|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

EVFTA tạo thuận lợi cho xuất khẩu cá ngừ

16:54 | 20/02/2020
Chia sẻ
VASEP nhận định sự EVFTA sẽ tạo ra tín hiệu tốt cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam nói chung, cá ngừ nói riêng sau một năm thăng trầm và trong thời điểm dịch viêm phổi cấp do virus corona lan rộng.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) cho biết theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, tính tổng cả năm 2019, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đạt gần 140 triệu USD, giảm 12% so với năm 2018. 

Năm qua, hầu hết nước EU đều giảm nhập khẩu cá ngừ của Việt Nam, trừ Italy, Bỉ, Hy Lạp, Phần Lan, Bungari Và Hungari. Trong đó, đáng chú ý Hy Lạp và Phần Lan có tốc độ tăng trưởng cao.

Về cơ cấu mặt hàng cá ngừ, xuất khẩu các nhóm mặt hàng cá ngừ của Việt Nam sang EU đều thấp, trừ cá ngừ tươi, đông lạnh mã HS03.

Tại phân khúc thị trường cá ngừ tươi sống và đông lạnh (HS03), Italy là nước nhập khẩu chính cá ngừ mã HS03 của Việt Nam trong khối, với tỷ trọng chiếm 33% tổng xuất khẩu cá ngừ chế biến và đóng hộp của Việt Nam sang EU. 

Năm 2019, Italy có xu hướng tăng nhập khẩu của cá ngừ của Việt Nam. Hiện Việt Nam cung cấp 8,3% tổng giá trị nhập khẩu cá ngừ HS03 của Italy. 

Tương tự như Italy, Bỉ và Đức cũng đang tăng nhập khẩu cá ngừ mã HS03 của Việt Nam. Trái lại, Hà Lan - thị trường nhập khẩu cá ngừ mã HS03 lớn nhất của Việt Nam trong năm 2018 – lại đang giảm nhập khẩu. Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn tiếp tục là nguồn cung cá ngừ mã HS03 lớn nhất cho Hà Lan.

Còn tại phân khúc cá ngừ chế biến, đóng hộp (mã HS16), Tây Ban Nha - nước nhập khẩu chính cá ngừ mã HS16 của Việt Nam trong khối đang giảm nhập khẩu từ Việt Nam. 

Hiện Tây Ban Nha đang nhập khẩu chủ yếu là các sản phẩm cá ngừ chế biến khác (cá ngừ nguyên liệu để chế biến đồ hộp). 

Việt Nam hiện đang là nguồn cung lớn thứ 7 cho Tây Ban Nha, chiếm 4% tổng giá trị nhập khẩu của nước này.

Tương tự như Tây Ban Nha, Đức cũng đang giảm nhập khẩu cá ngừ từ Việt Nam. Đức hiện đang là nước nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ đóng hộp của Việt Nam. Việt Nam hiện đang là nguồn cung cá ngừ mã HS16 lớn thứ 4 cho Đức.

Trái với xu hướng xuất khẩu sang Đức và Tây Ban Nha, xuất khẩu cá ngừ mã HS16 của Việt Nam sang Hà Lan tăng mạnh, tăng 60% so với năm 2018. Hà Lan, nước không có ngành sản xuất cá ngừ nhưng lại là một quốc gia trung chuyển lớn, đang rất hút hàng của Việt Nam. 

Hiện tại nhập khẩu cá ngừ mã HS16 của Hà Lan cũng đang có xu hướng tăng trưởng, giá trị  nhập khẩu cá ngừ mã HS16 của nước này đang tăng 5% so với cùng kỳ năm 2018. Cùng với Hà Lan, Hy Lạp, Phần Lan và Bungari cũng đang có sự tăng trưởng tốt so với năm 2018.

Nhìn chung, các nước EU đang có xu hướng tăng nhập khẩu cá ngừ từ các nước đang được hưởng ưu đãi thuế quan như Seychelles, Mauritius, Philippines…, giảm nhập khẩu từ các nguồn cung đang bị áp thuế cao như Thái Lan, Việt Nam.

Tuy nhiên, ngày 12/2, Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua Hiệp định thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA). 

VASEP nhận định sự kiện này sẽ tạo ra tín hiệu tốt cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam nói chung, cá ngừ nói riêng sau một năm thăng trầm và trong thời điểm dịch viêm phổi cấp do virus corona (Covid-19) lan rộng. 

Việc EVFTA được thông qua chính là cơ hội cho Việt Nam khi các mức thuế quan áp cho sản phẩm cá ngừ nhập khẩu từ Việt Nam vào EU sẽ được gỡ bỏ ngay lập tức, hoặc cắt giảm dần dần về 0% sau từ 3-7 năm, hoặc miễn thuế theo hạn ngạch, điều này có thể giúp gia tăng xuất khẩu sang thị trường khác và giảm ảnh hưởng hiện tại từ thị trường Trung Quốc.