|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

50% doanh nghiệp có thể phá sản, VCCI đề xuất một loạt chính sách cấp bách giúp DN vượt ải COVID-19

18:43 | 08/04/2020
Chia sẻ
Theo VCCI, nếu tình hình dịch bệnh kéo dài, chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp có thể duy trì được hoạt động kinh doanh trong vòng ba tháng, 50% doanh nghiệp chỉ trụ được nửa năm.

Một nửa doanh nghiệp trước nguy cơ phá sản

Theo đánh giá của Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đây là con số kỉ lục từ trước đến nay, số lượng DN rời thị trường lớn hơn số thành lập mới.

Khảo sát của VCCI chỉ ra rằng, có đến 85% DN cho biết thị trường tiêu thụ bị thu hẹp; 60% thiếu vốn và đứt dòng tiền kinh doanh; 43% DN phải thu hẹp quy mô lao động do thiếu việc làm và 82% DN cho rằng doanh thu của họ sẽ sụt giảm so với 2019.

Theo đó, nếu tình hình dịch bệnh kéo dài, chỉ có khoảng 30% DN có thể duy trì được hoạt động kinh doanh trong vòng ba tháng, 50% DN chỉ trụ được khoảng nửa năm. 

Trên 75% số DN báo sẽ phải thu hẹp quy mô lao động và có tới gần 10% số DN phải giảm quy mô lao động tới 50% so với hiện nay. Chỉ có chưa đầy 1% số DN gia tăng lao động. 

Hệ lụy của xu hướng này sẽ là hàng triệu lao động sẽ có nguy cơ mất việc làm trong những tháng tới đây. 

"Chưa ai dự báo được khi nào thì dịch bệnh sẽ qua đi, nhưng một điều chắc chắn là hệ lụy, ảnh hưởng của dịch bệnh tới nền kinh tế sẽ còn kéo dài và không thể khắc phục được ngay khi dịch bệnh kết thúc và khó khăn với DN còn chất chồng trước mắt", Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho hay.

Ứng phó với dịch bệnh, trên 60% DN đã áp dụng phương thức làm việc linh hoạt về thời gian cho một bộ phận lao động, 46% DN không cắt giảm lao động nhưng giảm giờ làm, 42% DN tranh thủ thời gian dịch bệnh để đào tại lại nhân lực, 41% DN tổ chức làm việc tại nhà.

"Chỉ khoảng 20% DN cho biết đã buộc phải cắt giảm lao động, chấm dứt hợp đồng lao động và 21% DN cho biết đã phải cắt giảm lương để không phải cắt giảm lao động. Đó là những ứng sử linh hoạt đầy trách nhiệm", Chủ tịch VCCI đánh giá.

Những giải pháp hỗ trợ cấp bách

Trước những khó khăn, VCCI vừa có kiến nghị gửi đến Thủ tướng Chính phủ đề xuất các giải cấp bách để hỗ trợ DN vượt qua giai đoạn khó khăn nhất từ trước đến nay.

Về việc phối hợp thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh và duy trì sản xuất kinh doanh, VCCI cho rằng, trừ một số ngành/lĩnh vực rất hạn chế phải tạm thời đóng cửa, cần khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất lưu thông tiến hành bình thường với điều kiện tuân thủ đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh để DN có thể tự cứu mình.

Theo đó, VCCI đề nghị Chính phủ bổ sung và công bố ngay danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phù hợp với điều kiện phòng, chống dịch bệnh Covid-19, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất và lưu thông các hàng hóa dịch vụ này phục vụ đời sống nhân dân, ngay cả trong trường hợp cần siết chặt hơn các biện pháp cách ly, phong tỏa. 

Chủ tịch VCCI đề nghị Bộ Y tế có kịch bản hoặc quy định rõ ràng cho các DN, nhất là các trung tâm thương mại, siêu thị, DN trong khu công nghiệp… để hướng dẫn xử và cách ly khi có người lao động hay khách hàng đến giao dịch bị nhiễm COVID-19, tránh việc phải đóng cửa toàn bộ khu công nghiệp, DN khi không cần thiết. 

Đề nghị cho phép các dịch vụ chuyên môn trong các tòa nhà văn phòng được duy trì đội ngũ nhân viên tối thiểu và các chức năng hoạt động tối thiểu quan trọng đối với các hoạt động của DN, với điều kiện tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn về phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế. 

Đồng thời, đề nghị giãn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư kinh doanh, nhất là với nhà đầu tư nước ngoài do điều kiện dịch bệnh không thể vào Việt Nam để hoàn thành các thủ tục đúng thời gian theo yêu cầu quy định. 

Về chính sách tài khóa, đề nghị cho thực hiện ngay việc tạm hoãn nộp các khoản thuế GTGT, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân của người lao động, bảo hiểm xã hội, phí công đoàn… trong khi chờ chính sách cụ thể vì quá trình hướng dẫn thực hiện các giải pháp theo Chỉ thị của Thủ tướng của các bộ ngành còn chậm, DN có thể ngừng hoạt động, phá sản trước khi cơ chế, chính sách được áp dụng. 

Theo Chủ tịch VCCI, các chính sách này cần được áp dụng với hệ thống các ngân hàng thương mại vì các ngân hàng thương mại cũng là DN. Ngoài việc thực hiện giãn, hoãn tiến độ nộp các khoản thuế, bảo hiểm xã hội, phí, lệ phí, đề nghị có các chính sách miễn, giảm các khoản phải nộp này thuộc chức năng của Chính phủ. 

Theo đó, đề nghị Chính phủ trình Quốc hội ngay đầu họp giữa năm các biện pháp giảm thuế, phí và thu ngân sách thuộc thẩm quyền của Quốc hội. 

Về chính sách chống chuyển giá bị cho là "đánh nhầm người nhà", VCCI đề nghị cho thực hiện ngay việc hồi tố với chi phí lãi vay khi tính thuế trong hai năm 2017 và 2018 (theo dự thảo sửa đổi Khoản 3, Điều 8, Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lí thuế đối với các DN có giao dịch liên kết). 

Theo Chủ tịch VCCI đánh giá, việc hồi tố có đủ cơ sở pháp , bảo đảm lợi ích chính đáng của DN, là việc làm hợp , hợp tình, củng cố niềm tin của cộng đồng DN vào sự đồng hành chia sẻ của các cơ quan chính phủ với những khó khăn của DN, giúp DN duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước. 

Đồng thời với việc cho phép chuyển lỗ cho 5 năm tiếp theo, đề nghị cho phép khấu trừ các khoản lỗ của năm 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 vào năm lợi nhuận của năm 2019. Điều này cho phép DN chi trả nộp thuế trong vòng 2 năm 2019-2020 và giúp tránh phá sản cho những DN có lợi nhuận trong năm 2019 nhưng lại thua lỗ nhiều trong năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Đồng thời, VCCI cũng đề nghị giãn, hoãn, miễn giảm tiền thuế đất cho các DN trong bối cảnh dịch bệnh. 

Về chính sách tín dụng, ngoài các giải pháp hiện hành như tái cơ cấu nợ, giảm lãi suất cho vay, giảm phí; DN, đề nghị có mức giảm sâu thêm từ 2-3% đối với khoản vay mới và vay hiện hữu (đến mức còn khoảng 4-5% đối với khoản vay tiền đồng và 2-3% đối với khoản vay USD) cho từng nhóm khách hàng có ảnh hưởng dịch bệnh khác nhau. 

Theo đó, VCCI đề nghị Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn quy trình chuẩn đối với việc thẩm định, đánh giá thiệt hại, xác định đối tượng DN được hưởng hỗ trợ do trên thực tế các ngân hàng thương mại thực hiện khác nhau; đồng thời, đề nghị xem xét nới lỏng các tiêu chí cho phép cung cấp các khoản vay bình thường và các khoản vay lãi suất thấp. 

Ngoài ra, để giảm thiểu gánh nặng cho doanh nghiệp, VCCI đề nghị Chính phủ trình Quốc hội không điều chỉnh lương tối thiểu vùng cho năm 2021 và đề xuất giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp từ 1% xuống 0,5%, giảm mức đóng kinh phí công đoàn từ 2% xuống còn 1% trước mắt cho năm 2020.

Hoàng Trung