Nghị viện châu Âu chính thức phê chuẩn EVFTA
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, Trần Tuấn Anh, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU chính thức được Nghị viện châu Âu phê chuẩn.
Theo đó, kết quả cuộc bỏ phiếu là 401 phiếu ủng hộ tương đương 63,3%. Bộ trưởng nhận định đây là kết quả tốt đẹp của Việt Nam và EU và đồng thời là dấu mốc quan trọng giữa hai nước
Đặc biệt, đây là điểm nhấn trong khuôn khổ hợp tác giữa hai nước hướng tới toàn cầu hóa dựa trên hệ thống thương mại đa phương.
"Điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đang ngày càng gia tăng ở một số nước", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Theo người đứng đầu Bộ Công Thương việc kí kết hiệp định thương mại tự do giữa hai nước thể hiện sự tin cậy của Liên minh Châu Âu đối với Việt Nam như một đối tác toàn diện không chỉ trong khu vực mà còn trên toàn thế giới.
Hai bên Việt Nam và Liên minh Châu Âu đều có nỗ lực không ngừng nghỉ từ khi khởi sự đàm phán. Trong quá trình đàm phán hoàn thiện, thực hiện thủ tục kí kết hai bên chia sẻ nỗ lực lớn dựa trên sự tin cậy. Đặc biệt Việt Nam chia sẻ hợp tác cung cấp thông tin với châu Âu.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết thời gian tới sẽ hoàn thiện hồ sơ để trình Quốc hội Việt Nam phê chuẩn để hiệp định sớm đi vào hiệu lực.
Theo quy định của EU, hiệp định EVFTA sẽ cần được Hội đồng châu Âu phê duyệt để có hiệu lực.
Hiệp định sẽ có hiệu lực vào ngày đầu tiên của tháng thứ hai sau khi hai bên thông báo cho nhau về việc đã hoàn tất thủ tục trong nước hoặc vào một thời điểm khác do hai bên thống nhất.
Theo Bộ Công Thương hiện nay, EU là một trong số thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này năm 2019 đạt 41,48 tỉ USD và nhập khẩu đạt 14,91 tỉ USD.
Do vậy, hiệp định sẽ giúp Việt Nam có điều kiện thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường, thu được giá trị gia tăng cao hơn thông qua việc thiết lập các chuỗi cung ứng mới.
EVFTA là cơ hội để Việt Nam tăng thị phần tại thị trường châu Âu và là điều kiện để Việt nam nâng cao năng lực cạnh tranh. Theo đó, 85% dòng thuế của Việt Nam giảm xuống còn 0% ngay sau khi có hiệu lực và 7 năm sau tỉ lệ dòng thuế được xóa bỏ nâng lên 99%.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Trấn Tuấn Anh cũng nhận định rằng việc vượt qua rào cản kĩ thuật không phải đơn giản, nhất là đối với sản phẩm nông sản.
Do đó, Việt Nam cần đẩy mạnh chất lượng ngành nông nghiệp, đảm bảo truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của châu Âu.
Đối với một số ngành như dệt may, da giày, đồ gỗ, trong hiệp định EVFTA chưa nhiều điều khoản liên quan đến vấn đề xuất xứ.
"Nếu không tổ chức tốt trong sản xuất ngành công nghiệp thành chuỗi cung ứng thì hiệu quả trong hiệp định sẽ bị giảm bớt", Bộ trưởng Trấn Tuấn Anh nói.
Bộ Công Thương đã đẩy mạnh việc phát triển công nghiệp hỗ trợ đồng thời cũng ban hành nhiều chính sách, thông tư hướng dẫn cho ngành công nghiệp hỗ trợ.
Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Kế hoạch đầu tư để có chính sách thu hút đầu tư từ cả trong nước lẫn nước ngoài đối với ngành công nghiệp hỗ trợ.
Bộ trưởng cho rằng thời gian tới sẽ có làn sóng đầu tư nước ngoài mạnh mẽ nhất là từ các nước thuộc nhóm liên minh châu Âu.