|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Người Mỹ vừa cạn tiền tiết kiệm, vừa vay nợ kỷ lục: Tín hiệu suy thoái đang đến gần?

10:01 | 22/02/2023
Chia sẻ
Để thoả mãn nhu cầu mua sắm dồn nén trong đại dịch và trang trải chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ, người tiêu dùng Mỹ đang vừa phải dùng tiền tiết kiệm vừa phải quẹt thẻ tín dụng. Khi lãi suất tăng cao hơn, cỗ máy tiêu dùng của Mỹ có thể suy yếu, góp phần kích hoạt suy thoái kinh tế.

(Ảnh minh hoạ: Fox Business/Getty Images).

Bất chấp việc lạm phát vẫn duy trì ở mức cao, lãi suất tăng nhanh và hàng loạt cảnh báo suy thoái từ Phố Wall, người Mỹ vẫn tiếp tục chi tiêu với tốc độ gần kỷ lục trong năm qua.

Tiền lương cải thiện và các khoản tiết kiệm khổng lồ thời đại dịch đã mang lại cho người tiêu dùng tại nền kinh tế lớn nhất thế giới một sức mua lớn chưa từng có.

Tuy nhiên, một số dữ liệu gần đây cho thấy người Mỹ đã bắt đầu dùng đến tiền tiết kiệm và quẹt thẻ tín dụng để trang trải cho các hoá đơn mua hàng, khi chi phí sinh hoạt tăng chóng mặt.

Điều này khiến một số chuyên gia kinh tế lo ngại rằng chi tiêu tiêu dùng sẽ chậm lại, hoặc thậm chí là suy thoái có thể sắp ập đến.

“Kiếm củi ba năm”

Đa phần người dân Mỹ đều tích luỹ được những khoản tiền tiết kiệm lớn trong đại dịch, khi chính phủ thông qua các gói kích thích tổng trị giá 5.000 tỷ USD để củng cố nền kinh tế, trong đó có các trợ cấp thất nghiệp và phát tiền mặt trực tiếp.

 

Theo dữ liệu do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố hồi đầu năm ngoái, tính đến cuối năm 2021, các hộ gia đình đã có thêm gần 4.200 tỷ USD tiền mặt và các loại tài sản có tính thanh khoản tương đương so với trước đại dịch.

Cụ thể, khoản tiết kiệm của người Mỹ đã nhảy vọt từ mức 10.600 tỷ USD hồi cuối năm 2019 lên hơn 14.700 tỷ USD. Phần lớn mức tăng đến từ tiền gửi thanh toán (checkable deposits), phần còn lại ở dạng tiền gửi có kỳ hạn và đầu tư ngắn hạn.

Bình thường, tỷ lệ tiết kiệm cá nhân tại Mỹ sẽ rơi vào khoảng 7 - 8%. Tuy nhiên, trong giai đoạn tháng 1/2020 đến tháng 12/2021, tỷ lệ này đạt trung bình 14,3%, bởi người dân không có cơ hội chi tiêu, mua sắm khi đất nước phải phong toả.

Riêng vào tháng 4/2020, nhờ gói cứu trợ khổng lồ trị giá 2.200 tỷ USD của chính phủ, tỷ lệ tiết kiệm đã vọt lên mức kỷ lục 33% tổng thu nhập. Tức là, cứ 10 USD kiếm được, người Mỹ sẽ “cất” hơn 3 USD.

Nghiên cứu của Oxford Economics cho thấy thêm rằng 70% mức tăng tiết kiệm tập trung ở nhóm 20% người giàu nhất đất nước. Điều đó đồng nghĩa rằng cứ 10 USD tiền tiết kiệm thêm, 7 USD sẽ thuộc về những người có tình hình tài chính khá tốt.

 

“Thiêu một giờ”

Tua nhanh đến mùa công bố báo cáo tài chính quý IV/2022, nhiều công ty kinh doanh hàng tiêu dùng đã ca ngợi sự bền bỉ của nền kinh tế Mỹ.

Các công ty này đề cập đến việc tiền lương của người lao động đang tăng lên, tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp kỷ lục và chuyện người Mỹ vung tiền cho những trải nghiệm mà họ đã bỏ lỡ trong đại dịch.

Song, một thực tế khác cũng lộ diện là ngày càng nhiều người tiêu dùng Mỹ mua sắm hàng hoá bằng thẻ tín dụng, cuối cùng phải viện đến tiền tiết kiệm để chi trả các hoá đơn.

Báo cáo mới tuần trước của Fed chi nhánh New York cho thấy, tính đến quý IV/2022, tổng nợ hộ gia đình tại Mỹ đã tăng 394 tỷ USD lên 16.900 tỷ USD. So với quý liền trước, con số này tăng 2,4%.

Số dư thẻ tín dụng đi lên 61 tỷ USD, tức tăng 7%, để chạm mức 986 tỷ USD. Con số này đã vượt qua mức cao nhất trước đại dịch là 927 tỷ USD.

 

Mặt khác, Morgan Stanley ước tính rằng chỉ riêng năm ngoái, người Mỹ đã chi khoảng 30% số tiền tiết kiệm được trong đại dịch. Riêng tỷ lệ này ở nhóm người tiêu dùng có thu nhập thấp đạt gần 50%.

Đồng thời, dữ liệu chính thức cho thấy tỷ lệ tiết kiệm cá nhân đã giảm từ mức 9,3% vào tháng 2/2020 xuống chỉ còn 3,4% vào tháng 12 năm ngoái.

“Với tốc độ chi tiêu mà chúng tôi ước đoán, khoản tiền tiết kiệm của người dân Mỹ đang trên đà giảm một cách nhanh chóng”, các nhà kinh tế của Morgan Stanley cảnh báo trong ghi chú ngày 24/1.

Theo Morgan Stanley, người tiêu dùng sẽ rút thêm 500 tỷ USD tiền tiết kiệm khác trong năm nay. Số liệu từ Cục Phân tích Kinh tế Mỹ cho thấy, trong năm 2022, người dân nước này đã lấy ra khoảng 1.000 tỷ USD tiền tiết kiệm để chi tiêu.

Chia sẻ với Financial Times, kinh tế trưởng Gregory Daco của EY-Parthenon thông tin thêm rằng các gia đình có thu nhập thấp hơn đã tiêu hết số tiền tiết kiệm thời đại dịch và đang bắt đầu “lậm” vào các khoản tiết kiệm khác.

Điềm báo suy thoái

Lạm phát tại Mỹ nhìn chung đang đi xuống. Báo cáo cách đây vài tuần cho thấy lạm phát, đo lường bằng chỉ số giá tiêu dùng (CPI), đã hạ từ mức cao nhất trong 40 năm là 9,1% hồi tháng 6/2022 xuống còn 6,4% vào tháng 1/2023.

 

Song, có những dấu hiệu cho thấy áp lực lạm phát đang dịch chuyển từ các mặt hàng tiêu dùng sang lĩnh vực dịch vụ. Trong 6 tháng qua, giá cả ở khu vực dịch vụ đã tăng 4,7%.

Rủi ro càng được khuếch đại bởi một nền kinh tế vẫn còn rất nóng, cho thấy nỗ lực thắt chặt chính sách của Fed chưa thực sự thành công như mong đợi của các quan chức.

Thị trường nhà đất đang rục rịch đi lên khi lãi vay thế chấp giảm từ mức cao hơn 7% hồi quý IV năm ngoái. Số lượng hồ sơ đi vay thế chấp đã khởi sắc trở lại trong những tuần gần đây.

 

Trong tháng 1 năm nay, tỷ lệ thất nghiệp đã tụt xuống mức thấp nhất kể từ năm 1969 là 3,4%, đồng thời nền kinh tế đã tạo thêm 517.000 việc làm mới, cao hơn dự đoán của Phố Wall.

Nhìn vào tỷ lệ thất nghiệp thấp, Fed có thể đang lo lắng rằng tiền lương sẽ nhảy vọt, kéo chi phí lao động lên cao hơn và tạo ra vòng xoáy giá - lương mà các nhà hoạch định chính sách luôn muốn né tránh.

Ngày 7/2, tại một sự kiện, Chủ tịch Fed Jerome Powell nhấn mạnh rằng nếu thị trường lao động tiếp tục mạnh lên hoặc số liệu lạm phát nóng lên, ngân hàng trung ương Mỹ có thể phải tăng lãi suất cao hơn mức dự kiến hiện tại.

“Trên thực tế, nếu chúng tôi tiếp tục nhận được báo cáo việc làm tích cực hoặc báo cáo lạm phát cao hơn, thì có thể Fed phải tăng lãi suất nhiều hơn”, ông Powell phát biểu trước Câu lạc bộ Kinh tế Washington.

 

Mặt khác, như đã nói, người Mỹ đang vừa cạn dần tiền tiết kiệm thời đại dịch vừa ngày càng lệ thuộc vào thẻ tín dụng. Nếu lãi suất tiếp tục tăng trong những tháng tới, chi tiêu tiêu dùng, hiện chiếm 70% GDP của Mỹ, có thể sẽ chững lại trong năm nay.

“Những người khá giả vẫn có khả năng chi tiêu tương đối thoải mái nhưng ngay cả nhóm này cũng đang thận trọng vì lạm phát và lãi suất cao”, ông Daco lưu ý với Financial Times.

Cùng lúc, các chỉ số kinh tế khác như đơn đặt hàng công nghiệp và tình trạng sa thải nhân sự tại nhiều công ty lớn lại đang xấu đi. Với những dữ kiện đó, các nhà kinh tế tin rằng suy thoái là không thể tránh khỏi.

Một số không loại trừ khả năng Fed sẽ không thể hạ cánh mềm nền kinh tế, tức là trong trường hợp xấu, Mỹ có thể rơi vào suy thoái nhưng lạm phát vẫn không thoái lui như mong muốn.

Bà Jennifer Timmerman, nhà phân tích tại Viện Đầu tư Wells Fargo, thậm chí còn viết một báo cáo với tiêu đề “Chi tiêu của người tiêu dùng suy yếu có thể là điềm báo gì”.

Vị chuyên gia cảnh báo rằng bà đã nhìn thấy chi tiêu tiêu dùng giảm dần và những dấu hiệu “căng thẳng tài chính” của các hộ gia đình đã lộ ra. Theo bà, trong quá khứ, các dấu hiệu này đều chỉ ra suy thoái.

“Chúng tôi tin rằng áp lực đối với tiền lương (đã điều chỉnh theo lạm phát), cùng với tác động của chu kỳ tăng lãi suất, sẽ gây ra suy thoái kinh tế trong những tháng tới. Những tín hiệu cảnh báo suy thoái trước kia đã nhấp nháy”, bà viết. 

Yên Khê