|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Huawei đang đàm phán để cấp giấy phép 5G cho doanh nghiệp Mỹ, ông Trump bị dồn vào thế khó?

17:47 | 20/10/2019
Chia sẻ
Huawei hiện nay đang muốn cấp phép cho doanh nghiệp Mỹ sử dụng công nghệ 5G do mình phát triển. Chính sách này có vẻ như là nỗ lực để cải thiện quan hệ với chính quyền Tổng thống Donald Trump nhưng đồng thời cũng ẩn chứa nhiều toan tính của đại gia công nghệ Trung Quốc.

Hãng tin Reuters dẫn lời ông Vincent Pang – Phó Giám đốc cao cấp của Huawei cho biết một số doanh nghiệp Mỹ đã bày tỏ quan tâm đến việc được cấp phép dùng công nghệ 5G của Huawei trong thời gian dài hoặc trả phí một lần để sử dụng vĩnh viễn. Tuy nhiên ông Pang không nêu rõ số lượng hay tên của doanh nghiệp Mỹ cụ thể.

Trong một chuyến công tác tại Washington, ông Pang nói: "Một số doanh nghiệp đang đàm phán với chúng tôi nhưng quá trình sẽ mất nhiều thời gian để hoàn tất. Các doanh nghiệp này đều tỏ ra rất quan tâm".

Ông cho biết thêm rằng các cuộc đàm phán này mới diễn ra trong vài tuần gần đây và chưa đi sâu vào chi tiết.

Ông không dự đoán liệu có thỏa thuận nào sẽ được kí kết hay không nhưng ông cũng lưu ý rằng cho dù trả tiền nhận chuyển giao một lần thì chi phí nghiên cứu và phát triển (R&D) để liên tục cải thiện nền tảng 5G cũng sẽ rất tốn kém cho các doanh nghiệp.

Khi trả lời phỏng vấn tờ The Economist hồi tháng 9, nhà sáng lập và CEO của Huawei là Nhậm Chính Phi đã cho biết ông sẵn sàng cung cấp cho người mua quyền sử dụng vĩnh viễn các bằng sáng chế, giấy phép, mã nguồn, bản thiết kế kĩ thuật và bí quyết sản xuất công nghệ 5G của Huawei mà chỉ cần trả khoản phí một lần. 

Sau đó, Huawei cũng chính thức xác nhận phát biểu của ông Nhậm. Bên tiếp nhận công nghệ 5G của Huawei sẽ được phép sửa đổi mã nguồn, tức là về mặt lí thuyết, cả Huawei lẫn chính phủ Trung Quốc đều không thể kiểm soát những cơ sở hạ tầng viễn thông được bên tiếp nhận công nghệ phát triển nên.

Chưa kể, việc cung cấp bản thiết kế và mã nguồn sẽ cho phép bên tiếp nhận nghiên cứu tỉ mỉ để xác minh xem thiết bị của Huawei có cài cắm "cửa sau" để đánh cắp thông tin theo cáo buộc của chính phủ Mỹ hay không.

Chính phủ Mỹ cho rằng quân đội mạng lưới tình báo Trung Quốc đang lợi dụng thiết bị viễn thông của Huawei để thực hiện hoạt động gián điệp, đánh cắp bí mật quốc gia từ Mỹ cũng như các nước khác.

Vì vậy Mỹ đã cấm các cơ quan chính phủ sử dụng thiết bị Huawei, cấm doanh nghiệp trong nước cung cấp linh kiện hay sản phẩm phần mềm cho Huawei. Mỹ còn đang chuẩn bị qui định cấm hoàn toàn sản phẩm Huawei trong hệ thống viễn thông Mỹ, buộc những nhà mạng nào đang dùng thiết bị Huawei phải thay bằng thiết bị của doanh nghiệp khác.

Những chính sách này khiến đại gia công nghệ của Trung Quốc gặp nhiều khó khăn trong sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm.

Ngoài ra, Mỹ còn ra sức vận động để các quốc gia khác cũng cấm Huawei tham gia phát triển mạng 5G của nước mình. Mỹ còn đe dọa sẽ không chia sẻ tin tức tình báo cho nước nào dùng thiết bị Huawei trong mạng viễn thông.

Mặc dù vậy, một số quốc gia như Đức mới đây vẫn kiên quyết không loại Huawei ra khỏi quá trình đấu thầu cung cấp thiết bị 5G.

Huawei (73)

Một cửa hàng Huawei dịp cuối tuần. Ảnh: Kiên Dương.

"Có mã nguồn cũng chưa thể yên tâm với Huawei"

Trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters, một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ tỏ ra nghi ngờ về dụng ý của Huawei khi hãng này muốn chuyển giao công nghệ 5G cho doanh nghiệp Mỹ:

"Trong thực tế, các nhà mạng không thể cứ tiếp nhận thiết bị rồi tự mình quản lí tất cả phần cứng và phần mềm được. Nếu các phần mềm ban đầu được cố tình cài các lỗ hổng, sẽ không có cách nào để phát hiện chắc chắn được. Cho dù mã nguồn có được chuyển giao cho nhà mạng thì lỗ hổng đó cũng có thể được kích hoạt bất cứ lúc nào".

Huawei là doanh nghiệp đi đầu trong cung cấp thiết bị 5G toàn cầu với 28% thị phần, bỏ xa các đối thủ đứng sau là Nokia và Ericsson của châu Âu. Giá thiết bị của Huawei hiện cũng được cho là rẻ nhất thế giới. Nước Mỹ hiện không có doanh nghiệp nào có khả năng xây dựng mạng 5G.

Vì vậy, mặc dù Mỹ cố sức thuyết phục nước khác không dùng sản phẩm Huawei nhưng Mỹ cũng không thể giới thiệu một doanh nghiệp nào của mình để thay thế. Mới đây, Financial Times còn dẫn thông tin cho biết Mỹ đang xem xét rót tiền cho Nokia và Ericsson để những đối thủ này cạnh tranh tốt hơn với Huawei trong các hợp đồng phát triển mạng 5G.

Chính phủ Mỹ cho rằng sở dĩ sản phẩm của Huawei tốt hơn và có giá rẻ hơn hẳn các đối thủ là do tập đoàn này được trợ cấp lớn từ chính phủ Trung Quốc.

Về phần mình, Huawei phủ nhận mọi cáo buộc liên quan đến tình báo, gián điệp, ăn cắp bí mật thương mại mà Mỹ đưa ra. CEO Nhậm Chính Phi từng nhiều lần khẳng định chính phủ và quân đội Trung Quốc chưa bao giờ yêu cầu Huawei giúp đánh cắp thông tin mật của các nước.

Nói về công nghệ 5G của mình, ông Nhậm khẳng định Huawei đang đi trước các đối thủ 10-20 năm nhờ vào các khoản đầu tư nghiên cứu và phát triển khổng lồ trong nhiều năm liền.

Huawei đang đàm phán để cấp giấy phép 5G cho doanh nghiệp Mỹ, ông Trump bị dồn vào thế khó? - Ảnh 3.

Năm 2018, Huawei chi cho nghiên cứu và phát triển nhiều hơn Microsoft, Apple, Intel. Nguồn: Bloomberg, EqualOcean.

Sẵn sàng chia sẻ công nghệ, Huawei dồn chính quyền Donald Trump vào thế khó?

Mới nghe, đề xuất chia sẻ công nghệ 5G với doanh nghiệp Mỹ mà Huawei đưa ra giống như một nỗ lực nhằm cải thiện mối quan hệ giữa đại gia công nghệ Trung Quốc và chính phủ Mỹ.

Trong công nghệ 5G, Trung Quốc có Huawei, châu Âu có Nokia và Ericsson trong khi Mỹ không có đại diện danh giá nào. Việc Huawei sẵn sàng cấp phép 5G cho doanh nghiệp Mỹ có thể tạo ra một sân chơi bình đẳng trên thị trường 5G toàn cầu.

Các bản thiết kế và mã nguồn được chuyển giao cho phép phía Mỹ tự do đánh giá và điều chỉnh, phát hiện và loại bỏ bất kì điểm yếu nào về an ninh (hay còn gọi là "cửa sau"). Tuy nhiên những toan tính phía sau có thể còn sâu xa và phức tạp hơn rất nhiều.

Thứ nhất, sau khi Huawei đã công khai các bản thiết kế và phần mềm đằng sau công nghệ 5G của mình cho các bên cùng đánh giá và kiểm tra, sẽ không còn ai có thể cáo buộc Huawei giấu các "cửa sau" để đánh cắp thông tin mật được nữa.

Nói cách khác, chính nước Mỹ cũng không thể bỏ qua đề nghị này của Huawei để có thể tự mình nghiên cứu chi tiết các thiết bị Huawei.

Mấu chốt ở đây là Huawei không hẳn đang tìm cách xây dựng quan hệ với chính quyền Tổng thống Trump hay những người phản đối ở Mỹ. Đây là nỗ lực của Huawei nhằm dập tắt một chính sách thù địch mà hãng này cho rằng mang động cơ chính trị chứ không dựa trên các bằng chứng xác thực.

Nếu chính phủ Mỹ thực sự tin vào những cáo buộc của mình, Mỹ sẽ phải chấp nhận lời đề nghị của Huawei để cố tìm ra những chứng cứ xác thực bên trong sản phẩm. Nếu không thì chẳng khác nào Mỹ thừa nhận các cáo buộc ban đầu không liên quan gì tới an ninh hay công nghệ mà chỉ là vì các toan tính chính trị.

Thứ hai, Huawei muốn thông qua đề xuất cấp phép quyền sử dụng công nghệ 5G này để mở rộng mạng lưới hoạt động của mình. Trước đây, công nghệ của Huawei chỉ được sử dụng cho các sản phẩm do chính tập đoàn chế tạo; sắp tới đây, những công nghệ này còn được dùng cho thiết bị của các hãng khác.

Huawei tự hào về thành tựu 5G của bản thân. Hãng này cho rằng nhiều năm đầu tư cho R&D giúp hãng tạo ra công nghệ 5G với chất lượng vượt trội, tính kinh tế của qui mô khổng lồ giúp hãng cung cấp sản phẩm với giá cả cạnh tranh và các biện pháp an ninh nghiêm ngặt giúp cho sản phẩm của mình an toàn hơn.

Một số nhà mạng nhỏ ở khu vực nông thông nước Mỹ có dùng thiết bị Huawei nhưng các tập đoàn lớn thì không

Là doanh nghiệp đứng đầu thế giới về sản xuất thiết bị viễn thông và thứ hai thế giới về sản xuất smartphone, Huawei cho rằng việc Mỹ không tiếp cận công nghệ của hãng này là một sự thiệt thòi và bất lợi cho chính nước Mỹ.

Ngoài lời mời chào cấp phép công nghệ 5G, Huawei có thể sẽ còn đề nghị sử dụng cả hệ điều hành di động HarmoneyOS do hãng này tự phát triển làm lựa chọn thứ ba bên cạnh Android và iOS.

Thứ ba, đây cũng là cơ hội gia tăng doanh thu, tạo thêm lợi nhuận cho Huawei. Đại gia Trung Quốc đã phải chi nhiều tỉ USD và một thập kỉ ròng rã để phát triển công nghệ 5G nên giá nhượng quyền công nghệ này cho doanh nghiệp Mỹ chắc chắn sẽ không rẻ.

Các đối tác quan tâm sẽ phải bỏ ra nhiều tháng để nghiên cứu kĩ lưỡng và chi nhiều tỉ USD rồi mới có thể sử dụng công nghệ 5G của Huawei.

Song Ngọc, Kiên Dương

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.