Bộ trưởng Bộ Công Thương: Hiệp định EVFTA có thể đi vào hiệu lực trong tháng 7
Khả năng hiệp định EVFTA đi vào hiệu lực là rất nhanh
Phát biểu tại buổi họp báo về Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết không giống với các FTA khác, khả năng hiệp định này đi vào hiệu lực là rất nhanh.
Sau khi Nghị viện châu Âu phê chuẩn tiến trình tiếp theo là chờ đến Hội đồng châu Âu phê chuẩn để thực hiện ý chí của Nghị viện.
Về phía Việt Nam, chúng ta sẽ phải chờ đến tháng 4, 5 khi kì họp Quốc hội diễn ra, Chủ tịch nước sẽ trình cho Quốc hội để thảo luận và phê chuẩn.
"Nếu mọi chuyện thuận lợi, Quốc hội phê chuẩn vào tháng 5, các thủ tục pháp lí hai bên làm rất nhanh chóng và hiệp định có thể đi vào hiệu lực vào tháng 7, đem lại cơ hội cho xuất khẩu, cộng đồng doanh nghiệp, các ngành sản xuất của Việt Nam", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Bộ trưởng cho biết trong thời gian tới sẽ hoàn thiện hồ sơ để trình lên Chủ tịch nước trước khi trình lên Quốc hội.
Bên cạnh đó, thời gian tới Bộ Công Thương cùng các Bộ ngành rà soát kế hoạch hành động của Chính phủ để ngay sau khi hiệp định được phê chuẩn thì chương trình cũng được kí ban hành.
Bộ cũng rà soát để điều chỉnh một số khuôn khổ luật pháp Việt Nam để đảm bảo trong cam kết hội nhập đồng thời phù hợp với hệ thống pháp lí Việt Nam.
Tổ chức, cung cấp thông tin cho các cơ quan chính quyền từ trung ương đến địa phương để đảm bảo sự thống nhất trong quá trình thực hiện, đồng thời hướng đến cả doanh nghiệp, người dân và các tổ chức.
Phối hợp với các bộ ngành để tổ chức sản xuất, đặc biệt là ngành nông nghiệp để vượt qua hàng rào kĩ thuật.
Cuối cùng, Bộ trưởng cho biết câu chuyện đấu tranh chống gian lận thương mại cũng là vấn đề nhất là khi có những hiệp định mới thì rủi ro thẩm lậu hàng hóa, lợi dụng ưu đãi để gian lận xuất xứ tăng cao. Do đó, vấn đề này cũng được đặt ra trong khuôn khổ chương trình hành động.
Cơ hội và thách thức đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sau khi EVFTA đi vào hiệu lực
Nói về cơ hội thời gian tới đối với thị trường EU, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết quan điểm của Nhà nước thực hiện chiến lược chính trị đa phương để hướng tới việc đa dạng hóa các mối quan hệ thương mại.
"Chính việc thực hiện hiệu quả công tác đàm phán, đối ngoại, hội nhập nên vị thế đất nước tăng lên. Chúng ta có tới hơn 200 đối tác kinh tế, thương mại, xuất hiện sản phẩm hàng hóa của Việt Nam", Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng khẳng định sự phê chuẩn của Nghị viện châu Âu đối với hiệp định EVFTA có ý nghĩa lớn do đây là thị trường lớn với qui mô 18 nghìn tỉ USD và Việt Nam có những mặt hàng tốt trên trường quốc tế như thủy sản, cà phê, cacao.
Hiêp định EVFTA sẽ là cơ hội cho Việt Nam mở rộng thị trường nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản. Như vậy năng lực cạnh tranh của Việt Nam sẽ được khẳng định tại thị trường này.
EVFTA là cơ hội để Việt Nam tăng thị phần tại thị trường châu Âu và là điều kiện để Việt nam nâng cao năng lực cạnh tranh. Theo đó, 85% dòng thuế của Việt Nam giảm xuống còn 0% ngay sau khi có hiệu lực và 7 năm sau tỉ lệ dòng thuế được xóa bỏ nâng lên 99%.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng lưu ý việc vượt qua hàng rào kĩ thuật không đơn giản, nhất là vấn đề đảm bảo qui tắc xuất xứ, truy xuất nguồn gốc.
Trong bối cảnh dịch bệnh do virus corona lan nhanh tại nhiều nước, đặc biệt là Trung Quốc, người đứng đầu Bộ Công Thương chỉ ra rằng hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt là nông, lâm, thủy sản, bộc lộ nhiều bất cập trong vấn để phát triển thị trường.
Do đó, Bộ trưởng cho rằng thời gian tới Việt Nam không chỉ cần gia tăng năng lực sản xuất mà còn thực hiện tái cơ cấu hiệu quả, đáp ứng hệ thống pháp lí, điều kiện môi trường và điều kiện của người lao động.