|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Các 'cá mập' cam kết đầu tư 9 triệu USD trong Shark Tank Việt Nam mùa hai

15:54 | 12/10/2018
Chia sẻ
Chặng đường Shark Tank Việt Nam mùa hai khép lại với gần 9 triệu USD được cam kết đầu tư và doanh nhân Nguyễn Thanh Việt rót nhiều tiền nhất.
 

Shark Tank Việt Nam mùa hai khép lại sau 14 tập. Lên sóng từ ngày 4/7 đến 10/10, 42 mô hình kinh doanh lọt vào vòng thương thuyết trước “dàn cá mập”. So với chương trình mùa đầu tiên, dù số lượng startup tham gia nhỏ hơn nhưng số thương vụ thành công, tổng tiền đầu tư rất ấn tượng. Các nhà đầu tư cam kết rót vốn vào 27 dự án, với 206 tỷ 541 triệu đồng tương đương 8,9 triệu USD, gấp 1,8 lần tổng vốn đầu tư trong mùa một (116 tỷ 651 triệu đồng).

9 trieu usd duoc cam ket dau tu trong shark tank viet nam mua hai
Hội đồng đầu tư trong Shark Tank Việt Nam mùa hai.

Với tư cách nhà đầu tư khách mời tham gia 4 tập chương trình, ông chủ Intracom – Nguyễn Thanh Việt “soán ngôi” của chủ tịch Sunhouse – Nguyễn Xuân Phú, trở thành “cá mập” xuống tiền nhiều nhất mùa hai (47 tỷ 150 triệu đồng). Người tiếp theo là Phó chủ tịch CEN – Phạm Thanh Hưng là 33 tỷ 870 triệu đồng. Ông Phú ở vị trí thứ ba với tổng khoản vay chuyển đổi 37 tỷ 285 triệu đồng.

Giữ vững vị trí thứ tư tại Shark Tank mùa trước, “cá mập giáo dục” Nguyễn Ngọc Thủy đầu tư 25 tỷ 835 triệu đồng sau 4 tập. Người đại diện cho quỹ đầu tư lớn, CEO VinaCapital - Thái Vân Linh và CEO CyberAgent - Nguyễn Mạnh Dũng rót vốn ấn tượng, lần lượt là 25 tỷ 116 triệu đồng, 22 tỷ 035 triệu đồng.

Mong muốn tìm sản phẩm “made in Vietnam” tại chương trình, doanh nhân Louis Nguyễn quyết định đầu tư 12 tỷ 500 triệu đồng. Ông chủ TTC Land cũng rót 2 tỷ 750 triệu đồng dù chỉ xuất hiện trong ba tập cuối. Top ba thương vụ nhận vốn đầu tư nhiều nhất tại Shark Tank mùa này là: Nhiệt Mặt Trời, Power Centric, Plasma và Tokai.

Lời đề nghị rót vốn giá trị nhất

Thương vụ được đầu tư nhiều nhất thuộc về “shark” Việt cho startup Nhiệt Mặt Trời của nhà khoa học bất đắc dĩ Nguyễn Văn Khỏe. Nhận định việc ứng dụng năng lượng mặt trời trong sấy khô sản phẩm giúp bà con ổn định cuộc sống trên mảnh đất của mình, ông rót 1 triệu USD, kèm theo sự hỗ trợ chiến lược kinh doanh, tìm nhà tài trợ cho dự án.

Ông tiết lộ, Nhiệt Mặt Trời sẽ trở thành đề tài nghiên cứu của Intracom trong thời gian tới. Đội ngũ nghiên cứu công ty sẽ phối hợp cùng startup để cho ra sản phẩm hoàn thiện, không ngừng đổi mới nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường.

Đồng vị trí thứ nhất là lời đề nghị trị giá 1 triệu USD của “cá mập kén mồi” Phạm Thanh Hưng chp dự án bình trữ điện MoPo của công ty năng lượng xanh Power Centric. Không đúng sở trường bất động sản, nhưng ông rất hào hứng, quyết liệt trong cuộc tranh luận giành quyền rót vốn vào mô hình kinh doanh tiềm năng này.

Chia sẻ lý do đầu tư, ông Hưng cho biết sản phẩm MoPo đi đúng xu hướng năng lượng của thế giới, đặc biệt nhà sáng lập am hiểu lĩnh vực, định vị rõ dự án của mình. Rót 500.000 USD cho 25% cổ phần và 500.000 USD trái phiếu chuyển đổi, ông tuyên bố Power Centric chắc chắn thành công, chiếm lĩnh thị phần lớn trong giai đoạn sắp tới.

17 tỷ đồng cho công nghệ Plasma

Thương vụ đầu tư 17 tỷ đồng của liên minh “cá mập” Hưng, Việt cho Plasma xếp vị trí thứ hai. Công nghệ Plasma lạnh hỗ trợ điều trị lành vết thương, thay vì sử dụng thuốc kháng sinh như y học hiện nay.

Từng đầu tư vào lĩnh vực lazer vào 30 năm trước, Thanh Hưng hiểu tiến trình ứng dụng Plasma trong thực tế. Nhìn thấy nhà sáng lập hiện thực hóa thành sản phẩm nhỏ, gọn, được Bộ Y tế cấp phép, ông thực sự hứng thú, cho rằng dự án thực sự có yếu tố khởi nghiệp, vừa sáng tạo vừa giải quyết vấn đề xã hội. Hợp tác với “shark” Việt đầu tư, Phó chủ tịch CENGroup muốn thử thách bản thân trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ vào cuộc sống.

Cái “bắt tay” trị giá 12 tỷ đồng

Doanh nhân Việt tiếp tục góp mặt trong thương vụ trị giá 12 tỷ đồng – xếp thứ ba trong danh sách những dự án được cam kết đầu tư nhiều nhất. Suy nghĩ “không mạo hiểm sẽ không có hiệu quả”, ông rót số tiền lớn cho mô hình kinh doanh nhà cho thuê ở Nhật Bản – Tokai dù chưa có doanh thu.

Chủ tịch Intracom cho rằng, sự mạo hiểm lại khẳng định bước tiến, vị thế doanh nghiệp Việt Nam trong nền kinh tế Nhật Bản, góp phần nâng cao danh dự dân tộc. Hà Cảnh - người sáng lập Tokai - rất đam mê dự án, nhưng thiếu kinh nghiệm kinh doanh. Bởi vây, khi đầu tư, ông không chỉ hỗ trợ tài chính, mà còn đồng hành cùng nhà sáng lập để định hướng phát triển doanh nghiệp bền vững.

Xem thêm

Bùi Mến