Giá gạo xuất khẩu cao nhất trong vòng 11 năm
Tại Hội nghị sơ kết xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm, ông Trần Duy Đông, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết việc Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo non-basmati (phi basmati) là yếu tố dẫn đến giá gạo xuất khẩu các nước tăng mạnh.
Giá gạo 5% tấm của Việt Nam tăng 25 USD/tấn so với thời điểm lệnh cấm được ban hành. Tính đến ngày 1/8, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đạt trung bình 590 USD/tấn, mức giá cao nhất trong 11 năm qua, tăng khoảng 80 USD so với tháng trước, thấp hơn giá gạo cùng chủng loại của Thái Lan khoảng 35 USD/tấn.
Đối với các dòng gạo thơm, giá xuất khẩu trung bình gạo Jasmine Việt Nam ghi nhận ở mức 690 USD/tấn, tăng khoảng 80 USD so với tháng trước.
Tại nội địa, ngay khi có thông tin về lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, giá thóc gạo trong nước tăng nhanh theo từng ngày (trung bình mỗi ngày tăng từ 50 - 100 đồng/kg)
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tính đến ngày 27 tháng 7 năm 2023, giá thóc nội địa tăng khoảng từ 368 – 441 đồng/kg so với tháng trước; giá gạo các loại tăng từ 850 - 940 đồng/kg. So với cùng kỳ năm 2022, giá thóc tăng khoảng từ 1.300 – gần 1.900 đồng/kg; giá gạo các loại tăng từ 2.400 – gần 3.400 đồng/kg.
Giá thóc, gạo trong nước ở mức cao đặc biệt trong quý II do nhu cầu tăng mạnh tại nhiều thị trường (như: Indonesia công bố nhập khẩu 2 triệu tấn, Philippines gia tăng nhập khẩu để kiềm chế lạm phát, Trung Quốc nhu cầu mua tăng hơn so với cùng kỳ năm 2022, …) và nguồn cung gạo toàn cầu khu vực giảm do ảnh hưởng ngày càng sâu rộng của biến đổi khí hậu tại một số quốc gia sản xuất.
Theo số liệu ước của cơ quan liên Bộ, trong 7 tháng đầu năm 2023, lượng gạo xuất khẩu ước đạt 4,83 - 4,84 triệu tấn. Như vậy, lượng gạo hàng hóa sản xuất phục vụ cho 5 tháng cuối năm còn khoảng 2,66 – 2,67 triệu tấn (chưa kể lượng thóc, gạo nhập khẩu hàng năm từ Campuchia về để phục vụ chế biến).
Tuy nhiên, hàng năm theo thống kê ngoài lượng thóc, gạo hàng hóa sản xuất trong nước còn lượng thóc, gạo từ Campuchia (chế biến) và Ấn Độ để phục vụ sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi trong nước. Hiện nguồn gạo phẩm cấp thấp từ Ấn Độ đã không còn sau lệnh cấm nên khả năng sẽ phải bù đắp từ nguồn trong nước.