|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Bệ đỡ quan trọng nhất của nền kinh tế Mỹ sẽ đi về đâu trong năm 2024?

11:24 | 02/01/2024
Chia sẻ
Các tổ chức dự báo cho biết trong năm 2024, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ sẽ tăng lên và hoạt động tuyển dụng sẽ chậm lại - giúp hỗ trợ cho cuộc hạ cánh mềm của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Nhân viên tại một cửa hàng McDonald's. (Ảnh: Getty Images).

Hoạt động tuyển dụng của doanh nghiệp Mỹ và tăng trưởng tiền lương của người lao động đều đã giảm tốc trong những tháng gần đây. Theo Wall Street Journal, đây là dấu hiệu chứng tỏ thị trường việc làm đang chững lại và một số nhà kinh tế dự đoán tỷ lệ thất nghiệp sẽ đi lên trong năm 2024.

Một thị trường việc làm hạ nhiệt nhưng không sụp đổ là điều đáng hoan nghênh vì diễn biến hiện nay vẫn có thể hỗ trợ thu nhập cho các hộ gia đình, đồng thời giúp lạm phát đi xuống. Từ đó, nền kinh tế có thể bước vào quỹ đạo hạ cánh mềm mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hằng mong muốn.

Ông Michael Pugliese, nhà kinh tế cấp cao tại Wells Fargo, nhận xét: “Bạn có thể thấy những vết nứt nhỏ đang hình thành trong thị trường việc làm. Đây có thể là lý do Fed nên tạm ngừng [tăng lãi suất] trong năm 2024”.

Dưới đây là hướng đi của thị trường việc làm trong năm nay, theo phân tích của Wall Street Journal:

 

Xu hướng hạ nhiệt

Thị trường việc làm là trụ cột của nền kinh tế Mỹ trong năm 2023. Hoạt động tuyển dụng và tăng trưởng tiền lương ổn định đã giúp các hộ gia đình vượt qua cơn bão lạm phát cũng như viễn cảnh kinh tế ảm đạm.

Bên cạnh đó, thị trường việc làm cũng không quá nóng với Fed. Các quan chức Fed từng lo ngại rằng nhu cầu hàng hoá, dịch vụ tăng cao, cùng với những hạn chế về nguồn cung lao động, sẽ khiến tiền lương tăng nhanh và thúc đẩy lạm phát.

Một số yếu tố đã kết hợp lại, làm dịu thị trường việc làm đến mức các nhà kinh tế dự đoán việc tuyển dụng sẽ chậm lại đáng kể trong năm nay.

 

Chiến dịch tăng lãi suất của Fed khiến việc đi vay trở nên đắt đỏ hơn, làm chậm một số hoạt động kinh tế. Những lĩnh vực từng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm công nhân nay đã có đủ lao động nên việc tuyển thêm không còn quá cấp thiết.

Nhiều người đã bắt đầu đi tìm việc và số dân nhập cư tăng lên, giúp bổ sung nguồn cung lao động sẵn có.

Đến cuối năm 2023, Wall Street Journal nhận thấy người Mỹ đã hạn chế nhảy việc, trong khi chủ lao động tuyển dụng ít hơn nhưng tỷ lệ sa thải vẫn ở mức thấp. Kết quả là thị trường việc làm đã hạ nhiệt phần nào.  

 

Tuyển dụng tập trung ở một số ngành

Hoạt động tuyển dụng trong những tháng gần đây cũng trở nên tập trung hơn. Chăm sóc sức khoẻ và hỗ trợ xã hội, giải trí và khách sạn, và chính phủ là những ngành tuyển dụng nhiều nhất.

Ngoài các lĩnh vực trên, hoạt động tuyển dụng đã chậm lại đáng kể và trong một số ngành thì doanh nghiệp đã thu hẹp việc tuyển thêm nhân công.

Thị trường việc làm hạ nhiệt đã giúp kìm hãm tốc độ tăng trưởng tiền lương - một yếu tố quan trọng mà Fed luôn phải cân nhắc.

Thu nhập trung bình mỗi giờ của người lao động trong khu vực tư nhân tăng với tốc độ hàng năm gần 6% vào đầu năm 2022 nhưng đã chững về 4% vào giai đoạn cuối năm 2023.

 

Tuy nhiên, áp lực tiền lương có thể vẫn còn quá lớn đối với Fed. Ông Chris Varvares, nhà kinh tế cấp cao tại S&P Global Markets Intelligence, nói mức tăng tiền lương hiện nay chưa phù hợp với mục tiêu lạm phát 2% của Fed.

Điều đó đồng nghĩa rằng tăng trưởng việc làm sẽ cần phải chậm lại hơn nữa để thị trường lao động trở về trạng thái cân bằng tốt hơn.

Theo dự báo của S&P, tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng từ mức 3,7% của tháng 11/2023 (mức cao nhất kể từ cuối năm 2021) lên 4,1%.

 

Nhân viên thời vụ

Một dấu hiệu cảnh báo cho thị trường việc làm Mỹ là hoạt động tuyển dụng nhân viên thời vụ đã có xu hướng đi xuống trong hơn một năm qua.

Nhân viên thời vụ được coi là một chỉ báo sớm cho thị trường việc làm. Họ thường là những người đầu tiên được doanh nghiệp tuyển khi có nhu cầu nhân sự và thường là người đầu tiên bị sa thải khi nền kinh tế suy yếu.

Ông Andy Challenger, Phó Giám đốc tại nền tảng việc làm Challenger, Gray & Christmas, cho hay: “Xu hướng hạ nhiệt đang thể hiện rõ. Chúng tôi dự đoán tình trạng sa thải sẽ tăng cao trong quý đầu tiên và sau đó có thể chững lại hoặc trở nên tồi tệ hơn”.

 

Song, Wall Street Journal nói vẫn có lý do để lạc quan. Thị trường lao động đã hạ nhiệt nhưng tính đến tháng 11/2023, nó vẫn tạo ra việc làm với tốc độ nhanh hơn so với thời điểm trước đại dịch.

Chi tiêu của người tiêu dùng vẫn ổn định, giúp thúc đẩy nhu cầu của nhiều hàng hoá và dịch vụ - và cả lao động. Nhìn chung, doanh nghiệp cũng ngại sa thải công nhân bởi đến gần đây họ vẫn gặp khó khăn trong việc tìm và giữ chân người làm.

“Tỷ lệ thất nghiệp khó có thể tăng mạnh khi mà các công ty ngại sa thải công nhân”, bà Ellen Zentner, nhà kinh tế trưởng của Morgan Stanley tại thị trường Mỹ, nhấn mạnh.

 “Tình trạng thiếu lao động và chi phí luân chuyển lao động cao trong nhiều năm qua khiến các công ty ngần ngại sa thải công nhân ngay cả khi tăng trưởng kinh tế chậm lại”, bà nói thêm.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Khả Nhân