Liên kết vùng để tiến gần hơn mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 55 tỷ USD
Liên kết vùng thúc đẩy mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 55 tỷ USD
Số liệu của Bộ NN&PTNT cho biết 7 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 29,1 tỷ USD, giảm 9% so với cùng kỳ năm 2022.
Năm 2023, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3-3,5%; kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 55 tỷ USD. Như vậy kết thúc 7 tháng đầu năm, xuất khẩu nông lâm thủy sản đã hoàn thành được gần 53% mục tiêu cả năm 2023.
Tại Diễn đàn “Liên kết vùng trong phát triển kinh tế để phát huy thế mạnh địa phương”, TS. Vũ Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ NN&PTNT (Ban Kinh tế Trung ương) cho rằng để ngành nông nghiệp hoàn thành mục tiêu này trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn gặp nhiều khó khăn, một trong những giải pháp quan trọng là thúc đẩy vai trò của liên kết vùng, đặc biệt khi Việt Nam là nước nông nghiệp, hơn 70% dân số sống ở vùng nông thôn và canh tác nông nghiệp.
Thực tế, chiến lược phát triển kinh tế nông nghiệp chú trọng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, liên kết vùng nguyên liệu, liên kết chuỗi giá trị nông sản cần phải đóng vai trò chủ chốt để sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, ổn định về đầu ra, tạo ra sức cạnh tranh và nâng cao chuỗi giá trị cho nông sản Việt.
Tuy nhiên, thách thức lớn hiện nay là việc liên kết kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp còn khá lỏng lẻ, chuỗi giá trị kém hiệu quả và thiếu hành động tập thể.
Bà Trần Thị Thu Hằng, Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Nông sản thực phẩm Việt Nam cho biết công ty có nhiều cơ hội thuận lợi để làm việc với các hợp tác xã (HTX), đặc biệt là các HTX vùng sâu vùng xa khởi nghiệp.
Tuy nhiên, doanh nghiệp nhận thấy tính cam kết cuả bà con nông dân, HTX rất yếu. Điển hình, công ty ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho một số HTX với giá cao gấp đôi so với giá bán trên thị trường, nhưng cứ đến mùa thu hoạch, HTX lại mang hàng tốt đi bán cho các siêu thị, còn hàng loại 2 cung cấp cho công ty.
Hay như trường hợp khi công ty cung cấp cá vào trường học, đơn vị sản xuất cam kết cá sạch, không có dư lượng kháng sinh, nhưng khi nhập về, công ty kiểm tra phát hiện có dư lượng kháng sinh rất cao.
“Chúng tôi rất muốn phân phối hàng hoá cho bà con nông dân nhưng chỉ được vài vụ đầu, người dân thực hiện đúng cam kết. Vì vậy, doanh nghiệp rất khó để liên kết bao tiêu sản phẩm đầu ra cho người dân”, bà Trần Thị Thu Hằng nói.
Liên kết vùng chỉ bền vững khi các chủ thể ‘bắt tay’
Khó khăn trong việc tạo dựng mối liên kết bền vững giữa doanh nghiệp – nông dân là câu chuyện chung của nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Bà Nguyễn Thị Huyền, Tổng giám đốc CTCP Vinasamex, đơn vị chuyên xuất khẩu các mặt hàng gia vị hữu cơ cho biết thời điểm ban đầu Vinasamex quay về Việt Nam xây dựng liên kết vùng gặp rất nhiều khó khăn do chưa có được sự tin tưởng của người dân, nông dân sợ doanh nghiệp thu mua giá thấp. Ban đầu, người dân cũng không giữ cam kết, họ sẵn sàng hủy hợp đồng, bán hàng cho đối tác khác khi được trả thêm 500 đồng/kg.
Trước bài toán “đau đầu” này, giải pháp của Vinasamex là ký hợp đồng với từng hộ nông dân và nắm được dữ liệu về diện tích, sản lượng hàng năm. Doanh nghiệp cam kết đào tạo về kỹ thuật canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, chúng tôi bao tiêu sản phẩm, mua giá cao hơn 5-10% so với giá thị trường, tăng sinh kế cho người dân địa phương.
“Sau ba năm thực hiện giải pháp này, nông dân thấy sản phẩm bán được giá cao, không phụ thuôc thị trường Trung Quốc, nhiều hộ xin tham gia vào chuỗi, xin hợp tác với doanh nghiệp.
Hiện, doanh nghiệp đang liên kết với khoảng 3.000 nông dân tại nhiều vùng nguyên liệu gia vị trọng điểm trên cả nước. Vinasamex đặt mục tiêu đến năm 2027 nâng số hộ liên kết lên 10.000”, bà Nguyễn Thị Huyền nói.
Khi được hỏi về những ràng buộc “cứng” với nông dân, ví dụ như hình thức phạt nếu không cam kết hợp đồng, bà Nguyễn Thị Huyền cho biết những giải pháp này không khả thi, điều doanh nghiệp cần làm là chứng minh cho người dân về đầu ra ổn định, giá tốt.
Cùng với đó, doanh nghiệp đồng hành với địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đường xá, trường học, tuyên truyền bình đẳng giới... khi nông dân thay đổi nhận thức, họ sẽ “bắt tay” lâu dài với doanh nghiệp để cả hai cùng phát triển.
Tại Diễn đàn, cơ quan quản lý, chuyên gia cho rằng liên kết vùng không chỉ dừng lại ở sự bắt tay giữa doanh nghiệp và nông dân, mà còn là sự hợp tác giữa các doanh nghiệp, địa phương.
TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng bản thân các doanh nghiệp cũng phải tư duy và chuyển đổi mạnh mẽ hơn theo hướng hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp ở các địa phương khác trong vùng.
“Hội nhập cũng buộc từng địa phương và từng vùng ở Việt Nam phải hiểu rõ thế mạnh, tiềm năng, sự khác biệt của từng vùng để có sự sắp xếp, phân công lao động hợp lý trong từng vùng”, TS. Trần Thị Hồng Minh nói.