|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Toàn cảnh thế giới năm 2023: Từ nắng nóng khô hạn, xung đột leo thang đến tín hiệu tích cực từ Fed

10:54 | 27/12/2023
Chia sẻ
2023 có thể được coi là năm chứng kiến nhiều biến động và xáo trộn trên loạt phương diện từ địa chính trị cho đến kinh tế. Trong khi xung đột leo thang ở Trung Đông và gây thêm bất ổn, chiến dịch tăng lãi suất của Fed có vẻ đã đến hồi kết, mang lại tia sáng cho nền kinh tế toàn cầu năm 2024.

10. Năm nóng nhất trong 125.000 năm

Ngày 8/11, Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus (C3S) thuộc Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo năm 2023 “gần như chắc chắn” sẽ là năm ấm nhất trong 125.000 năm qua.

Ngày 6/7/2023 là ngày ấm nhất được ghi nhận trên toàn thế giới, khi nhiệt độ không khí bề mặt trung bình là 17,08 độ C. Ngoài ra, 21 ngày ấm nhất kể từ khi C3S bắt đầu thu thập dữ liệu vào năm 1940 đến nay đều nằm trong tháng 7/2023.

 

Nắng nóng là hậu quả của biến đổi khí hậu. Trong năm nay, biến đổi khí hậu đã thúc đẩy nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt làm hàng nghìn người thiệt mạng ở Libya, cháy rừng nghiêm trọng ở Canada,...

An ninh lương thực cũng trở thành một vấn đề cấp thiết, vì sản lượng ngũ cốc và hoa màu của một số cường quốc nông nghiệp đã giảm do tác động của biến đổi khí hậu, dẫn đến các hạn chế xuất khẩu.

Đơn cử như vào cuối tháng 7, Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới - đã dừng bán ra bên ngoài các loại gạo không phải là basmati. Động thái này gây hỗn loạn trên thị trường gạo quốc tế trong nhiều tháng qua.

Ở diễn biến khác, ngày 13/12/2023 đánh dấu một bước tiến lớn cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Hội nghị COP28 tại Dubai đã đạt được thoả thuận lịch sử khi lần đầu tiên nội dung cắt giảm sử dụng nhiên liệu hoá thạch xuất hiện trong tuyên bố chung.

9. Chiến sự lan đến Trung Đông

Năm nay, cuộc phản công của Ukraine không đạt được bước tiến như kỳ vọng dù nước này nhận được nhiều hỗ trợ của Mỹ và đồng minh. Các nỗ lực cho một giải pháp hoà bình cũng không thành công. Cuộc chiến đã gần hai năm giữa Ukraine và Nga chưa biết đến khi nào sẽ kết thúc.

Giữa lúc châu Âu vẫn đang rối ren, một chảo lửa khác đã xuất hiện. Ngày 7/10, lực lượng Hamas bất ngờ bắn loạt tên lửa từ dải Gaza sang Israel. Israel tung đòn đáp trả vào các mục tiêu trên dải Gaza, sau đó thực hiện một cuộc tấn công trên bộ với quy mô lớn vào khu vực này.

 

Những toà nhà chìm trong đống đổ nát ở dải Gaza. (Ảnh: Reuters).

Cuộc chiến làm rung chuyển Trung Đông. Israel cho biết Hamas đã giết hại khoảng 1.200 người Israel. Trong khi đó, ngày 21/12, cơ quan y tế Gaza cho biết số người thiệt mạng ở đây đã vượt quá 20.000 người.

Khoảng 1,9 triệu người Palestine (hơn 85% dân số Gaza) và khoảng 500.000 người Israel đã phải di tản, theo báo cáo vào đầu tháng 12 của Liên Hợp Quốc.

Triển vọng về một giải pháp hoà bình khá mờ mịt. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khẳng định một trong các điều kiện tiên quyết để đình chiến là Hamas phải bị tiêu diệt.

Năm 2023 sắp kết thúc thì phiến quân Houthi bất ngờ tấn công tàu biển đi qua Biển Đỏ. Hàng chục hãng vận tải thông báo tạm ngừng dịch vụ, tàu chở dầu và hàng hoá buộc phải đi vòng qua châu Phi để tránh nguy hiểm.

Giá cước vận tải biển và hàng không đều tăng chóng mặt, đe doạ chuỗi cung ứng toàn cầu và triển vọng lạm phát năm 2024.

8. Căng thẳng Mỹ - Trung

Đầu năm 2023, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc dường như đã dịu bớt. Tháng 11 năm trước, Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình đã có cuộc gặp tích cực bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali.

Song, quả khinh khí cầu Trung Quốc xuất hiện trên bầu trời Mỹ vào đầu tháng 2 khiến tình hình xáo trộn. Các nhà lập pháp Mỹ lo sợ khinh khí cầu này là công cụ do thám, trong khi Bắc Kinh khẳng định đây là khinh khí cầu theo dõi thời tiết.

Căng thẳng leo thang, chuyến thăm của Ngoại trưởng Antony Blinken đến Bắc Kinh phải dời đến tháng 6. Cuộc đối thoại “mang tính xây dựng” giữa hai bên không thể ngăn Washington áp thêm hạn chế đối với chip bán dẫn tiên tiến xuất sang Trung Quốc.

Hai nhà lãnh đạo cấp cao gặp nhau lần nữa bên lề diễn đàn APEC 2023 tại San Francisco vào tháng 11. Tại đây, ông Biden và người đồng cấp đã phát đi một số tín hiệu tích cực cho mối quan hệ song phương.

Chia sẻ tại đầu cuộc gặp, ông Biden nhấn mạnh: “Chúng ta phải đảm bảo rằng cạnh tranh không biến thành xung đột”. Đáp lại, ông Tập nói: “Trái đất đủ lớn để hai nước cùng thành công”.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Tập Cận Bình bắt tay tại cuộc gặp bên lề hội nghị APEC 2023. (Ảnh: Getty Images).

7. Ấn Độ vượt Trung Quốc thành nước đông dân nhất thế giới

Năm 2023, với hơn 1,43 tỷ người, Ấn Độ đã chính thức trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới. Trung Quốc lùi về vị trí thứ hai với hơn 1,4 tỷ dân, chấm dứt danh hiệu nắm giữ trong hơn 70 năm.

Dân số Trung Quốc đang vừa sụt giảm vừa già hoá. Ủy ban Phát triển Kinh tế (CED) dự đoán dân số Trung Quốc sẽ sụt 100 triệu người vào giữa thế kỷ này. Cùng lúc, độ tuổi trung vị sẽ tăng từ 39 lên 51.

Trong khi đó, dân số Ấn Độ được kỳ vọng sẽ đạt gần 1,7 tỷ người vào giữa thế kỷ này, với độ tuổi trung vị là 39.

Các quốc gia có dân số trẻ và trong xu hướng tăng thường có lực lượng lao động năng động hơn, tiêu dùng mạnh mẽ hơn và kết quả là tốc độ tăng trưởng GDP cũng cao hơn.

Các chuyên gia cho rằng Ấn Độ sẽ sớm được hưởng lợi từ “lợi tức dân số”. Nếu vậy, cán cân quyền lực tại châu Á có thể sẽ thay đổi trong tương lai.

 

6. AI gây sốt

2023 là năm mà nhiều người bắt đầu hiểu trí tuệ nhân tạo (AI) thực sự là gì. Sau màn ra mắt của chatbot ChatGPT vào tháng 11 năm ngoái, OpenAI dần được nhiều người biết đến và được coi là cái tên tiên phong trong lĩnh vực này.

AI trở thành mảnh đất màu mỡ cho các ông lớn. Microsoft đầu tư hàng tỷ USD cho Open AI, Meta rót tiền vào nghiên cứu và Google cũng nhanh chóng ra mắt chatbot Bard.

Tổng vốn đầu tư của doanh nghiệp toàn cầu vào AI đạt gần 92 tỷ USD vào năm 2022, tăng gấp 7 lần so với năm 2015. Goldman Sachs ước tính đầu tư có thể chạm mốc 200 tỷ USD vào năm 2025.

Doanh thu từ thị trường AI ước tính đạt 433 tỷ USD vào năm 2022 và nhiều khả năng sẽ tăng lên mức 500 tỷ USD vào năm 2023.

 

Trên thị trường chứng khoán Mỹ, lĩnh vực công nghệ - dẫn đầu là bộ 7 quyền lực gồm Alphabet, Amazon, Apple, Meta, Microsoft, Nvidia và Tesla - đóng vai trò dẫn dắt trong năm nay.

Tính từ đầu năm đến phiên 22/12, chỉ số Nasdaq 100 tăng hơn 54%, vượt qua con số 24% của S&P 500. Riêng Nvidia, gã khổng lồ đứng đầu sau những con chip mạnh mẽ phục vụ cho lĩnh vực AI, nhảy vọt hơn 241%.

5. Bitcoin phục hồi ấn tượng

Bitcoin đã tăng hơn 157% trong năm nay và một số chuyên gia kỳ vọng đồng tiền ảo lớn nhất thế giới có thể sẽ vọt lên 100.000 USD vào năm 2024.

Kể từ khi đạt mức đỉnh lịch sử gần 69.000 USD vào tháng 11/2021, bitcoin và thị trường tiền ảo đã bị ảnh hưởng bởi một loạt sự kiện tiêu cực, bao gồm những sai phạm ở hai sàn giao dịch lớn nhất là FTX và Binance.

Phần lớn mức tăng của bitcoin trong năm nay đến vào cuối năm, khi khả năng Mỹ cho phép thành lập một quỹ ETF bitcoin giao ngay cùng những hy vọng về chính sách tiền tệ nới lỏng đã tiếp thêm động lực cho nhà đầu tư.

Yếu tố khác giúp thúc đẩy giá bitcoin là sự kiện phân đôi (halving) diễn ra 4 năm một lần. Đợt phân đôi tiếp theo sẽ đến vào tháng 5/2024.

4. Sự xuất hiện của các xu hướng thương mại mới

Trong vài năm qua, sự xuất hiện của đại dịch COVID-19 cùng các căng thẳng địa chính trị và sự chững lại của nền kinh tế đã tác động đến bức tranh thương mại quốc tế.

Toàn cầu hoá đang dần biến đổi thành những xu hướng mới, từ đó tạo ra những trung tâm sản xuất mới bên cạnh Trung Quốc.

Nổi bật nhất là các xu hướng đa dạng hoá, reshoring (quá trình đưa hoạt động sản xuất trở lại quê nhà của doanh nghiệp), nearshoring (đưa dây chuyền sản xuất về gần thị trường tiêu thụ) và friendshoring (đem chuỗi cung ứng đến các nước được xem là an toàn hoặc ít rủi ro về kinh tế và chính trị).

Một ví dụ cho chuyển động trong hoạt động thương mại là việc ông lớn Samsung của Hàn Quốc ngừng sản xuất smartphone, TV và PC tại Trung Quốc vào năm 2019 - 2020, sau đó chuyển dây chuyền sang Việt Nam.

Apple đã chuyển một phần dây chuyền lắp ráp iPhone từ Trung Quốc sang Ấn Độ. Năm 2022, chỉ 5% iPhone được sản xuất bên ngoài Trung Quốc nhưng JPMorgan dự đoán tỷ lệ này sẽ tăng lên 25% vào năm 2025.

 

3. Mỹ thoát vỡ nợ nhưng rủi ro tài khoá chưa dứt

Đầu tháng 6, Tổng thống Biden chính thức ký ban hành đạo luật đình chỉ trần nợ 31.400 tỷ USD trong hai năm, đến ngày 1/1/2025. Thị trường tài chính vỡ oà khi Mỹ thoát cảnh vỡ nợ.

Đến cuối tháng 9, nhà đầu tư lại lo lắng khi chính phủ Mỹ đứng trước nguy cơ đóng cửa vì cạn ngân sách. May thay, trong đêm 30/9, Quốc hội và ông Biden đã hành động kịp lúc, giúp Mỹ tạm gác một mối lo.

Tuy nhiên, sang đầu tháng 11, Moody’s Investors Service đã hạ đánh giá triển vọng nợ công của Mỹ từ ổn định xuống tiêu cực, dù vẫn giữ xếp hạng tín nhiệm ở mức cao nhất là AAA.

Moody’s nhận định rủi ro đối với sức mạnh tài khoá của Mỹ đã gia tăng và “sức mạnh tín dụng đặc biệt của Mỹ có thể sẽ không bù đắp được hoàn toàn rủi ro”.

Với cùng lý do, Fitch Ratinsg hạ xếp hạng tín nhiệm từ AAA xuống AA+ vào đầu năm nay, trong khi S&P có động thái tương tự vào năm 2011.

Rắc rối bắt nguồn từ việc chính phủ liên bang chi nhiều hơn số tiền kiếm được, dẫn đến thâm hụt ngân sách. Để bù đắp thâm hụt và có thêm tiền chi tiêu, Mỹ phải vay nợ.

Theo dữ liệu của Bộ Tài chính, nợ công của Mỹ đã tăng nhanh từ 269 tỷ USD vào tháng 6/1946 lên con số kỷ lục 33.700 tỷ USD vào tháng 9/2023.

Lần tới khi Mỹ cận kề vỡ nợ, Quốc hội nhiều khả năng sẽ can thiệp nhưng trừ khi chính phủ nỗ lực giảm thâm hụt, sức mạnh tài khoá của Mỹ và sức khoẻ của hệ thống tài chính toàn cầu vẫn sẽ bấp bênh.

 

2. Kinh tế Trung Quốc không phục hồi như kỳ vọng

Trung Quốc loại bỏ chính sách Zero COVID từ đầu năm. Kể từ đó, quá trình phục hồi của nền kinh tế tỷ dân tưởng sẽ mạnh mẽ lại ngày càng mất đà.

Đầu tư, chi tiêu tiêu dùng và xuất khẩu đều chậm lại so với một năm trước, có tháng còn tăng trưởng âm. Cuộc khủng hoảng của thị trường địa ốc chưa có dấu hiệu chấm dứt, giá nhà mới ở các thành phố trọng điểm giảm 0,7% so với cùng kỳ vào tháng 11.

Vào tháng 7, Trung Quốc đã đi ngược xu hướng toàn cầu khi rơi vào tình trạng giảm phát. Đến tháng 11, CPI sụt 0,5% so với cùng kỳ, đánh dấu mức giảm mạnh nhất trong ba năm.

IMF dự đoán nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 5,4% trong năm 2023 nhưng sẽ chậm lại vào năm tới do bị đè nặng bởi những vấn đề mang tính cơ cấu như khối nợ lớn và dân số già.

Triển vọng 2024 của nền kinh tế này vẫn là một ẩn số, vì Bắc Kinh chưa phát tín hiệu sẽ tung ra một gói kích thích tài khoá hay nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ.

 

1. Fed sắp hạ lãi suất, mở đường cho cuộc cánh mềm

Kể từ năm ngoái, cùng với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng Trung ương Anh (BoE),..., Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng mạnh lãi suất để khống chế lạm phát, khiến nhiều người lo sợ suy thoái kinh tế sẽ ập đến.

Tại cuộc họp chính sách cuối cùng của năm 2023, Fed đã phát tín hiệu sẽ hạ lãi suất ít nhất 3 lần vào năm 2024 (mỗi lần giả định 25 điểm cơ bản), sau đó thêm 4 lần vào năm 2025 và 3 lần khác vào năm 2026.

Chi phí đi vay liên ngân hàng tại Mỹ dự kiến sẽ giảm từ phạm vi hiện tại 5,25 - 5,5% xuống còn 2 - 2,25%, gần bằng với triển vọng lãi suất trong dài hạn.

Chủ tịch Jerome Powell và các đồng nghiệp có thể đảo chiều chính sách là nhờ lạm phát đang lùi dần về mức mục tiêu 2%. Vào tháng 11, lạm phát tính theo PCEPI lõi (thước đo ưa thích của Fed) là 3,2%.

Mặt khác, cung - cầu lao động đang tái cân bằng sau giai đoạn lệch pha trong đại dịch. Fed dự đoán tỷ lệ thất nghiệp sẽ nhích từ mức 3,7% của tháng 11 lên 3,8% vào cuối năm nay, sau đó leo lên 4,1% vào các năm sau. Các con số này nhìn chung đều khá thấp so với lịch sử.

 

Việc Fed phát tín hiệu nới lỏng chính sách cho thấy ngân hàng trung ương Mỹ sẵn sàng hỗ trợ nền kinh tế. Fed không loại trừ khả năng suy thoái, nhưng rủi ro đã giảm và xác suất hạ cánh mềm nay cũng lớn hơn.

Động thái giảm lãi suất của Fed được kỳ vọng là điểm tựa cho không chỉ nền kinh tế Mỹ mà còn cả thế giới, đồng thời có thể mở đường cho làn sóng nới lỏng tiền tệ trên toàn cầu vào năm 2024.

 

Yên Khê