|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Bộ trưởng NN&PTNT nói gì trước thông tin có tình trạng thu mua gạo ồ ạt, gây mất cân đối cung-cầu?

16:17 | 15/08/2023
Chia sẻ
Trong bối cảnh giá gạo tăng hàng ngày, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết cần giữ thái độ bình tĩnh vì mọi vấn đề có thể phát sinh mặt trái nếu chúng ta không quản lý tốt, chỉ nhìn thì một phía, một khía cạnh.

Ngày nào ĐBSCL cũng có lúa trên đồng

Thị trường lúa gạo toàn cầu ngày càng nóng lên sau khi Ấn Độ, Nga và UAE ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo. Đây được coi là cơ hội vàng cho Việt Nam tăng cường gia tăng xuất khẩu, tuy nhiên cũng đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến giá lúa gạo trong nước, an ninh lương thực…

Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Lê Thị Song An (đoàn Long An) cho biết giá lúa liên tục tăng nên một số địa phương có hiện tượng mua gom lúa gạo ồ ạt, gây mất cân đối cung cầu cục bộ, ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng đưa ra một số giải pháp vừa bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, vừa thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững?

Cùng quan tâm đến ngành hàng lúa gạo, đại biểu Tạ Minh Tâm (đoàn Tiền Giang) cũng đề nghị Bộ NN&PTNT cho biết những định hướng thúc đẩy hoạt động thu mua, tiêu thụ lúa gạo, gia tăng kim ngạch xuất khẩu của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)?

Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan trả lời chất vấn về vấn đề xuất khẩu gạo. (Ảnh: Quốc hội)

Trả lời các câu hỏi chất vấn của các đại biểu, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết Thủ tướng Chính phủ đã có công điện chỉ đạo về vấn đề xuất khẩu gạo, công điện nêu rõ khi thế giới nảy sinh vấn đề mất an ninh lương thực hoặc một số quốc gia cấm xuất khẩu gạo có thể mở ra thời cơ cho Việt Nam.

Tuy nhiên trong bối cảnh này, chúng ta cần giữ thái độ bình tĩnh vì mọi vấn đề có thể phát sinh mặt trái nếu chúng ta không quản lý tốt, chỉ nhìn thì một phía, một khía cạnh.

Công điện của Thủ tướng nhấn mạnh rằng an ninh lương thực quốc gia là vấn đề ưu tiên lớn nhất. Khi còn nguồn lực, chúng ta sẽ đẩy mạnh xuất khẩu lương thực như một cam kết có trách nhiệm với thế giới về vấn đề an ninh lương thực toàn cầu, đồng thời cũng không gây sốc cho thị trường nội địa, giá cả tăng cao ảnh hưởng đến các đối tượng dễ bị tổn thương.

Hiện, Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT đang quán triệt để thực hiện tốt Công điện này.

Riêng về khu vực ĐBSCL, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết một năm có 365 ngày thì có đến 300 ngày khu vực ĐBSCL thực hiện xuống giống. Khu vực ĐBSCL có đặc thù canh tác luân phiên theo con nước, nước rút tới đâu xuống giống tới đó nên không có mùa vụ rõ rệt như ở miền Bắc.

Do việc xuống giống liên tục và một vụ lúa ở ĐBSCL chỉ kéo dài khoảng 95 ngày nên hầu như ngày nào khu vực này cũng có lúa trên đồng, việc chia vụ Đông Xuân, Hè Thu chỉ mang tính chất thống kê.

Mặt khác, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết hơn 20 năm nay, khu vực ĐBSCL đã xây dựng được hệ thống thủy lợi hoàn thiện, bản đồ số hóa, từ đó các địa phương có thể rải vụ hoặc tập trung vụ nếu cần thiết.

“Trường hợp điều kiện khí hậu ổn định như mấy năm qua, không xảy ra thiên tai, chúng ta hoàn toàn có thể đảm bảo tiêu dùng trong nước và dư địa cho xuất khẩu gạo khoảng 7-8 triệu tấn/năm”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Tuy vậy, Bộ trưởng NN&PTNT cũng nhìn nhận rằng trong cấu trúc ngành hàng, giá cả được quyết định bởi yếu tố cung – cầu, khi cầu tăng, cung không thay đổi thì giá sẽ lên, điều này chúng ta không can thiệp được. Tuy nhiên ngành lúa gạo vẫn đang chịu ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài như đặt cọc, tồn trữ đẩy giá, thỏa thuận mua bán mùa vụ…

Do vậy, Bộ trưởng mong muốn nông dân và doanh nghiệp phải tôn trọng và cùng chia sẻ thời cơ làm sao để mùa sau mọi người còn có thể hợp tác làm ăn với nhau.

Hiện nay, khoảng 20% diện tích lúa ĐBSCL nằm trong liên kết, điều này có nghĩa 80% diện tích nằm ngoài liên kết, chúng ta không kiểm soát được các thành phần trung gian. Do vậy, Bộ trưởng cho rằng cần chuyển từ tư duy mua bán sang tư duy hợp tác để phát triển ngành hàng lúa gạo bền vững.

Sử dụng linh hoạt 5 triệu ha đất lúa

Tại Nghị trường, đại biểu Lê Thanh Hoàn (đoàn Thanh Hóa) khẳng định đất trồng lúa có vai trò rất quan trọng trong sản xuất nông nghiệp và vấn đề đảm bảo an ninh lương thực.

Đại biểu Lê Thanh Hoàn đề nghị Bộ trưởng làm rõ đến hiện tại đã có quy hoạch và chốt được vị trí các khu vực đất lúa để cấm không cho phép chuyển nhượng, chuyển đổi sang mục đích khác để người dân yên tâm canh tác, cải tạo đất, tăng năng suất, tăng sản lượng thóc gạo, góp phần đảm bảo an ninh lương thực của Việt Nam trong thời gian tới?

Trả lời chất vấn về đất trồng lúa, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết cách đây 10 năm, quy mô đất lúa nước ta khoảng trên 4 triệu ha. Số liệu thống kê hiện tại, đất trồng lúa còn khoảng 3,93 triệu ha.

Theo Nghị quyết Quốc hội và Nghị quyết của Chính phủ, chúng ta sử dụng linh hoạt 5 triệu ha đất lúa. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng “linh hoạt” ở đây có nghĩa là phải đảm bảo an ninh lương thực, phát triển kinh tế - xã hội vẫn luôn phải dành một quỹ đất cho ngành nông nghiệp, trong đó có đất lúa.

Hiện, quy hoạch đất lúa nằm trong quy hoạch đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm chính về vấn đề này. Hầu hết địa phương cũng đã đều ổn định những diện tích đất lúa và đã có trong quy hoạch của tỉnh, xác định rõ phân khu vực dành cho đất nông nghiệp. 

Bộ trưởng NN&PTNT cũng lưu ý các địa phương trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội cố gắng giữ gìn quỹ đất lúa, cân nhắc khi chuyển đổi đất trồng lúa bởi còn nhiều hệ lụy ảnh hưởng phía sau như về sản lượng lúa, nông dân mưu sinh trên đất lúa và một chuỗi ngành hàng, doanh nghiệp chế biến, dịch vụ thương mại…

Bộ NN&PTNT sẽ cùng với các địa phương phân tích những tình huống khi nào chuyển đổi, khi nào không chuyển đổi đất lúa với nguyên tắc cân nhắc và cẩn trọng giữa phát triển và giữ gìn.

Hoàng Anh