|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu top đầu, thu nhập nhóm cuối?

08:03 | 15/08/2018
Chia sẻ
Duờng như, giấc mơ nông dân làm giàu từ hạt gạo chỉ khả thi đối với một số rất ít người.
xuat khau top dau thu nhap nhom cuoi Xuất khẩu gạo Myanmar trị giá hơn 277 triệu USD trong 7 tháng đầu năm

Giảm các khâu trung gian sẽ tăng lợi nhuận cho người nông dân trồng lúa.

Hỗ trợ rơi vào trung gian

Kỳ tích thu nhập hàng tỉ đồng từ trồng 5ha lúa kết hợp trồng vừng và thực hiện các dịch vụ làm đất, gặt đập của anh Cao Hoàng Hải ở Đồng Tháp, hay tấm gương tỉ phú lúa Nhật, Nguyễn Văn Khanh cũng ở Đồng Tháp không dễ lặp lại.

xuat khau top dau thu nhap nhom cuoi

Thay vào đó, chúng ta càng phải nhìn thẳng vào sự thật rằng, thống kê mới nhất của Bộ Tài chính cho thấy, giá thành sản xuất lúa vụ Hè Thu 2018 ở đồng bằng sông Cửu Long bình quân khoảng 4.059 đồng/kg tăng hơn 156 đồng/kg so với giá thành thực tế cùng mùa vụ năm 2017, đồng nghĩa, người dân trồng lúa phải đầu tư thêm khoảng 1.400 tỉ đồng cho vụ lúa này. Trong khi đó, khoảng thời gian bán lúa được giá nhất chỉ trong vài ngày đầu tháng 5 khi người dân chưa kịp thu hoạch. Thế nên, câu chuyện bán lúa để mua cho vợ cái nồi cơm điện mới, rồi lại chìm vào vòng luẩn quẩn trả nợ, vay nợ tiền vật tư nông nghiệp, thuê máy móc... cho vụ sau mới là những nét chủ đạo trong bức tranh nông nghiệp ở vựa lúa của Việt Nam.

Hiện trạng có thể còn ảm đạm hơn. So sánh với số liệu công bố năm 2011, giá thành sản xuất lúa vụ Hè Thu tăng khoảng 8% dù năng suất bình quân tăng xấp xỉ 16%. Về giá xuất khẩu, trong 5 tháng đầu năm 2018, mức giá xuất khẩu gạo trung bình của Việt Nam đạt khoảng 505 USD/tấn, cao hơn một chút mức giá xuất khẩu 400-500 USD/tấn duy trì suốt nhiều năm qua.

Như vậy, dù các tiến bộ về khoa học kỹ thuật, đặc biệt trong lĩnh vực lai tạo và giống đã khiến cho năng suất lúa cải thiện tương đối rõ rệt, người nông dân vẫn không được hưởng lợi. Gánh nặng giống, thuốc trừ sâu, công thuê máy móc nông nghiệp... nặng trĩu trên vai, cùng với cuộc chạy đua xuất khẩu gạo số lượng lớn, cạnh tranh bằng giá rẻ khiến công sức từng giọt mồ hôi của họ đổ xuống đồng ruộng càng ngày càng teo tóp. Từ nhiều năm nay, lựa chọn cho doanh nghiệp thuê đất lại mang tính kinh tế cao hơn truyền thống lấy công làm lãi tồn tại trong nghề trồng lúa từ đời này sang đời khác.

xuat khau top dau thu nhap nhom cuoi

Trong 20 năm nay, hàng ngàn tỉ đồng ngân sách đã được chi ra để hỗ trợ người nông dân trồng lúa, trực tiếp theo Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13.4.2015 của Chính phủ... Tinh thần lạc quan của những nhà hoạch định chính sách khiến họ tâm niệm, doanh nghiệp thu mua lúa gạo hay bán phân bón, khi được hỗ trợ sẽ sẻ chia quyền lợi với những đối tác nông dân, trên tinh thần một nền kinh tế tương thân tương ái. Quan niệm phi thị trường như vậy dẫn đến hệ quả tất yếu, khoản kinh phí khổng lồ không tới được bàn tay lam lũ của nông dân mà chủ yếu rơi vào những khâu trung gian. Người nông dân nghèo vẫn hoàn nghèo.

Để nông dân làm giàu

Để tăng phần lợi nhuận cho nông dân trồng lúa, hoặc là nâng cao giá trị xuất khẩu gạo, hoặc là giảm giá thành sản xuất lúa. Trao đổi với NCĐT, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Dương Văn Chín, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Định Thành (Tập đoàn Lộc Trời) giải thích, Việt Nam đất không rộng, lại đông dân nên phải trồng lúa cao sản ngắn ngày, chứ không không trồng được lúa mùa chất lượng cao có giá xuất khẩu lên tới 1.500 USD/tấn. Vì vậy, các nhà khoa học Việt Nam đã nỗ lực trong việc lai tạo ra các giống lúa ngắn ngày nhưng cho chất lượng cơm ngon, bán được giá tương đối cao.

Theo đó, năm 2015, loại gạo Hạt ngọc trời số 3 đã được Tổ chức Nghiên cứu Lúa gạo Thế giới (The Rice Trader) công nhận lọt vào top 3 gạo ngon nhất thế giới. Năm 2017, gạo Sóc Trăng 24 (ST24) của kỹ sư Hồ Quang Cua được vinh danh ở vị trí tương tự. Tuy nhiên, những loại gạo này chỉ đáp ứng được thị trường phân khúc trung bình, với mức giá xuất khẩu từ 400-600 USD/tấn.

Nghị định 109/2010/NĐ-CP quy định điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, trong đó, doanh nghiệp phải có ít nhất một kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc, một cơ sở xay, xát thóc, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ... đang cản bước nhiều doanh nghiệp muốn lọt qua cánh cửa hẹp nói trên. Mong muốn giúp doanh nghiệp ngoại lựa chọn được nhà phân phối nội địa tốt trở nên phí lý, thậm chí, nực cười bởi họ có thể đánh giá ngay bằng sản phẩm nhận được. Trái lại, ràng buộc điều kiện xuất khẩu khiến câu chuyện hạn ngạch xuất khẩu gạo cùng nghi ngại bàn tay đen thao túng khó có thể hóa giải.

Ông Dương Văn Chín cho biết: “Nên để nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên mọi thị trường thì giá trị xuất khẩu mới tăng cao. Giảm các khâu trung gian sẽ tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp và quan trọng hơn, người nông dân sẽ có thêm quyền mặc cả”.

xuat khau top dau thu nhap nhom cuoi

Tuy vậy, giải pháp trước mắt và căn cơ hơn vẫn là giảm giá thành sản xuất lúa gạo. Ngoài việc tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận được kiến thức khoa học kỹ thuật, từ đó, giảm lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, lượng hạt giống gieo trồng..., theo ông Chín, cần có biện pháp hỗ trợ thiết thực hơn.

Thứ nhất, phải chống được phân giả, thuốc giả. Việc này nằm trong tay Nhà nước. Đừng để người nông dân bỏ ra số tiền đó nhưng phải dùng hàng giả, kém chất lượng như việc hạt giống lúa không nảy mầm ở Trà Vinh, hay lúa cho ra hạt lép ở Nghệ An nhiều năm trước.

Thứ hai, hãy chọn ra những “cú đấm thép” là những tiến bộ khoa học kỹ thuật nào có sức ảnh hưởng lớn, giúp người nông dân tăng thu nhập. Ví dụ, hỗ trợ người nông dân máy cuốn rơm, để họ có thể tận thu rơm bán cho chăn nuôi hoặc các hộ trồng nấm, thu thêm được nửa triệu hay một triệu đồng/ha trồng lúa.

Rõ ràng, không cần đến một phép màu kỳ diệu để giúp người nông dân kiên định với truyền thống trồng lúa nước của dân tộc. Thế nhưng, để sự hỗ trợ của Nhà nước đến tận tay người nông dân, quyền lợi của nhiều nhóm lợi ích sẽ bị ảnh hưởng. Liệu chúng ta có thể vượt qua những trở lực này?.

Xem thêm

Hoàng Hạnh

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.