|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Báo cáo bền vững (Sustainability report) là gì? Xu hướng sử dụng Báo cáo bền vững trên toàn cầu

14:29 | 20/11/2019
Chia sẻ
Báo cáo bền vững (tiếng Anh: Sustainability report) là thông lệ đo đếm, công bố và chịu trách nhiệm của doanh nghiệp trước các bên liên quan về các hoạt động của mình nhằm hướng tới phát triển bền vững.
business-report-download-lead

Hình minh họa (Nguồn: coca-colacompany.com)

Báo cáo bền vững (Sustainability report)

Khái niệm

Báo cáo bền vững trong tiếng Anh là Sustainability report.

Báo cáo bền vững là thông lệ đo đếm, công bố và chịu trách nhiệm của doanh nghiệp trước các bên liên quan về các hoạt động của mình nhằm hướng tới phát triển bền vững. 

Các doanh nghiệp xây dựng và công bố Báo cáo bền vững, đánh giá và công bố những thông tin về hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp trên các khía cạnh môi trường và xã hội bên cạnh những thông tin về hiệu quả hoạt động tài chính và quản trị vốn là những thông tin vẫn được công bố theo thông lệ. Báo cáo bền vững là cách thức mới để xây dựng và định lượng giá trị của doanh nghiệp.

Ý nghĩa

Hiện nay, các nhà đầu tư trên toàn cầu ngày càng quan tâm tới việc chiến lược quản lí hoạt động bền vững có thể tăng cường tính cạnh tranh và sáng tạo của doanh nghiệp như thế nào. Các chính phủ cũng đang nỗ lực tạo cơ hội và khuyến khích đối với doanh nghiệp có định hướng phát triển bền vững. 

Trong vòng 10 năm trở lại đây, đã có hàng ngàn Báo cáo bền vững được công bố bởi các doanh nghiệp và tổ chức thuộc mọi loại hình, qui mô và lĩnh vực, ở mọi nơi trên toàn cầu. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp quyết định công bố Báo cáo bền vững một cách độc lập hoặc công bố trong báo cáo tài chính thường niên và trên trang web của mình.

Báo cáo bền vững giúp doanh nghiệp và tổ chức công bố thông tin về tính bền vững theo cách tương tự như báo cáo tài chính. Thông qua việc báo cáo một cách minh bạch, có tính giải trình và trách nhiệm, các doanh nghiệp củng cố lòng tin của các bên liên quan vào doanh nghiệp và nền kinh tế. 

Quá trình báo cáo đồng thời thúc đẩy cải tiến nhiều mặt trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Ở mức độ cơ sở, Báo cáo bền vững là công cụ có thể cải thiện khả năng nhận biết của doanh nghiệp về các rủi ro và cơ hội kinh doanh mới. Từ góc độ này, Báo cáo bền vững giúp doanh nghiệp chuẩn bị cho xu hướng phát triển mới, phân cấp trách nhiệm và cải thiện hệ thống quản lí để dần nâng cao hiệu quả hoạt động.

Xu hướng sử dụng Báo cáo bền vững trên toàn cầu

Hiện nay đã có trên 600 doanh nghiệp  từ 65 quốc gia tham gia thực hiện Báo cáo bền vững, trong đó 6 quốc gia có số lượng doanh nghiệp tham gia nhiều nhất là Australia, Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi, Mỹ. Báo cáo bền vững được các doanh nghiệp thực hiện ở các châu lục theo tỉ lệ như sau: nhiều nhất ở Châu Âu (chiếm 45%), sau đó là Châu Á: 18%, Bắc Mỹ: 14%, Mỹ Latinh: 14%, Châu Phi: 5%.

Đã có trên 30 quốc gia đưa ra 142 qui định pháp lí cho Báo cáo bền vững, trong đó 65% các qui định đó mang tính chất bắt buộc, ví dụ như Nam Phi có qui định "KING CODE III", Trung quốc có "Hướng dẫn các Doanh nghiệp Nhà nước thực hiện trách nhiệm xã hội";

Ấn Độ qui định Điều 47 trong Luật công ty Trách nhiệm hữu hạn bắt buộc các công ty tài nguyên thiên nhiên phải ban hành các chương trình trách nhiệm xã hội doanh nghiệp, Bồ Đào Nha áp dụng Chỉ số Bền vững Doanh nghiệp. Trong những năm gần đây Báo cáo bền vững đã trở thành chủ đề quan trọng trong các Chương trình nghị sự về phát triển bền vững của khu vực và thế giới.

Theo Báo cáo Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp toàn cầu năm 2013 của Mạng lưới Hiệp ước toàn cầu của Liên hợp quốc (UNGC) cho biết: 96% giám đốc điều hành (CEO) tin rằng những vấn đề bền vững nên phải được lồng ghép đầy đủ vào trong chiến lược và các hoạt động của công ty;

93% CEO tin rằng những vấn đề bền vững sẽ là then chốt đối với sự thành công của doanh nghiệp trong tương lai; 88% CEO tin rằng nên lồng ghép bền vững thông qua chuỗi cung ứng của họ. 

Khảo sát của Hội đồng doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Thế giới (WBCSD) về hoạt động lập Báo cáo bền vững của các thành viên WBCSD cho thấy: Phần lớn (80%) các thành viên lập Báo cáo bền vững theo một báo cáo riêng biệt, tức là toàn bộ nguồn thông tin về các vấn đề bền vững được trình bày riêng biệt, không chung với bất cứ một báo cáo nào cả;

một phần nhỏ đưa Báo cáo bền vững vào trong Báo cáo lồng ghép hoặc Báo cáo tích hợp; gần 75% Báo cáo bền vững được lập theo đúng hướng dẫn của tổ chức Sáng kiến Báo cáo Toàn cầu.

(Tài liệu tham khảo: Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam)

TH