|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Ấn Độ mua hàng triệu thùng dầu mỗi ngày bằng ruble, sức mạnh của USD suy giảm dần

08:53 | 09/03/2023
Chia sẻ
Lệnh trừng phạt của phương Tây đang buộc Nga và các đối tác phải tìm kiếm phương tiện thanh toán mới thay thế cho USD. Gần đây, hầu hết giao dịch dầu mỏ giữa Nga và Ấn Độ đã không còn dùng đến USD.

Theo Reuters, các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga đang bắt đầu làm suy yếu sự thống trị hàng thập kỷ trong thương mại quốc tế của đồng USD. Hầu hết các hợp đồng mua bán dầu giữa Nga với Ấn Độ - đối tác nhập khẩu hàng đầu - đã không còn sử dụng đến USD.

Hoạt động giao dịch dầu mỏ giữa Nga với Ấn Độ có thể là minh chứng rõ ràng nhất cho xu hướng chuyển dịch sang những đồng tiền thay thế USD nhiều khả năng sẽ duy trì trong dài hạn. Hiện Ấn Độ đang là nhập khẩu dầu lớn thứ ba thế giới, và Nga đã trở thành nhà cung cấp lớn nhất cho New Delhi.

Nga thế chân Arab Saudi và Iraq trở thành nhà cung ứng dầu lớn nhất của Ấn Độ.

Sau khi phương Tây áp giá trần với dầu Nga vào ngày 5/12/2022, khách hàng Ấn Độ đã thanh toán cho hầu hết các lô hàng của Moscow bằng những đồng tiền như dirham UAE, ruble, nguồn tin của Reuters cho hay. Tổng giao dịch trong ba tháng qua tương đương khoảng vài trăm triệu USD.

Trong những tuần gần đây, một số nhà giao dịch có trụ sở tại Dubai và các công ty năng lượng Nga như Gazprom và Rosneft cũng đang tìm cách thanh toán một số loại dầu Nga được bán trên mức trần 60 USD/thùng của G7 và EU. Ba ngân hàng Ấn Độ đã hỗ trợ cho những giao dịch trên, theo nguồn tin của Reuters.

Tuy nhiên, việc thanh toán bằng đồng dirham có thể trở nên khó khăn hơn sau khi Mỹ và Anh đưa MTS - ngân hàng Nga có trụ sở tại Moscow và Abu Dhabi - vào danh sách trừng phạt. Ngân hàng MTS đã hỗ trợ một số khoản thanh toán của Ấn Độ không dùng đến USD.

Nguồn tin của Reuters cũng cho biết: “Các nhà cung cấp Nga sẽ tìm thấy một số ngân hàng khác sẵn sàng nhận thanh toán”.

Một cơ sở khai thác dầu của Nga. (Ảnh: TASS)

Sự thống trị hàng thập kỷ bị suy yếu?

Trả tiền mua dầu bằng đồng USD đã là thông lệ phổ biến trong nhiều thập kỷ. Trong thương mại quốc tế nói chung, tỷ trọng của USD là khoảng 40%.

Ông Daniel Ahn, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Học giả Quốc tế Woodrow Wilson nói rằng sức mạnh của USD là vô song, nhưng các lệnh trừng phạt có thể làm suy yếu hệ thống tài chính phương Tây, trong khi không đạt được mục tiêu.

“Những nỗ lực ngắn hạn của Nga trong việc bán mọi thứ để đổi lấy những tiền tệ khác USD không phải là mối đe dọa thực sự đối với các lệnh trừng phạt”, ông nói.

“[Phương Tây] làm suy yếu khả năng cạnh tranh của các dịch vụ tài chính bằng cách tạo thêm một lớp thủ tục hành chính”, ông cảnh báo.

Đối với các công ty Nga, USD đã trở thành một “tài sản độc hại”, cựu cố vấn Ngân hàng trung ương Nga, bà Alexandra Prokopenko nhận định. 

“Nga rất cần giao dịch với phần còn lại của thế giới vì họ phụ thuộc vào doanh thu dầu khí. Bởi vậy, [Moscow] đang thử tất cả lựa chọn có trong tay”, bà nói. “Nga đang làm việc để xây dựng một cơ sở hạ tầng liên kết trực tiếp các hệ thống ngân hàng Nga và Ấn Độ”.

Ngân hàng trung ương Ấn Độ đã mở tài khoản tại Nga. Tương tự, nhiều ngân hàng Nga đã mở tài khoản tại các ngân hàng Ấn Độ để hỗ trợ hoạt động thương mại.

Phó Giám đốc điều hành IMF, bà Gita Gopinath cho rằng các lệnh trừng phạt đối với Nga có thể làm suy yếu sự thống trị của USD bằng cách khuyến khích các khối thương mại nhỏ hơn sử dụng tiền tệ khác. “Đồng USD vẫn sẽ là tiền tệ quan trọng ngay cả trong bối cảnh đó. Nhưng sự phân mảnh ở cấp độ nhỏ hơn là hoàn toàn có thể”, bà nói.

Ngoài Nga, căng thẳng giữa Trung Quốc và phương Tây cũng đang đe dọa vị thế của USD. Vào tháng 9, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Moscow đã đồng ý bán khí đốt cho Trung Quốc bằng đồng nhân dân tệ và ruble.

Nguồn tin của Reuters cho biết thêm, Ngân hàng trung ương Ấn Độ đang xử lý một phần giao dịch dầu thông qua tài khoản ruble tại Nga. Trong khi đó, những giao dịch bằng đồng dirham được ngân hàng Baroda và ngân hàng Axis xử lý.

Trả lời Reuters, Bộ Tài chính Mỹ nhắc đến khẳng định của Bộ trưởng Janet Yellen: “Tôi không nghĩ USD có bất kỳ sự cạnh tranh nghiêm trọng nào, và sẽ không có trong một thời gian dài”.

Minh Quang