|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Câu đố khó giải: Nền kinh tế Mỹ và thế giới đang suy thoái, bùng nổ hay tròng trành giữa cả hai?

10:55 | 01/03/2023
Chia sẻ
Cho tới nay, các dự báo nói những nền kinh tế lớn như Mỹ, Anh và châu Âu sẽ sớm rơi vào suy thoái vẫn chưa thành hiện thực. Nhưng một số chuyên gia kinh tế quả quyết rằng suy thoái là điều mà Mỹ không thể tránh khỏi.

Nền kinh tế Mỹ vẫn đang thể hiện sức bền trước lạm phát và các đợt tăng lãi suất của Fed. (Hình minh họa: Financial Times). 

Bí ẩn lớn

Bà Dana Peterson, nhà kinh tế trưởng của The Conference Board, đã rút ra kết luận dứt khoát từ Chỉ số Kinh tế Dẫn dắt (LEI) mà tổ chức nghiên cứu hàng đầu thế giới này xây dựng. Bà nói, suy thoái đã xuất hiện ở Mỹ, hoặc nếu không thì cũng sẽ sớm lộ diện.

Ông Matt Malone, CEO Groundworks, đưa ra nhận xét hoàn toàn khác. Công ty quản lý nước và dịch vụ khu dân cư của ông vẫn ghi nhận doanh thu mạnh mẽ, có hàng trăm vị trí trống cần tuyển gấp và dự đoán người tiêu dùng sẽ tiếp tục sẵn sàng chi tiêu.

Ông Malone nói với tờ Reuters: “Mọi người đã nói về nguy cơ suy thoái suốt vài quý qua. Các dữ liệu về người tiêu dùng đang rất mơ hồ và rối rắm. Nhưng hoạt động kinh doanh của chúng tôi vẫn chưa bị ảnh hưởng gì”.

Sự mâu thuẫn trên chính là bí ẩn của nền kinh tế Mỹ và cả nền kinh tế thế giới, một năm rưỡi sau khi lạm phát phi mã và nhiều tháng trời sau khi các dự báo về suy thoái liên tục được đưa ra.

Các ngân hàng trung ương lớn đã tăng lãi suất với tốc độ mà nhiều nhà kinh tế cho rằng sẽ gây ra chấn động lớn, có thể khống chế được lạm phát nhưng đi kèm với cái giá đắt đỏ.

Lạm phát quả thực đã chậm lại nhưng vẫn chưa đủ để khiến bất kỳ ngân hàng trung ương nào thấy yên tâm. Dữ liệu gần đây cho thấy thành quả của các nhà hoạch định chính sách đang dần mất đi.

Nhu cầu cho hàng hóa và dịch vụ trong các ngành nhạy cảm với lãi suất như nhà ở và công nghệ đã sụt giảm. Nhưng nhiều lĩnh vực khác lại cho thấy sự mạnh mẽ bất ngờ khi người tiêu dùng tiếp tục mở ví chi tiêu.

Thị trường lao động thì sao? Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 1969. So với suy thoái, hiện tại các quan chức Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) còn lo ngại nhiều hơn về những xu hướng như "labor hoarding".

Việc các doanh nghiệp chọn giữ lại nhân viên thay vì sa thải như vậy có thể khiến cho nguồn cung lao động tiếp tục khan hiếm, gây áp lực lên tiền lương và cản trở cuộc chiến chống lạm phát.

Trong cuộc phỏng vấn với CNBC ngày 24/2, bà Loretta Mester, Chủ tịch Fed chi nhánh Cleveland, dự đoán nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng “thấp hơn hẳn xu hướng chung” trong năm nay, nhưng dẫu sao cũng không đi lùi.

*Vùng màu xám biểu thị giai đoạn suy thoái. 

Người tiêu dùng là “chìa khóa”

Các xu hướng kinh tế trái chiều diễn ra ở Mỹ cũng đang xuất hiện ở những nơi khác trên thế giới. Cuộc suy thoái tưởng chừng chắc chắn sẽ xảy ra ở Anh và khu vực đồng euro đã nhường chỗ cho tăng trưởng khiêm tốn.

Một phần công lao không nhỏ đến từ thời tiết ấm áp bất thường và giá năng lượng sụt giảm. Chi tiêu mạnh mẽ bất ngờ của người tiêu dùng và việc Trung Quốc mở cửa nền kinh tế cũng có đóng góp lớn tới triển vọng của nền kinh tế thế giới.

Bà Peterson thừa nhận rằng những yếu tố này đang tạo ra tình huống bất thường. Bà đoán rằng dù Mỹ có suy thoái thì rất có thể cuộc suy thoái này cũng ngắn và không nghiêm trọng. Nhiều khả năng các công ty sẽ không sa thải nhân viên vì việc tuyển dụng lại rất khó khăn, chi tiêu của hộ gia đình và doanh nghiệp cũng chỉ giảm nhẹ.

Bà Peterson chỉ ra: “Cuối cùng, chìa khóa cho câu đố này là người tiêu dùng. Người tiêu dùng sẵn sàng chi bao nhiêu? Họ sẽ dùng tiền từ thu nhập, từ của cải hay thẻ tín dụng? Có lẽ chúng ta đang tiến gần tới ngưỡng mà người tiêu dùng đã cạn tiền”.

Trong buổi công bố kết quả kinh doanh gần đây, các giám đốc Walmart đã chỉ ra các dấu hiệu cho thấy tình hình tài chính của các hộ gia đình đã yếu đi. Ví dụ, các khách hàng thu nhập cao đang tìm kiếm các sản phẩm rẻ hơn để đối phó với lạm phát.  

“Bền bỉ hơn”

Nhưng nếu người tiêu dùng tiếp tục chi tiêu, chủ lao động tiếp tục tuyển dụng và nền kinh tế vẫn tăng trưởng, môi trường kinh tế này sẽ gây khó khăn cho Fed và các ngân hàng trung ương lớn khác trong cuộc chiến chống lạm phát.

Dĩ nhiên, triển vọng này rất không chắc chắn. Nhưng ít nhất thì mô hình của Fed chi nhánh Atlanta đang dự báo tăng trưởng GDP quý I của Mỹ sẽ ở mức khả quan là 2,5%.

Ông Benson Durham, người đứng đầu bộ phận phân bổ tài sản toàn cầu của ngân hàng đầu tư Piper Sandler, phân tích: “Lãi suất trái phiếu chính phủ đã tăng kể từ cuộc họp chính sách gần nhất của Fed. Nhưng nếu dựa vào đó để kết luận rằng các điều kiện tài chính đã thắt chặt hơn và Fed có ít việc phải làm hơn sẽ là hành động vội vàng. Fed có thể sẽ tung ra động thái mạnh hơn”.

Dữ liệu việc làm và lạm phát tháng 2 được công bố trong những tuần tới sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc xác định điều gì sẽ xảy ra tại cuộc họp chính sách trong hai ngày 21-22/3 của Fed. Tại cuộc họp này, các quan chức sẽ ra quyết định mới về lãi suất, cập nhật dự báo về lãi suất chính sách và triển vọng kinh tế.

Ông James Bullard, Chủ tịch Fed chi nhánh St. Louis, ủng hộ việc đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất và muốn Fed tăng lãi suất 50 điểm cơ bản vào tháng 3. Ông tin rằng ngân hàng trung ương Mỹ có thể khuất phục lạm phát mà không gây ra suy thoái.

Ông nói với CNBC trong cuộc phỏng vấn tuần trước: “Thị trường đã đánh giá quá cao nguy cơ suy thoái trong nửa cuối năm 2022 và nửa đầu năm 2023. Có vẻ nền kinh tế Mỹ đang bền bỉ hơn những gì thị trường nghĩ 6 hoặc 8 tuần trước”.

Giang