'Ông lớn' ngành năng lượng Việt Nam cũng khốn đốn vì COVID-19 và giá dầu
Báo cáo của Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) trình lên Chính phủ mới đây nêu nhiều khó khăn của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước dưới tác động của COVID-19, trong đó nhóm doanh nghiệp thuộc lĩnh vực năng lượng đang phải chịu tác động kép cùng với việc giá dầu giảm mạnh.
Như trường hợp của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), doanh thu quí I ước giảm gần 13.200 tỉ đồng, tương đương 13% so với cùng kì, chỉ còn 88.300 tỉ đồng. Tổng lợi nhuận sau thuế ước đạt 4.440 tỉ đồng, giảm 4.580 tỉ đồng, tương đương giảm 51%.
PVN cho biết, trường hợp giá dầu thô giảm xuống 55 USD/thùng đến 30 USD/thùng sẽ làm doanh thu bán dầu thô năm 2020 giảm tương ứng từ 9.200 tỉ đồng đến 55.100 tỉ đồng, khiến tổng doanh thu toàn tập đoàn ước giảm 23.000 tỉ đồng đến 141.000 tỉ đồng trong năm nay.
Theo đó, nộp ngân sách từ nguồn thu dầu thô sẽ giảm tương ứng từ 3.111 tỉ đồng đến 18.600 tỉ đồng, nộp ngân sách của toàn tập đoàn giảm từ 5.000 tỉ đồng đến 27.000 tỉ đồng so với kế hoạch được phê duyệt.
Báo cáo của Ủy ban chỉ rõ tình trạng giá dầu xuống thấp như hiện nay khiến thiệt hại về kinh tế là rất lớn, và những lợi điểm từ nhập khẩu xăng dầu giá thấp không thể bù đắp.
Dịch bệnh cũng làm ảnh hưởng tiến độ cung cấp vật tư thiết bị cho hàng loạt dự án, gây chậm trễ trong công tác lắp đặt, chậm tiến độ vận hành so với kế hoạch. Các hoạt động dịch vụ của PVN như khoan, vận chuyển... đều bị tác động tiêu cực, một số công ty bị lỗ như Bình Sơn, PV Oil…
Hay như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), doanh thu quí I của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu này ước tính giảm 6%, đạt 28.500 tỉ đồng; lỗ dự tính 572 tỉ đồng.
Giá xăng trên thị trường hiện đang ở mức thấp nhất nhiều năm, trong khi đó nhu cầu đi lại của người dân cũng hạn chế bởi dịch COVID-19, hoạt động vận tải đình trệ.
Nếu dịch kéo dài đến quí IV năm nay, Petrolimex ước tính doanh thu cả năm giảm hơn 12.500 tỉ đồng so với kế hoạch; con số lỗ có thể tăng lên 1.143 tỉ đồng; nộp ngân sách giảm tương ứng khoảng 500 tỉ.
Theo phản ánh từ Petrolimex, nguyên nhân chính dẫn đến kết quả kinh doanh xăng dầu báo lỗ là do doanh nghiệp có hệ thống phân phối phủ rộng toàn quốc và xăng dầu là mặt hàng cần phải có đủ dự trữ tồn kho. Do vậy, việc giá xăng dầu thế giới giảm quá nhanh với biên độ lớn (giảm 60%) trong quí I vừa qua đã tác động đến giá vốn tồn kho của đơn vị này.
Tuy nhiên, Petrolimex cũng nhận định trong trường hợp dịch vẫn diễn biến phức tạp với việc các hãng hàng không trong nước và quốc tế sẽ tiếp tục tạm dừng các chuyến bay, nhu cầu vận tải đường thủy, đường bộ sụt giảm mạnh khiến sản lượng xuất bán xăng dầu thấp, dự trữ tồn kho tăng cao sẽ ảnh hưởng nặng nề hơn nữa đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp này.
Tình hình kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng không mấy khả quan, dịch bệnh đã khiến cho sản lượng điện cho công nghiệp và sản lượng điện cho kinh doanh sụt giảm, từ đó làm giảm doanh thu bán điện ương ứng. Bên cạnh đó, việc đảm bảo than cho sản xuất điện trong thời gian tới sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro nhếu dịch bệnh kéo dài.
Ban lãnh đạo EVN cũng cho biết các dự án nguồn phát điện, dự án truyền tải, phân phối điện của tập đoàn đều có liên quan đến chuyên gia và thiết bị của Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan; do đó nếu dịch bệnh không được kiểm soát trong thời gian tới đây, các chuyên gia không thể sang Việt Nam, việc cung ứng thiết bị có thể chậm trễ, từ đó ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Đối với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), thị trường tiêu thụ cũng đang gặp khó khăn do phụ thuộc lớn vào Trung Quốc.
"Năm 2019, Trung Quốc sản xuất 3,7 tỉ tấn than, nhập khẩu 300 triệu tấn, tăng so với 2018 là 200 triệu tấn than. Nhưng do dịch COVID-19, thị trường Trung Quốc đang chững lại, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh", chủ tịch TKV Lê Minh Chuẩn thông tin.
Bên cạnh đó, giá than nhập khẩu có xu thế tăng trong khi giá khoáng sản giảm khiến doanh thu khoáng sản giảm 1.000 tỉ đồng.
Theo đánh giá của TKV, dịch COVID-19 kéo dài sẽ ảnh hưởng nguy cấp đến nguồn cung nguyên vật liệu do các đơn vị chủ yếu chỉ dự trữ đến hết quí I hoặc quí II/2020, nguồn lao động từ Trung Quốc bị kéo dài thời hạn quay trở lại làm việc khiến một số dự án chậm tiến độ.
Trước các tác động của dịch bệnh, Uỷ ban đã quán triệt các doanh nghiệp nêu trên cần bảo đảm cung cấp đủ điện, xăng dầu cho nhân dân và phục vụ sản xuất, từ đó tiếp tục nghiên cứu và thực hiện các giải pháp tái cơ cấu doanh nghiệp...
Ủy ban đưa ra một số kiến nghị, đề xuất tới các bộ ngành liên quan về hỗ trợ thuế, tài chính, thương mại, đầu tư và chế độ chính sách cho người lao động.
Cụ thể, cơ quan quản lí vốn Nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty đề xuất phương án giảm thuế xuất khẩu đối với mặt hàng xăng dầu sản xuất trong nước để PVN có thể xuất khẩu, giảm lượng hàng tồn kho, tăng nguồn vốn lưu động.
Ủy ban đề nghị Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước xem xét khoanh nợ gốc, kéo dài thời hạn vay của các hợp đồng tín dụng, không tính lãi phạt trên lãi và gốc trả chậm trong thời gian dịch, tiếp tục cho các doanh nghiệp vay vốn lưu động và để đảm bảo sản xuất kinh doanh...
Bên cạnh đó, cơ quan này cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước sớm có hướng dẫn trình tự, thủ tục khơi thông nguồn vốn, để các tập đoàn, tổng công ty sớm tiếp cận được gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỉ đồng, thời hạn cho vay tối thiểu ba năm, lãi suất 0% phục vụ nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, thanh toán lương cho người lao động...
Đối với Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban kiến nghị sớm hướng dẫn cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các dự án cấp bách sử dụng vốn nhà nước, vốn của DNNN để đẩy nhanh tiến độ đầu tư, giảm ách tắc nguồn vốn đầu tư, nhất là các dự án ngành điện như dự án nhiệt điện khí Ô Môn, đường dây tải điện Vân Phong - Vĩnh Tân...