Giữa dịch COVID-19, nhà máy sản xuất bao bì gợn sóng đầu tiên của Việt Nam mở đường cho tỉ phú Thái thâu tóm 100% cổ phần
Mới đây, CTCP Bao bì Biên Hòa (mã: SVI) vừa công bố tài liệu họp Đại hội cổ đông bất thường diễn ra vào ngày 16/4 tới đây.
Tại phiên họp, công ty sẽ trình cổ đông thông qua việc tăng tỉ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài lên 100%, đồng thời xem xét việc sửa đổi điều lệ công ty.
Trong khi đó, mới đây hãng tin Nikkei Asian Review dẫn các nguồn tin cho biết Tập đoàn Siam Cement (SCG) đang có kế hoạch mua lại Bao bì Biên Hòa với giá mua dự kiến là 19,2 triệu USD (khoảng 450 tỉ đồng). Như vậy, nhiều khả năng thương vụ này đã được xác nhận.
Bên cạnh đó, Hội đồng quản trị công ty cũng sẽ xin ý kiến cổ đông về việc miễn chào mua công khai đối với NĐT nước ngoài.
Cụ thể, Ban lãnh đạo SVI cho biết công ty nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư chiến lược tiềm năng là Thai Containers Group, thành viên hoạt động trong ngành bao bì, đóng gói của SCG.
Theo đó, công ty có tờ trình xin ĐHĐCĐ thông qua việc cho phép Thai Containers Group và bất kì công ty con, công ty liên kết của đơn vị này được quyền nhận chuyển nhượng cổ phần phổ thông của SVI (một lần hoặc nhiều lần) để nâng tỉ lệ sở hữu lên hơn 25% vốn điều lệ hoặc đến mức tối đa mà NĐT nước ngoài được phép sở hữu mà không phải thực hiện việc chào mua công khai, trong thời giạn 12 tháng kể từ khi nghị quyết có hiệu lực.
Ngoài ra, Hội đồng quản trị SVI cũng sẽ xin ý kiến các cổ đông về việc thay đổi ngành nghề kinh doanh của công ty, bao gồm việc bỏ ngành, nghề "In ấn" trên giấy chứng nhận ĐKKD và thêm diễn giải chi tiết cho ngành sản xuất giấy nhăn, bìa nhăn...
CTCP Bao bì Biên Hòa tiền thân là nhà máy sản xuất bao bì giấy gợn sóng đầu tiên tại Việt Nam, được thành lập vào năm 1968. Đến năm 2003, đơn vị này thực hiện chính sách cổ phần hóa, đổi tên là CTCP Bao bì Biên Hoà, đồng thời vẫn duy trì thương hiệu là "SOVI" từ trước đó.
Kết thúc năm 2019, Bao Bì Biên Hòa ghi nhận 1.704 tỉ đồng doanh thu (khoảng 73 triệu USD), giảm 4% so với năm 2018. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế tăng mạnh lên 141 tỉ đồng (khoảng 6 triệu USD), gấp 2,3 lần năm trước.