|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Bị ông Trump cấm vận, Huawei tăng 60 lần chi tiêu cho vận động hành lang ở Mỹ

17:32 | 22/10/2019
Chia sẻ
Chi cho vận động hành lang (lobby) của Huawei tại Mỹ trong quí III tăng sốc sau khi công ty này bị chính quyền Tổng thống Trump đưa vào danh sách đen về thương mại dẫn tới việc không thể mua được các sản phẩm và dịch vụ từ doanh nghiệp Mỹ.
Huawei in China Reuters

Một cửa hàng Reuters ở Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Bloomberg đưa tin, tập đoàn công nghệ lớn nhất Trung Quốc là Huawei Technologies đã chi 1,8 triệu USD cho hoạt động vận động hành lang (lobby) trong quí III vừa qua.

Đây là con số lớn chưa từng thấy trong lịch sử công ty và cao gấp 60 lần số tiền 30.000 USD của quí III năm ngoái khi công ty này gần như chấm dứt hoàn toàn việc lobby ở Washington và cắt giảm nhân sự văn phòng xuống chỉ còn khung tối thiểu.

Dẫn nguồn tài liệu liên bang, Bloomberg cho biết Huawei đã chi tới 1,7 triệu USD để trả cho người vận động hành lang (lobbyist) Michael Esposito.

Ông Esposity tự miêu tả mình là thành viên của Trump Victory – một ủy ban huy động tiền chung cho nhiều tổ chức bao gồm chiến dịch tái tranh cử năm 2020 của Tổng thống Donald Trump và Ủy ban Quốc gia Đảng cộng hòa (RNC).

Kể cả so với trung bình ngành vận động hành lang ở Washington (K Street), con số 1,7 triệu USD cũng thuộc vào loại "siêu to khổng lồ" bởi nó cao hơn nhiều so với chi tiêu lobby quí III của nhiều tổ chức thương mại quyền lực nhất như Hiệp hội Công nghệ Tiêu dùng, Viện Dầu mỏ Mỹ, Liên đoàn Kinh doanh Độc lập Quốc gia. Mỗi tổ chức này chi khoảng hơn 1 triệu USD tiền vận động hành lang trong quí III.

Huawei thuê ông Esposito để giúp chống lại lệnh cấm do Bộ Thương mại Mỹ đưa ra ngày 16/5 năm nay. Trong suốt 5 tháng vừa qua, các doanh nghiệp Mỹ không được phép bán sản phẩm, dịch vụ cho Huawei, khiến cho đại gia công nghệ Trung Quốc này gặp khó khăn cả trong sản xuất lẫn tiêu thụ sản phẩm.

Cụ thể, Huawei không nhập được các linh kiện như chip cho smartphone của mình. Sản phẩm của hãng cũng không được cài hệ điều hành Android và các ứng dụng của Google như Gmail, Chrome, .... Tháng 9 vừa qua, Huawei ra mắt dòng điện thoại mới Mate 30 với hệ điều hành Android nhưng không phải do Google cung cấp.

Tổng thống Donald Trump và chính phủ Mỹ cáo buộc Huawei hỗ trợ chính phủ Trung Quốc làm gián điệp, đe dọa an ninh quốc gia Mỹ. Huawei nhiều lần phủ nhận các cáo buộc này.

Tích cực trên cả hai mặt trận chính trị và truyền thông

Sau khi được Huawei thuê, ông Esposito đi vận động hành lang ở Nhà Trắng, Bộ Thương mại và Cục Công nghiệp và An ninh (thuộc Bộ Thương mại Mỹ), đây là cơ quan quản lí danh sách cấm các tổ chức bị coi là đe dọa tới an ninh quốc gia Mỹ như Huawei.

Bloomberg đã liên lạc với Huawei và ông Esposito nhưng chưa nhận được phản hồi.

Ngoài vận động hành lang, Huawei còn thực hiện các hoạt động pháp lí và quan hệ công chúng để chống lại lệnh cấm trên. Trong mấy tháng qua, đại gia công nghệ Trung Quốc này đã trở nên cởi mở hơn với báo chí rất nhiều, thường xuyên mời phóng viên của các cơ quan thông tấn lớn trên thế giới tới thăm trụ sở của mình ở thành phố Thẩm Quyến.

Bị ông Trump cấm vận, Huawei tăng 60 lần chi tiêu cho vận động hành lang ở Mỹ lên 1,8 tỉ USD - Ảnh 2.

Khu nghiên cứu Oxhorn mang phong cách châu Âu của Huawei nhìn từ trên cao. Ảnh: Getty Images.

Người sáng lập kiêm CEO 74 tuổi Nhậm Chính Phi của Huawei sau nhiều năm "ẩn dật" cũng xuất đầu lộ diện và trả lời nhiều cuộc phỏng vấn của các hãng tin lớn như CNBC, Bloomberg, The Economist, Time, …

Tuần trước, Huawei còn tổ chức một buổi chiêu đãi nhà báo tại quán bar trên tầng thượng một khách sạn sang trọng trong thời gian diễn ra cuộc họp của Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Theo Bloomberg, trong dịp này, các nhà báo tha hồ thưởng thức các món tôm tẩm bột rán (tempura), bánh cua, thịt xông khói cũng như ngắm cảnh Tượng đài Washington và tòa nhà Bộ Thương mại Mỹ ở phía xa. 

Tham dự buổi chiêu đãi và trò chuyện với các nhà báo có nhiều lãnh đạo của Huawei, trong đó có Andy Purdy – một cựu quan chức an ninh thuộc Bộ An ninh nội địa Mỹ dưới thời Tổng thống Bush.

Các khách mời sau đó nhận được một túi vải đựng bộ sưu tập các cuộc phỏng vấn Nhà sáng lập Nhậm Chính Phi.

Huawei (67)

Một cửa hàng bán sản phẩm Huawei ở Việt Nam. Ảnh: Kiên Dương.

Doanh nghiệp Mỹ cũng vận động hành lang bênh vực Huawei

Năm 2018, Huawei có doanh thu 105 tỉ USD và chi 70 tỉ USD để nhập các linh kiện công nghệ, khiến tập đoàn Trung Quốc này trở thành một trong những khách hàng lớn nhất của nhiều doanh nghiệp công nghệ Mỹ.

Vì vậy, lệnh cấm bán sản phẩm, dịch vụ cho Huawei mà chính phủ Mỹ đưa ra không chỉ gây hại cho Huawei mà còn làm các doanh nghiệp Mỹ chịu ảnh hưởng.

Tháng 7 năm nay, Bloomberg cho biết các doanh nghiệp bán dẫn của Mỹ đã tổ chức nhiều buổi gặp cấp cao cũng như gửi một bức thư lên Bộ Thương mại Mỹ. 

Cụ thể, các doanh nghiệp này cho rằng những hành động chống lại Huawei nên có tính chọn lọc thay vì áp một lệnh cấm toàn diện như chính quyền của Tổng thống Trump làm hồi giữa tháng 5. 

Các biện pháp chọn lọc này bao gồm xác định cụ thể những loại công nghệ nào mà Huawei không được phép tiếp cận và rồi cho phép doanh nghiệp Mỹ cung cấp các công nghệ còn lại.

Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Mỹ (SIA) – một tổ chức đại diện quyền lợi của các doanh nghiệp như Intel, Broadcom và Qualcomm đã gửi thư tới chính quyền Tổng thống Trump, cho rằng lệnh cấm đang áp lên Huawei sẽ khiến các công ty Mỹ bị coi là đối tác không đáng tin cậy và do vậy gặp khó khăn nghiêm trọng khi cạnh tranh trên trường quốc tế.

SIA còn cho rằng lệnh cấm sẽ khiến cho các thành viên của hiệp hội có nguy cơ bị mất đi thị trường lớn nhất của mình, làm giảm khả năng đầu tư của các doanh nghiệp. Đồng thời, trong nhiều trường hợp Huawei có thể kiếm được các sản phẩm cần thiết từ những nguồn khác.

Bị ông Trump cấm vận, Huawei tăng 60 lần chi tiêu cho vận động hành lang ở Mỹ lên 1,8 tỉ USD - Ảnh 5.

Nhu cầu chip khổng lồ của Trung Quốc. Nguồn: Bloomberg/Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

"Các lệnh cấm có phạm vi quá rộng không chỉ cản trở hoạt động kinh doanh của công ty bán dẫn Mỹ trên thế giới, mà còn khiến các công ty Mỹ bị coi là nhiều rủi ro và không đáng tin cậy. Do đó, các lệnh cấm này đe dọa sự thành công của toàn ngành công nghệ Mỹ và ảnh hưởng tới an ninh quốc gia của chúng ta", Bloomberg dẫn lời bức thư SIA gửi chính phủ Mỹ cho hay.

Theo CNBC, trong số 70 tỉ USD mà Huawei chi ra để mua linh kiện năm ngoái có 11 tỉ USD là dành cho các doanh nghiệp Mỹ như Qualcomm, Intel hay Micron Technology.

Các doanh nghiệp sản xuất chip này cho rằng việc Huawei sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tiêu dùng như smartphone sử dụng các linh kiện sẵn có trên thế giới và ít có khả năng đe dọa an ninh quốc gia Mỹ giống như công nghệ 5G.

Do vậy, cấm doanh nghiệp Mỹ bán linh kiện cho Huawei sẽ chỉ khiến do phía Mỹ mất nguồn doanh thu chứ ít có tác động đến Huawei.

"Vấn đề ở đây không phải là làm sao để giúp Huawei mà là làm sao để không gây thiệt hại cho doanh nghiệp Mỹ", CNBC dẫn nguồn tin thân cận cho biết.

Chính quyền Tổng thống Donald Trump từng ra tín hiệu sẽ cấp phép cho doanh nghiệp Mỹ bán một số sản phẩm nhất định cho Huawei. Đến nay đã có ít nhất 130 doanh nghiệp Mỹ xin cấp phép nhưng chưa ai được duyệt.

Song Ngọc, Đức Quyền