|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Xuất khẩu gạo thuận lợi, tồn kho của các doanh nghiệp ra sao?

17:28 | 07/08/2023
Chia sẻ
Lượng gạo dành cho xuất khẩu năm 2023 khoảng trên 7,5 triệu tấn. Như vậy, dư địa cho xuất khẩu gạo 5 tháng cuối năm còn khoảng 2,7 triệu tấn. Trong bối cảnh thị trường gạo có nhiều biến động, hàng tồn kho của các doanh nghiệp gạo tính tại thời điểm cuối quý II biến động trái chiều.

Tồn kho biến động trái chiều

Thông tin Ấn Độ cùng Nga, UAE cấm xuất khẩu một số loại gạo đã tạo hiệu ứng tích cực cho ngành gạo Việt Nam. 

Giá gạo 5% tấm của Việt Nam tăng 25 USD/tấn so với thời điểm lệnh cấm được ban hành. Tính đến ngày 1/8, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đạt trung bình 590 USD/tấn, mức giá cao nhất trong 11 năm qua, tăng khoảng 80 USD so với tháng trước, thấp hơn giá gạo cùng chủng loại của Thái Lan khoảng 35 USD/tấn.

 

 Số liệu: Cục Xuất nhập khẩu (H.Mĩ tổng hợp)

 

Đối với các dòng gạo thơm, giá xuất khẩu trung bình gạo Jasmine Việt Nam ghi nhận ở mức 690 USD/tấn, tăng khoảng 80 USD so với tháng trước. 

 

Lũy kế 7 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt hơn 4,8 triệu tấn, tương đương 2,6 tỷ USD, tăng 19% về lượng và tăng 30% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.

 

 Số liệu: Tổng Cục Hải quan (H.Mĩ tổng hợp)

 

Trong bối cảnh thị trường gạo có nhiều biến động, hàng tồn kho của các doanh nghiệp gạo tính tại thời điểm cuối quý II biến động trái chiều so với cuối năm 2022. 

 

 Số liệu: Wichart (H.Mĩ tổng hợp)

 

 

Theo đó, giá trị hàng tồn kho của Tổng Công ty Lương thực Miền Nam - CTCP (Mã: VSF) tăng gần gấp 3 lần so với cuối năm 2022 lên hơn 3.000 tỷ đồng.  Trong đó, thành phẩm và nguyên liệu, vật liệu chiếm khoảng 2/3. Trong kỳ, công ty trích lập 28 tỷ đồng cho dự phòng giảm giá hàng tồn kho, gần như không đổi so với cuối năm ngoái. 

 

  Số liệu: Wichart (H.Mĩ tổng hợp)

Với CTCP Tập đoàn Lộc Trời (Mã: LTG) và CTCP Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed, mã NSC), hàng tồn kho tăng lần lượt 56% và 29%. 

 

  Số liệu: Wichart (H.Mĩ tổng hợp)

 

Tính đến cuối quý II, Vinaseed có 7 công ty con, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất giống cây trồng, sản xuất máy nông nghiệp, chế biến nông sản.

Trong đó, Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam (Vinarice) do Vinaseed sở hữu 98,92% vốn điều lệ, có trụ sở tại Đồng Tháp, hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông sản, hạt giống cây trồng. Các nhà máy Vinarice hiện có công suất chế biến 100.000 tấn gạo/năm và 50.000 tấn giống/năm.

 

Tuy nhiên, một số công ty khác ghi nhận tồn kho giảm trong quý II. Theo đó, tại thời điểm 30/6, tồn kho của CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Mã TAR) là 679 tỷ đồng, giảm mạnh 52% so với cuối năm ngoái.  CTCP Xuất nhập khẩu An Giang (AGM) cũng giảm hàng tồn kho 11% xuống 95 tỷ đồng. 

Vòng quay hàng tồn kho của một số doanh nghiệp gạo được đẩy nhanh hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Điển hình như Trung An với 1,5 lần, nhanh gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. CTCP XNK Nông sản Thực phẩm An Giang (Mã: AFX) có vòng quay hàng tồn kho lớn nhất là 3,1 lần. 

Trong khi đó, vòng quay hàng tồn kho của AGM chỉ bằng một nửa của quý II/2022. Số ngày tồn kho tăng gấp đôi so với cùng kỳ, là 57 ngày. 

 

H.Mĩ tổng hợp

Việc hàng tồn kho của doanh nghiệp tăng không phải lúc nào cũng mang ý nghĩa tiêu cực là bị "chôn vốn". Một số trường hợp, hàng tồn kho tăng lại là điều có lợi cho doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh giá cả hàng hoá tăng lên, nhu cầu của thị trường đối với mặt hàng đó tăng. Nói cách khác, doanh nghiệp luôn sẵn sàng hoá để đáp ứng nhu cầu của thị trường, đồng thời hưởng lợi được đà tăng giá bán. 

Doanh nghiệp tránh gom mua ồ ạt gây mất cân đối cung cầu

Bộ NN&PTNT dự báo từ nay đến cuối năm, nếu không có diễn biến bất thường của thời tiết thì sản lượng thóc sẽ đảm bảo kế hoạch đáp ứng đầy đủ nhu cầu thóc, gạo trong nước và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Lượng thóc dành cho xuất khẩu năm 2023 khoảng trên 15,1 triệu tấn, tương đương trên 7,5 triệu tấn gạo. Như vậy, dư địa cho xuất khẩu gạo 5 tháng cuối năm còn 2,7 triệu tấn.

Trong bối cảnh hiện tại, đã có những cảnh báo được đưa ra nhằm tránh hiện tượng gom hàng ồ ạt.

Mới đây, Bộ Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp cần tránh mua gom ồ ạt gây bất ổn thị trường, mất cân đối cung cầu cục bộ đẩy giá lúa gạo trong nước tăng bất hợp lý.

Bộ Công Thương cho biết tình hình thị trường lúa gạo trong nước đang có diễn biến tăng giá. Vì vậy, để thực hiện công tác bình ổn thị trường, đảm bảo nguồn cung lúa gạo, kiểm soát mức tăng giá lương thực trong nước, Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh, thành phố phối hợp trong công tác bình ổn thị trường.

Theo đó, Bộ Công Thương đề nghị các địa phương chỉ đạo Sở Công Thương đôn đốc các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường có phương án về nguồn hàng lúa gạo, đảm bảo cung ứng cho thị trường từ nay đến cuối năm 2023 và giai đoạn Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 với giá bình ổn.

UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các doanh nghiệp xuất khẩu  gạo trên địa bàn duy trì lượng lúa gạo dự trữ bình ổn thị trường theo quy định để sẵn sàng cung ứng ra thị trường khi cần thiết; thực hiện việc thu mua giao hàng theo tiến độ hợp lý và cân đối lượng xuất khẩu nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường trong nước.

Tại hội nghị về ngành gạo diễn ra cuối tuần trước,Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng ngành gạo tranh thủ thời cơ xuất khẩu nhưng phải đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cảnh báo hiện một số nước xuất khẩu gạo lớn như Ấn Độ, Thái Lan đều có động thái về cấm xuất khẩu gạo, vì vậy Việt Nam cần thận trọng.

Bởi nếu Việt Nam xuất khẩu quá đà cả về sản lượng và giá trị, chất lượng và thương hiệu gạo chưa chắc được đảm bảo, trong khi đó giá gạo xuất khẩu lại cao hơn. Điều này có thể tiềm ẩn nguy cơ mất thị trường, khó có thể khôi phục lại. Do vậy, ngành gạo tranh thủ thời cơ xuất khẩu nhưng phải đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

"Trong lúc này thừa thế xông lên thì coi chừng gậy ông đập lưng ông. Một quốc gia nổi tiếng sản xuất lúa  gạo mà lại lâm vào tình trạng thiếu gạo, giá gạo lên quá cao, để người dân khổ thì không thể chấp nhận được", ông Nguyễn Hồng Diên nói.

Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng ngành gạo phải xác lập, củng cố cơ chế hợp tác chặt chẽ, hiệu quả giữa lực lượng sản xuất (vùng trồng, người nông dân) với các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo, giữa các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo với nhau để tránh tình trạng bể kèo, tranh mua, tranh bán, tranh thị trường.

Công ty TNHH Chứng khoán Maybank (MBKE) trong báo cáo mới đây cho rằng việc xuất khẩu gạo thuận lợi tiềm ẩn rủi ro làm tăng giá gạo bán lẻ trong nước và kịch bản này có thể sẽ tiếp diễn trong ngắn hạn, từ đó làm tăng lạm phát lương thực cũng như lạm phát toàn phần vì lương thực, thực phẩm là nhóm đóng góp lớn nhất với tỷ trọng 33,56%.

 Số liệu: Hiệp hội Lương thực Việt Nam (H.Mĩ tổng hợp)

"Trên thực tế, lạm phát lương thực (trong đó 70% là gạo) vẫn ở mức rất cao trong khi các mặt hàng lương thực, thực phẩm khác đã mất đỉnh vào cuối năm ngoái", MBKE cho hay.

Khối phân tích cảnh báo trong ngắn hạn, giá gạo sẽ là một trong những yếu tố chính gây lạm phát trong nước và cần được theo dõi chặt chẽ. Tuy nhiên, các chuyên gia tại đây dự báo rủi ro có thể kiểm soát được nhờ một số yếu tố chính.

Thứ nhất, Việt Nam có thể thực hiện các biện pháp hạn chế tương tự đối với gạo xuất khẩu như Ấn Độ để đảm bảo an ninh lương thực. Trước đó,  để đối phó với sự bùng phát của dịch COVID trong năm 2020, Việt Nam đã áp dụng hạn ngạch xuất khẩu gạo tạm thời vào tháng 4/2020.

Thứ hai, gạo là một trong chín mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá. MBKE cho rằng Chính phủ có thể thực hiện các biện pháp hành chính và tài chính để ổn định giá bán lẻ trong nước. Chính phủ có thể yêu cầu các nhà phân phối giảm xuất khẩu  và bán với giá chiết khấu cho các kênh bán lẻ địa phương hoặc bán gạo trực tiếp từ kho dự trữ quốc gia. 

Thứ ba,  Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia thông báo đợt El-Nino đã vào Việt Nam từ tháng 6/2023. Dự báo nắng nóng, hạn hán sẽ đạt đỉnh điểm vào cuối năm 2023 và kéo dài sang năm 2024, ảnh hưởng đến vụ lúa của các địa phương.

Tuy nhiên, USDA dự báo sản lượng gạo 2022-2023 và 2023-2024 vẫn có thể kiểm soát được. Việt Nam thực tế đã trải qua El-Nino trong các vụ 2015-16 và 2019-2020 nhưng chỉ tác động nhẹ đến sản xuất lúa gạo.

Cuối cùng, MBKE quan điểm rằng có mối tương quan thấp giữa lạm phát lương thực địa phương và lạm phát lương thực toàn cầu trong 10 năm qua. Giá trong nước có xu hướng ổn định hơn so với giá toàn cầu. Hơn nữa, tác động trực tiếp của việc tăng giá gạo cũng có thể kiểm soát được do lương thực chỉ đóng góp 3,67% trong rổ tính CPI, trong đó gạo chiếm 2,55%.  

 

H.Mĩ

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).