|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bị hàng loạt mạng xã hội quay lưng, ông Trump đau đầu tìm cách mới để tiếp cận cử tri

16:07 | 06/07/2020
Chia sẻ
Twitter, Reddit và một số mạng xã hội khác đang chống lại hành vi bôi nhọ và các tuyên bố sai lệch của Tổng thống Trump. Do đó, trong tương lai chiến dịch tranh cử của ông Trump phải tìm cách mới để lan tỏa thông điệp của ông đến cử tri.
Bị hàng loạt mạng xã hội quay lưng, ông Trump đau đầu tìm cách mới để tiếp cận cử tri - Ảnh 1.

Theo đưa tin từ The Guardian, người quản lí chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump đã gửi một cảnh báo đến Twitter hồi tháng trước, chỉ vài tuần sau khi công ty mạng xã hội này tiên phong dán nhãn kiểm duyệt các dòng tweet hay gây tranh cãi của ông Trump.

"Này, @twitter, ngày tàn của các người không còn xa đâu", ông Brad Parscale - Giám đốc quản lí chiến dịch tranh cử của ông Trump, cảnh báo trong một dòng tweet có liên kết với một trong các bài đăng của ông này trên mạng xã hội ít người biết đến là Parler.

Tuy nhiên, Twitter dường như không để tâm nhiều đến lời cảnh báo của ông Parscale. Chưa đầy một tuần sau, Twitter đã gỡ một dòng tweet của ông Trump vì cổ súy bạo lực, sau đó gắn thông báo vi phạm lợi ích cộng đồng.

Vài ngày sau, mạng xã hội Reddit đã cấm subreddit (tức mục con) có tên r/The_Donald vì phát ngôn gây thù địch. Lâu nay mục con này thường qui tụ nhiều người hâm mộ ông Trump.

Ngoài ra, nền tảng phát video trực tuyến Twitch cũng tạm thời cấm kênh của Tổng thống Trump do vi phạm chính sách chống "hành vi gây thù hận" của họ.

Ông Trump thường đưa ra bình luận chỉ trích về nhiều vấn đề, đáng chú ý là phản đối phương án bỏ phiếu qua thư hay phong trào đấu tranh đòi công lí cho người da màu "Black Lives Matter", từ đó thu hút ngày càng nhiều tranh cãi.

Vì lí do đó, các công ty mạng xã hội như Twitter phải ra sức hành động chống lại các phát ngôn không phù hợp của ông Trump, khiến ông chủ Nhà Trắng và các cố vấn tấn công, chỉ trích ngược trở lại các gã khổng lồ mạng xã hội này.

Tuy nhiên, điều đó cũng buộc ông Trump và chiến dịch tranh cử phải cân nhắc tìm cách mới để quảng bá thông điệp trước thềm cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 năm nay. Đối với một vị tổng thống lên nắm quyền một phần nhờ vào mạng xã hội như ông Trump thì tình cảnh hiện tại cho thấy vận may của ông đang dần đảo chiều.

Hồi cuối tháng 5, Tổng thống Trump đã kí một sắc lệnh hành pháp nhắm đến các công ty mạng xã hội, vài ngày sau khi Twitter dán nhãn hai dòng tweet về bỏ phiếu qua thư của ông là "không có căn cứ".

Sắc lệnh hành pháp này được đưa ra nhằm loại bỏ "khiên chắn pháp lí" cho các nền tảng mạng xã hội - một điểm gây tranh cãi được qui định trong Đạo luật Truyền thông Đúng đắn năm 1996.

Tuy nhiên, động thái trên dường như không thể ngăn cản các công ty mạng xã hội xử lí những phát ngôn gây thù địch liên quan đến ông Trump.

Snap - công ty đứng sau ứng dụng phổ biến Snapchat, hồi tháng trước tuyên bố sẽ không quảng bá các bài đăng của ông Trump trên kênh Discover vì họ không muốn "phát tán quan điểm kích động bạo lực và bất công chủng tộc bằng cách quảng cáo miễn phí cho những nội dung này trên Discover".

Bị hàng loạt mạng xã hội quay lưng, ông Trump đau đầu tìm cách mới để tiếp cận cử tri - Ảnh 2.

Ngay cả Facebook, ông lớn mạng xã hội khá "khoan dung" với ông Trump, cũng cho biết họ sẽ bắt đầu xóa các bài đăng kích động bạo lực hoặc tìm cách gây áp lực cho việc bỏ phiếu, không ngoại trừ bất kì chính trị gia nào.

Vài ngày sau đó, Facebook đã gỡ bỏ một số quảng cáo từ chiến dịch tranh cử của ông Trump, trong đó có sản phẩm áo phông in hình gần giống với biểu tượng của phát xít Đức. Facebook cho biết quảng cáo này vi phạm chính sách chống "thù ghét có tổ chức" của công ty.

Biểu tượng chính thức của Đảng Phát xít tại Đức giai đoạn 1933-1945 (trái) và áo do chiến dịch tranh cử của ông Trump rao bán (phải). Ảnh: truthout.org.

Theo The Guardian, Facebook đưa ra quyết định trên trong bối cảnh ông lớn mạng xã hội này phải liên tục đối mặt với áp lực từ cả nhân viên và hàng trăm doanh nghiệp lớn nhỏ, buộc Facebook phải xử lí các phát biểu gây thù địch. Đến nay, nhiều nhà phê bình khẳng định những bước đi gần đây của Facebook là chưa đủ để giải quyết vấn đề.

Các nhân viên Facebook đã tổ chức một cuộc đình công ảo vào tháng 6 để phản đối việc công ty từ chối xóa một trong những bài đăng của ông Trump về các cuộc biểu tình chống hành vi tàn bạo của cảnh sát Mỹ thời gian gần đây.

Đồng thời, hơn 300 doanh nghiệp đã tẩy chay quảng cáo trên Facebook để phản đối chính sách của công ty này về các bình luận sai lệch và gây thù địch.

Bị hàng loạt mạng xã hội quay lưng, ông Trump đau đầu tìm cách mới để tiếp cận cử tri - Ảnh 4.

Chiến dịch tranh cử của ông Trump đang xem xét các phương án khác để tiếp cận cử tri. Một số cố vấn và đồng minh của ông Trump hiện đã tham gia Parler - đối thủ của Twitter.

Nhóm vận động tranh cử của Tổng thống Mỹ ngày càng dựa vào ứng dụng điện thoại (app) của riêng dự án để cung cấp tin tức và phương tiện giải trí mới cho các cử tri ủng hộ ông.

"Chúng tôi luôn lo lắng về việc Twitter và Facebook không tiếp tục cung cấp dịch vụ cho chiến dịch tranh cử, cho nên ứng dụng điện thoại này đóng vai trò như phương án dự phòng của chúng tôi", ông Parscale cho hay.

Tuy nhiên, các nền tảng khác không thể tiếp cận được nhiều người dùng như của những gã khổng lồ mạng xã hội Facebook và Twitter, The Guardian cho biết.

Hồi cuối tháng trước, CEO của Parler cho biết số lượng người dùng của mạng xã hội tự do ngôn luận này đã nhanh chóng tăng lên 1,5 triệu. Trong khi đó, Facebook và Twitter lần lượt có 175,4 triệu và 53,5 triệu người dùng tại Mỹ, theo công ty nghiên cứu eMarketer.

Bị hàng loạt mạng xã hội quay lưng, ông Trump đau đầu tìm cách mới để tiếp cận cử tri - Ảnh 5.

Ông David Karpf - giáo sư chuyên ngành truyền thông tại Đại học George Washington, nhận định: "Không mạng xã hội nào có thể thay thế Facebook hay Twitter. Nếu chiến dịch tranh cử của ông Trump chuyển sang dùng các mạng xã hội nhỏ hơn, họ sẽ không tiếp cận được nhiều cử tri".

The Guardian dẫn lời giáo sư Guatam Hans của Trường Luật Vanderbilt nói thêm rằng các công ty mạng xã hội theo đuổi chính sách "không kiểm duyệt" như Parler trong quá khứ đều trở nên hỗn loạn với đủ thứ bạo lực và ngôn ngữ thù địch. Do đó, Parler nhiều khả năng sẽ sớm phát triển chính sách kiểm duyệt nội dung.

"Sau đó, về cơ bản, nhóm vận động tranh cử của ông Trump chắc chắn sẽ quay về Twitter - mạng xã hội mà họ đã dùng trong 4 tháng trước. Khó mà tránh được những vấn đề này", ông Hans nhấn mạnh.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Khả Nhân