3,6 tỉ USD tổng vốn đầu tư, chiếm 14,13% tổng vốn đầu tư, tăng 23 dự án nhưng giảm hơn 72 triệu USD vốn đầu tư.
Nhìn chung, các nhà đầu tư châu Âu có ưu thế về công nghệ, vì vậy đã góp phần tích cực trong việc tạo ra một số ngành nghề mới và sản phẩm mới có hàm lượng công nghệ cao.
Một số tập đoàn lớn của EU đang hoạt động có hiệu quả tại Việt Nam như BP (Anh), Shell Group (Hà Lan), Total Elf Fina (Pháp Bỉ), Daimler Chrysler (Đức), Siemen, Alcatel Comvik (Thuỵ Điển)….
Xu thế đầu tư của EU chủ yếu vẫn tập trung vào các ngành công nghiệp công nghệ cao, tuy nhiên, gần đây có xu hướng phát triển tập trung hơn vào các ngành dịch vụ (bưu chính viễn thông, tài chính, văn phòng cho thuê, bán lẻ).
Ở chiều ngược lại, về đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam sang EU, nhìn chung đầu tư Việt Nam sang EU là không nhiều, chủ yếu tập trung vào một số nước như Hà Lan, Séc, Đức.
Tính đến hết nay 31/12/2018, Việt Nam có 78 dự án đầu tư sang 10 nước EU (Anh, Ba Lan, Bỉ, Bồ Đào Nha, Đức, Hà Lan, Pháp, CH Séc, Tây Ban Nha và Slovakia) với tổng vốn đăng kí đạt khoảng 320,20 triệu USD.
Trong đó chủ yếu sang Đức với 29 dự án với tổng vốn đăng kí trị giá 120,3 triệu USD, sang Anh và Quần đảo Virgin thuốc Anh (20 dự án trị giá 144,5 triệu USD), sang Pháp (10 dự án trị giá 5,4 triệu USD), sang Slovakia (2 dự án trị giá 36,4 triệu USD),...