Xuất khẩu hai ngành hàng chủ lực giảm mạnh, ngành nông nghiệp vẫn bám trụ mục tiêu 55 tỷ USD
Lạm phát và suy thoái kinh tế đã tác động đến mọi ngành nghề, trong đó có ngành nông nghiệp. Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy 7 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 29,1 tỷ USD, giảm 9%. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hai ngành hàng chủ lực ghi nhận lao dốc, bao gồm nhóm thuỷ sản đạt 4,95 tỷ USD, giảm 25%; lâm sản 7,8 tỷ USD, giảm 25,5%...
Dù kim ngạch xuất khẩu hai ngành chủ lực giảm mạnh, Bộ NN&PTNT vẫn bám trụ mục tiêu kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 54-55 tỷ USD.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định Bộ sẽ phối hợp với Bộ Công Thương, các bộ ngành, địa phương để thúc đẩy xúc tiến thương mại, nhằm đạt được mục tiêu đã đặt ra trong năm 2023.
“Khó khăn là có nhưng đến thời điểm này, chúng ta chưa phải bàn đến việc điều chỉnh mục tiêu xuất khẩu của toàn ngành”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, lạm phát và suy thoái kinh tế đã khiến xuất khẩu thủy sản và lâm sản giảm nhiều liên tiếp từ đầu năm đến nay. Đến ngày 13/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị làm việc với Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFOREST), Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản và thuỷ sản, đặc biệt là khó khăn vướng mắc về vốn và dư nợ tín dụng. Đến nay, gói tín dụng 15.000 tỷ đồng đã được triển khai đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản.
Ngoài ra, báo cáo của các hiệp hội cũng cho thấy xuất khẩu hai ngành hàng này đang có những tín hiệu ấm dần trong những tháng cuối năm.
VASEP dự báo hết năm 2023, xuất khẩu thủy sản sẽ thu về khoảng trên 9 tỷ USD với những điều kiện thuận lợi như kinh tế ở các thị trường lớn phục hồi, doanh nghiệp có nội lực sản xuất, nguồn cung nguyên liệu ổn định và phẩm xuất khẩu có giá bán cạnh tranh.
“VASEP cho biết đã có những tín hiệu tích cực về thị trường cả với tôm và cá tra. Năm 2022, 50% sản lượng cá tra xuất khẩu vào Mỹ. Tuy nhiên thời điểm này, Mỹ đang ép giá.
Dự trữ và tồn kho của Mỹ đã giảm, trong khi nhu cầu không thay đổi. Do đó, chúng ta cần phải chuẩn bị cho những dự trữ để khi tình thế, thời cơ đến thì chúng ta có thể chớp được cơ hội này. Về xuất khẩu tôm cũng tương tự”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến dự báo.
Còn đối với xuất khẩu gỗ, VIFOREST cũng thông tin doanh nghiệp trong ngành sẽ cố gắng đạt được mục tiêu xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 17 tỷ USD như đã đặt ra.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng đánh giá triển vọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong nửa cuối năm 2023 đã có dấu hiệu phục hồi nhưng chậm và không đồng đều ở các quốc gia.
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ dự kiến khả quan hơn vào nửa cuối năm 2023 do tồn kho hàng hoá tại các khu vực lớn như châu Mỹ, đặc biệt là tại thị trường Mỹ đã giảm đáng kể trong thời gian qua và các nhà nhập khẩu đang có dấu hiệu đặt hàng trở lại. Xuất khẩu vào thị trường này tăng sẽ góp phần thúc đẩy ngành gỗ phục hồi trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, nhóm ngành hàng nông sản 7 tháng đầu năm cũng tăng trưởng mạnh, bù đắp phần nào cho sự sụt giảm của ngành thủy sản, lâm sản. Nhiều mặt hàng ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc như gạo đạt 2,6 tỷ USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2022; rau quả đạt 3,2 tỷ USD, tăng gần 70%...
Về mặt hàng gạo, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá việc Ấn Độ, Nga, UAE ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo là tình thế, thời cơ cho gạo Việt, cơ hội cho người trồng lúa, đặc biệt là tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Giá gạo của chúng ta hiện đã cao hơn giá gạo của Thái Lan và Ấn Độ, do vậy đây là một cơ hội rất lớn. Dự kiến, năm nay, xuất khẩu gạo sẽ đạt trên 7 triệu tấn với giá trị 4,1 tỷ USD.
Thứ trưởng cho biết hiện, 85% giống lúa của chúng ta là giống lúa mới, 89% là gạo chất lượng cao và chúng ta đang xây dựng Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Vụ lúa gạo của chúng ta chỉ có 3 tháng. Do đó, tới đây, với 85% giống lúa mới, cùng với quy trình canh tác phù hợp với từng vùng miền, việc bảo vệ đồng ruộng đã có nhiều kinh nghiệm, cùng với việc mở rộng một phần diện tích và giám sát, lưu hành, quản lý thuốc... các vụ mùa sẽ đảm bảo thắng lợi, đảm bảo an ninh lương thực trong nước, đồng thời đủ nguồn cho chế biến, dự trữ, làm giống và xuất khẩu.