|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nhà kinh tế đạt giải Nobel cũng không hiểu nổi nền kinh tế Mỹ

16:23 | 08/03/2023
Chia sẻ
Nhà kinh tế học đạt giải Nobel Paul Krugman cho rằng Fed không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục tăng lãi suất cho đến khi chắc rằng lạm phát đang quay trở về tầm kiểm soát.

Ông Paul Krugman. (Ảnh: Getty Images). 

Ông Paul Krugman, chủ nhân giải Nobel Kinh tế năm 2008, thừa nhận rằng ông không thể hiểu rõ nền kinh tế Mỹ hiện nay.

Trong bài viết đăng trên tờ New York Times, ông viết: “Chúng ta chưa có bức tranh rõ ràng về lạm phát”. Vị chuyên gia mô tả tình huống hiện nay là “mờ mịt” và “thực sự khó hiểu”.

Tháng 6 năm ngoái, chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu mức tăng lớn nhất trong vòng 40 năm. Lạm phát tăng chóng mặt đã thúc đẩy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhanh chóng nâng lãi suất từ mức gần 0 lên phạm vi 4,5-4,75%.

Lãi suất lên cao khiến chi phí đi vay trở nên đắt đỏ hơn, người dân và doanh nghiệp thường buộc phải tiết kiệm thay vì chi tiêu, đầu tư và tuyển dụng.

Sự suy giảm của các hoạt động trên thường kìm hãm nền kinh tế và kết cục có thể gây ra một cuộc suy thoái. Tuy nhiên, dữ liệu gần đây cho thấy lạm phát vẫn cao, thị trường lao động vẫn mạnh khỏe và tăng trưởng chưa chững lại, tờ Insider cho biết. 

Ông Krugman đã chỉ ra một số lý do khiến các nhà phân tích khó đo lường lạm phát hiện tại. Nền kinh tế Mỹ vẫn đang trải qua một loạt cú sốc, dẫn đến việc giá xe hơi cũ và nhiều mặt hàng khác biến động mạnh. Các thước đo chính thức về giá thuê nhà thường có độ trễ lớn với giá thị trường, có thể là một năm hoặc hơn.

Nhiều nhà kinh tế tự xây dựng thước đo lạm phát lõi thay vì chỉ dựa vào số liệu chính thức, nhưng chúng có thể mang nhiều tính chủ quan hoặc loại bỏ quá nhiều mặt hàng và do đó không thực sự hữu ích.

Vấn đề càng trở nên phức tạp khi ngày càng nhiều doanh nghiệp từ chối tham gia khảo sát của chính phủ. Việc các cơ quan chính phủ điều chỉnh dữ liệu cũ như lạm phát giá tiêu dùng và tiền lương cũng khiến bức tranh tổng quát thêm rối rắm.

Theo ông Krugman, còn một lý do nữa khiến việc đánh giá sức khỏe nền kinh tế trở nên khó khăn. Ông viết: “Lúc này, thước đo chính thức về số vị trí đang tuyển dụng cho thấy thị trường lao động đang rất nóng, nhưng thước đo của khu vực kinh tế tư nhân thì cho thấy sự hạ nhiệt đáng kể”.

Số liệu từ hai công ty tuyển dụng trực tuyến lớn là ZipRecruiter và Recruit Holdings cho thấy vào cuối năm ngoái, số việc làm cần tuyển người đăng trên trang web của họ đã giảm mạnh hơn so với báo cáo của Bộ Lao động Mỹ. 

*Là báo cáo hàng tháng của Cục Thống kê Lao động Mỹ, tính số vị trí đang tuyển dụng và số trường hợp nghỉ việc, bị thôi việc hay nghỉ hưu, v.v... 

Bất chấp những tín hiệu mâu thuẫn trên, ông Krugman cho rằng tốc độ tăng của giá cả đã chậm lại kể từ đầu năm ngoái, dù vẫn cao hơn mục tiêu 2% của Fed.

Ông nói thêm rằng nền kinh tế Mỹ vẫn đang tăng trưởng bất chấp các đợt tăng lãi suất của Fed. Ông không thấy dấu hiệu nào cho thấy lạm phát đã bám rễ vào nền kinh tế sâu đến mức Mỹ phải trải qua một giai đoạn tỷ lệ thất nghiệp cao kéo dài thì mới khống chế được lạm phát

Ông kết luận: “Từ bức tranh trên, tôi thấy Fed sẽ buộc phải tiếp tục tăng lãi suất cho đến khi có bằng chứng đanh thép rằng lạm phát đang quay trở về tầm kiểm soát”.

Nhà kinh tế từng đạt giải Nobel cũng nói rằng mọi người không cần phải lo sợ về chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ của ngân hàng trương ương Mỹ. 

Ông cho hay: “Fed đang từng bước tiến lên phía trước qua đám sương mù dữ liệu dày đặc. Đối với tôi, điều này cho thấy Fed sẽ tránh được những động thái chính sách sai lầm theo bất cứ hướng nào”.

Giang