|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Vì sao đồng USD liên tục chiếm ưu thế trong nền kinh tế toàn cầu?

08:27 | 05/03/2023
Chia sẻ
Việc tỷ trọng đồng bạc xanh trong dự trữ ngoại hối toàn cầu sụt giảm và căng thẳng địa chính trị đã khiến công chúng xôn xao rằng sự thống trị của USD sắp kết thúc. Nhưng trên thực tế, vị thế của USD vẫn vững như bàn thạch.

Ảnh của Tổng thống George Washington (trái) và "người cha sáng lập nước Mỹ" Ben Franklin in trên tờ 1 USD và 100 USD. (Ảnh: Getty Images). 

Tìm kiếm lựa chọn thay thế

Nền kinh tế toàn cầu vận hành dựa trên đồng USD. Thực tế này khiến nhiều quốc gia thấy bất an. Phụ thuộc quá nhiều vào USD có thể khiến các thị trường mới nổi bất ổn, làm suy yếu dòng chảy thương mại và tạo ra tác động lan tỏa trên toàn cầu, như khi thị trường tài chính sụp đổ hồi tháng 3/2020.

Những đối thủ chính của USD là nhân dân tệ của Trung Quốc và tiền kỹ thuật số. Trung Quốc từ lâu đã ra sức phổ biến nhân dân tệ trên trường quốc tế. Nước cờ mới nhất của Trung Quốc là đề nghị trả cho các nhà xuất khẩu dầu mỏ bằng đồng nhân dân tệ để mở rộng phạm vi tiếp cận của đồng tiền này.

Trong khi đó, một số ngân hàng trung ương ca ngợi tiền kỹ thuật số là cách để tạo ra một nền kinh tế thế giới cân bằng hơn và không một quốc gia nào giữ thế thống trị.

Các nước đã đẩy nhanh cuộc tìm kiếm các lựa chọn thay thế cho đồng bạc xanh khi Mỹ vũ khí hóa đồng USD để chống lại các đối thủ.

Sau khi Nga tấn công Ukraine, Mỹ và các đồng minh phong tỏa gần một nửa kho dự trữ ngoại hối trị giá 640 tỷ USD của Nga. Mỹ cũng nhắm mục tiêu vào những đồng USD của Afghanistan, Iran và Venezuela, tờ Reuters cho biết. 

Những người tin vào sự đi xuống của USD chỉ ra rằng tỷ trọng của đồng bạc xanh trong dự trữ ngoại hối của các nước đã liên tục sụt giảm. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tỷ trọng này đã giảm từ 70% vào năm 1999 xuống gần 60% trong năm 2022.

 

Trong khi đó, tỷ trọng của Mỹ trong sản lượng kinh tế thế giới cũng đi từ 32% hồi năm 1980 xuống 24% trong năm 2020, theo tính toán của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Cùng kỳ, tỷ trọng của Mỹ trong thương mại toàn cầu giảm từ 14% xuống 11%.

Nhưng trong những khía cạnh khác, vị thế của USD vẫn chưa hề suy chuyển. Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cho biết USD góp mặt trong 88% tất cả các giao dịch ngoại hối vào tháng 4 năm ngoái.

Fed ước tính rằng từ năm 1999 đến 2019, USD chiếm 96% hóa đơn thương mại ở châu Mỹ, 74% ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và 79% ở phần còn lại của thế giới. Các ngân hàng sử dụng đồng bạc xanh cho khoảng 60% tổng số tiền gửi và cho vay quốc tế.

Các yếu tố cấu trúc cũng giúp giữ cho ngai vàng của USD đứng vững. Thị trường vốn của Mỹ có đủ độ sâu và thanh khoản để hấp thụ tiền tiết kiệm của các quốc gia mới nổi và đang phát triển. Do đó, tiền từ “làn sóng tiết kiệm toàn cầu” lại được đổ vào tài sản của Mỹ.

"Vòng tròn Đế vương"

Đồng bạc xanh, với tư cách là dầu bôi trơn cho hoạt động kinh tế thế giới, còn có hiệu ứng quan trọng khác: đó là đồng USD mạnh lên sẽ kìm hãm thương mại toàn cầu.

Nghiên cứu của giáo sư Đại học American và các nhà kinh tế thuộc BIS cho thấy khi đồng tiền của Mỹ tăng giá, hoạt động mua bán của doanh nghiệp ở các quốc gia khác trở nên đắt đỏ hơn.

Mặt khác, khi đồng nội tệ của các nước khác yếu đi, xuất khẩu của họ thường sẽ nhận được cú hích nhưng hiệu ứng tăng giá của đồng USD sẽ lấn át tác động tích cực này.

Điều này góp phần tạo nên cái mà các nhà nghiên cứu của Fed gọi là “Vòng tròn Đế vương”. Khi USD mạnh lên, đồng tiền này kìm hãm thương mại và tăng trưởng toàn cầu. Do tăng trưởng của Mỹ ít phụ thuộc vào phần còn lại của thế giới nên điều này làm tăng sức hấp dẫn của các tài sản USD đối với nhà đầu tư nước ngoài. Qua đó, vị thế và giá trị của USD lại càng được củng cố.

Các nhà nghiên cứu của Fed phát hiện rằng yếu tố kích hoạt chu kỳ nói trên thường là một đợt tăng lãi suất của ngân hàng trung ương Mỹ. Chu kỳ này kết thúc khi sự suy yếu của ngành sản xuất toàn cầu lan tỏa sang Mỹ.

Lãi suất tăng cũng khiến điều kiện tài chính của doanh nghiệp và hộ gia đình thắt chặt lại, khiến nền kinh tế Mỹ giảm tốc. Nhưng vai trò chủ đạo của USD trên thị trường khiến các nhà đầu tư e ngại tháo chạy khỏi Mỹ, đảm bảo rằng chu kỳ sẽ lại bắt đầu lần nữa.

Theo tờ Reuters, lập lên trên được minh họa rẽ nét trong giai đoạn tháng 12-2015 đến tháng 12/2018. Cuối năm 2015, Fed bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ và ba năm sau lãi suất đạt đỉnh ở mức 2,25-2,5%. Giá USD tăng 10% so với các tiền tệ lớn khác từ giữa năm 2015 đến đầu năm 2017.

Trong khoảng thời gian đó, các chỉ số quản lý thu mua cho thấy tốc độ tăng trưởng sản xuất của Mỹ vượt xa so với phần còn lại của thế giới. Đến giữa năm 2017, “Vòng tròn Đế vương” khép lại khi sản xuất của Mỹ chậm lại, điều kiện tài chính trong nước thu hẹp và đồng USD yếu đi.

Dĩ nhiên Mỹ vẫn sẽ cần bảo vệ vai trò chủ chốt của USD trong hệ thống tài chính toàn cầu. Việc Mỹ vũ khí hóa USD, căng thẳng địa chính trị với Trung Quốc và các rắc rối chính trị của chính nước Mỹ - từ tranh cãi về kết quả bầu cử tổng thống đến trần nợ công – càng khiến các nước muốn tìm lựa chọn thay thế USD.

Tuy nhiên, những yếu tố trên chỉ có thể trở thành mối đe dọa nghiêm trọng với USD khi chúng có thể kích hoạt sự đảo ngược của dòng vốn. Các nhà đầu tư Nhật Bản sẽ phải đem về nước ít nhất một phần trong số 1.300 tỷ USD mà họ để trong trái phiếu Kho bạc Mỹ.

Trong khi đó, các ngân hàng trung ương sẽ phải tìm một loại tiền tệ thay thế khác có tính an toàn và thanh khoản để dự trữ, hoặc sử dụng tài sản tiền mã hóa.

Trong quá khứ, những cuộc cách mạng tài chính như vậy thường diễn ra cùng với các biến động lớn khác, ví dụ như chiến tranh thế giới. Chừng nào sự thay đổi chấn động như vậy không xảy ra, đồng USD vẫn sẽ nắm chắc ngai vàng trong tay.

Giang