|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bất mãn với chính sách của ông Trump, nhân viên công nghệ rút tiền túi ủng hộ tổng thống mới

19:51 | 06/07/2020
Chia sẻ
Dưới nhiệm kì của Tổng thống Trump, giá cổ phiếu và lợi nhuận của các ông lớn công nghệ Mỹ tăng mạnh, thậm chí phá kỉ lục. Tuy nhiên, nhân viên ở những công ty này vẫn quyết tâm bỏ tiền túi để thay thế ông Trump bằng một tổng thống khác.
Không bằng lòng vì Mỹ đi sai hướng dưới thời ông Trump, nhân viên công nghệ rút tiền túi thay tổng thống mới - Ảnh 1.

Tổng thống Trump và CEO Tim Cook của Apple trong một chuyến tham quan nhà máy hồi tháng 11/2019. (Ảnh: AFP)

Theo CNBC, giá cổ phiếu và lợi nhuận của ngành công nghệ đang ở vùng đỉnh lịch sử. Đồng thời, nhà sáng lập của các ông lớn công nghệ cũng nằm trong nhóm những người giàu nhất hành tinh.

Tuy nhiên, trong khi phần lớn các công ty công nghệ giá trị nhất thế giới đều mở rộng tầm ảnh hưởng trong gần ba năm rưỡi nhiệm kì tổng thống của ông Trump nhờ các chính sách cắt giảm thuế, nhân viên cũng ở các công ty này lại đang kiên quyết lật đổ ông Trump hơn bao giờ hết.

CNBC dẫn lời bà Misha Chellam cho hay: "Nhiều người kiếm hàng đống tiền tại Thung lũng Silicon trong khi giương mắt nhìn thế giới sụp đổ. Họ chứng kiến cơ ngơi của bản thân tăng lên, còn vận may của đất nước thì đi xuống".

Bà Chellam là cựu nhà sáng lập của một công ty khởi nghiệp và vừa thành lập Hội đồng Công nghệ và Xã hội vào năm ngoái để thúc đẩy các giám đốc công nghệ tham gia vào lĩnh vực chính trị.

Trong nhiều thập kỉ qua, ngành công nghệ Mỹ đang nghiêng dần về phía cánh tả, đặc biệt là tại các khu vực phát triển như Thung lũng Silicon và Seattle. Khi nước Mỹ sắp sửa bỏ phiếu bầu tổng thống mới vào tháng 11 này, tình trạng chênh lệch đảng phái hiện đang lớn hơn bao giờ hết.

Cánh tả (hay tả khuynh) là tư tưởng ủng hộ mở rộng qui mô chính quyền, thành lập thêm các cơ quan nhà nước, ban hành thêm nhiều đạo luật, tăng thu và tăng chi để đảm bảo công bằng bình đẳng xã hội.

Cảnh tả thường ám chỉ Đảng Dân chủ, trong khi cánh hữu có đường lối hoạt động ngược lại và thường chỉ Đảng Cộng hòa.

Theo dữ liệu từ trang web OpenSecrets của tổ chức phi chính phủ Center for Responsive Politics, nhân viên tại 5 công ty công nghệ hàng đầu gồm Apple, Microsoft, Amazon, Alphabet và Facebook cho đến nay đã đóng góp tổng cộng gần 15 triệu USD cho các ứng viên Đảng Dân chủ, trong khi chi chưa đến 3 triệu USD cho Đảng Cộng hòa.

Nói cách khác, Đảng Dân chủ nhận được khoảng 84% tiền đóng góp từ nhân viên các công ty công nghệ, tăng từ mức 68% của năm 2016 và từ mức 79% trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kì của Tổng thống Trump vào năm 2018 (khi Đảng Dân chủ giành lại quyền kiểm soát Hạ viện từ Đảng Cộng hòa).

Theo luật tài trợ chiến dịch tranh cử Mỹ, một cá nhân chỉ có thể đóng góp tối đa 2.800 USD trong một cuộc bầu cử, hoặc 5.600 USD giữa một cuộc bầu cử sơ bộ và tổng tuyển cử.

Cách biệt trong tổng mức đóng góp của ngành công nghệ cho lưỡng đảng Mỹ có thể thu hẹp khi cuộc tổng tuyển cử gần kề. Tuy nhiên, kể từ khi cựu Phó Tổng thống Joe Biden trở thành ứng viên tổng thống tiềm năng của Đảng Dân chủ, tình trạng mất cân bằng ngày càng mở rộng.

Giữa hai ứng viên - ông Trump và ông Biden, cựu Phó Tổng thống Mỹ hiện nhận được đến hơn 92% tiền quyên góp từ các công ty công nghệ lớn, theo OpenSecrets.

Theo CNBC, nhân viên ngành công nghệ không chỉ để mắt tới Nhà Trắng mà còn chi tiền trong cuộc đua vào Thượng viện, mục đích là giúp các nghị sĩ Đảng Dân chủ giành được thêm 4 ghế cần thiết để chiếm đa số tại Thượng viện.

Bà Amy McGrath - người đang tranh cử để lật đổ lãnh đạo phe đa số Thượng viện Mitch McConnell tại bang Kentucky, đang nhận được lượng tiền tài trợ lớn từ ngành công nghệ.

Giá cổ phiếu và lợi nhuận ngành công nghệ liên tục cao trong hơn 3 năm qua

Mối quan hệ đầy biến động của Tổng thống Trump với ngành công nghệ bắt nguồn từ chiến dịch chống dân nhập cư và nỗ lực cấm du khách theo đạo Hồi ngay sau khi ông nhậm chức vào năm 2017.

Năm đó, ông Trump cũng từ chối xử lí chủ nghĩa thượng đẳng da trắng sau cuộc biểu tình bạo lực tại thành phố Charlottesville (bang Virginia). Ngoài ra, ông chủ Nhà Trắng đưa nước Mỹ rút ra khỏi hiệp định Paris về khí hậu.

Đồng thời, cuộc chiến thương mại không nhất quán của ông Trump với Trung Quốc cũng khiến ngành công nghệ không không mấy hảo cảm với ông, lí do là ngành này thường hưởng lợi từ mối quan hệ thương mại lành mạnh và ổn định với Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Tuy nhiên, nhiệm kì của Tổng thống Trump cũng trùng hợp với thành tích kinh doanh đáng nể của các ông lớn ngành công nghệ.

Không bằng lòng vì Mỹ đi sai hướng dưới thời ông Trump, nhân viên công nghệ rút tiền túi thay tổng thống mới - Ảnh 3.

Apple, Microsoft và Amazon đã vượt ngưỡng 1.000 tỉ USD vốn hóa, Alphabet cũng vừa đạt ngưỡng này khi kết phiên giao dịch hôm 2/7 và Facebook về hạng 5 với hơn 600 tỉ USD vốn hóa. Không công ty đại chúng nào ở Mỹ vượt qua 5 ông lớn công nghệ trên về giá trị vốn hóa.

Ngoài ra, giá cổ phiếu của các gã khổng lồ công nghệ này cũng tăng sốc từ 79% (Alphabet) đến 257% (Amazon) trong nhiệm kì tổng thống của ông Trump.

Năm 2018, các giám đốc công nghệ đã ca ngợi chính quyền ông Trump vì chính sách giảm thuế đối với dòng tiền hồi hương, cho phép họ mang hàng trăm tỉ USD về nước về nước và mở đường thúc đẩy các kế hoạch M&A giá trị lớn. Ông Trump cũng giảm thuế suất doanh nghiệp, giúp lợi nhuận của các công ty tăng lên.

Các qui định của chính quyền ông Trump cũng không quá hà khắc. Lời đe dọa kiểm soát các công ty công nghệ lớn đã xuất hiện từ tháng 7 năm ngoái khi Bộ Tư pháp Mỹ cho biết họ đang thực hiện một cuộc điều tra chống độc quyền qui mô lớn.

Tuy nhiên, các cá nhân tích cực yêu cầu kiểm soát những ông lớn ngành công nghệ nhất lại đến từ phe cánh tả, như Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Elizabeth Warren và Thượng nghị sĩ Bernie Sanders.

Thậm chí, một cuộc khủng hoảng kinh tế cũng không thể cản trợ sự tăng trưởng của ngành công nghệ. Trong khi ngành dịch vụ và khách sạn bị đại dịch COVID-19 nhấn chìm, chỉ số chứng khoán thiên về công nghệ là Nasdaq Composite lại đang giao dịch ở đỉnh lịch sử.

Nhân viên công nghệ vẫn quyết chi tiền túi lật đổ ông Trump

Thu nhập của ông Jonathan Brown - một nhà phát triển ứng dụng di động đã làm việc tại Adobe từ năm 1995, đang rất thuận lợi. Giá cổ phiếu của nhà sản xuất phần mềm này đã tăng 34% trong năm nay và cao gấp 4 lần kể từ khi ông Trump nhậm chức. Hiện tại, giá trị vốn hóa của Adobe đã vượt ngưỡng 200 tỉ USD.

Tuy nhiên, tương tự nhiều đồng nghiệp, ông Brown không hài lòng về hướng đi của nước Mỹ hiện nay.

"Ngay bây giờ, tôi tức giận vì giá cổ phiếu của Adobe đạt mức cao kỉ lục trong khi nền kinh tế Mỹ đang suy thoái nghiêm trọng", CNBC dẫn lời ông Brown cho hay. "Tôi cảm thấy mình có trách nhiệm phải sử dụng một phần tài sản để đưa nền chính trị Mỹ đi đúng hướng".

Lập trình viên Brown chủ yếu tập trung sức lực để ủng hộ các nghị sĩ Đảng Dân chủ theo trường phái tự do trong các cuộc bầu cử sơ bộ nhưng ông chưa quyết định sẽ theo ai trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.

"Đây là năm đầu tiên tôi quan tâm đến việc đóng góp cho các chiến dịch tranh cử chính trị đến như vậy", ông Brown nói. Trước đây, ông thường quyên góp cho các tổ chức phi lợi nhuận hơn.

Tuy nhiên, ngay cả các công ty công nghệ từng nghiêng về cánh hữu hơn nay cũng đã chuyển hướng sang ủng hộ Đảng Dân chủ. Các nhân viên tại Oracle đã gửi 67% tiền đóng góp cho Đảng Dân chủ, tăng từ mức 49% trong năm 2016, dù nhà sáng lập Larry Ellison và CEO Safra Catz là người ủng hộ ông Trump.

Sự thay đổi tại Cisco thậm chí còn rõ ràng hơn, khi Đảng Dân chủ nhận được đến 80% tổng số tiền quyên góp từ nhân viên công ty, tăng từ 36% của 4 năm về trước.

Một giám đốc giấu tên tại một công ty công nghệ tài chính (fintech) ở San Francisco cho biết đại đa số đồng nghiệp của ông đều cảm thấy lo sợ.

Công ty của vị giám đốc trên cũng như toàn ngành fintech tại Mỹ phụ thuộc nhiều vào lao động nhập cư và các chính sách thương mại hợp lí để vận hành hoạt động kinh doanh. Trong số các nhân viên công nghệ của công ty, vị giám đốc cho biết mọi người đang lo ngại Mỹ sẽ mất dần sức hấp dẫn và trở thành một nơi đáng sợ.

Giám đốc của công ty fintech giấu tên đã quyên góp cho ông Biden. Ngoài ra, ông còn gửi tiền cho Dự án Lincohn - một ủy ban hành động chính trị được thành lập nhằm chạy quảng cáo, kêu gọi Đảng Cộng hòa ngăn ông Trump tái đắc cử.

Bà Margaret O'Mara - giáo sư lịch sử tại Đại học Washington, cho rằng ngành công nghệ đang tham gia vào lĩnh vực chính trị tích cực hơn bao giờ hết.

Ngay trước năm 2020, nhân viên tại Google, Microsoft, Amazon và Salesforce đã phản đối các hợp đồng của công ty họ với chính phủ liên bang.

Nhân viên công nghệ cho thấy họ sẵn sàng đánh đổi công việc để đòi hỏi sự minh bạch và trách nhiệm từ chủ doanh nghiệp. Thậm chí, họ tự bỏ tiền túi để ủng hộ nhà lãnh đạo chính trị của mình.

"Đây là một khoảnh khắc lịch sử hoàn toàn khác biệt. Khó ai có thể đứng bên lề phong trào này", bà O'Mara nhận định.

Yên Khê