|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Chuỗi giá trị hạt gạo: Ép gạo ra dầu

15:24 | 11/08/2018
Chia sẻ
Nghiên cứu cho thấy trong chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo, dầu là một trong những sản phẩm cho giá trị gia tăng cao.
chuoi gia tri hat gao ep gao ra dau Hành trình ngược dòng của Võ Minh Khải với hạt gạo hữu cơ
chuoi gia tri hat gao ep gao ra dau

Lúa gạo có thể làm ra dầu ăn? Ý tưởng ngỡ là đùa nhưng từ nhiều thập niên trước, một số nơi đã làm được dầu gạo. Nghiên cứu cho thấy trong chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo, dầu là một trong những sản phẩm cho giá trị gia tăng cao. Căn cứ giá thị trường hiện nay, nếu người nông dân trồng lúa, đem bán lúa tươi chỉ thu được 5.000-5.100 đồng/kg (2.8.2018) thì các thương nhân làm dầu gạo có thể thu về 23.000-25.000 đồng/lít dầu thô và 50.000-60.000 đồng/lít dầu ăn. Tính ra, giá trị của dầu gạo lớn gấp hàng chục lần lúa gạo.

Giá trị của dầu gạo

Sở dĩ dầu gạo được trả giá cao, cao hơn cả các loại dầu thực vật khác như loại dầu nành, dầu mè, dầu phộng... tới 10-20%, theo ông Peh Ping Teik, Chủ tịch Hiệp hội Dầu gạo Quốc tế, đó là vì dầu gạo cho nhiều giá trị dinh dưỡng. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Hội Tim mạch Mỹ (AHA)… đều khuyên dùng dầu gạo vì đây là dầu chứa hàng loạt dưỡng chất, đặc biệt là chất Gamma - Oryzanol được tìm thấy duy nhất trong lớp vỏ cám gạo, có tác dụng chống ôxy hóa gấp 4 lần Vitamin E, giúp làm chậm quá trình lão hóa và ngăn ngừa hiệu quả các bệnh về tim mạch.

Vì thế, theo số liệu công bố tại Hội nghị Dầu gạo quốc tế 2018, nhu cầu tiêu thụ dầu gạo ngày càng tăng. Ở Ấn Độ, mỗi năm nhu cầu tiêu thụ dầu gạo tăng 20-25%. Hay ở Nhật, 40% bữa trưa ở trường tiểu học và trung học đều dùng dầu gạo. Các quốc gia như Mỹ, các nước châu Âu, Úc, New Zealand... đều tiêu thụ lượng dầu gạo đáng kể.

Trong khi đó, nguồn cung dầu gạo thế giới lại có giới hạn, chỉ tăng trưởng 3%/năm, theo nghiên cứu của Business Wire (Mỹ). Còn sản lượng đạt khoảng 1,7 triệu tấn vào năm 2017. So với tổng lượng dầu thực vật các loại, con số này chiếm chưa tới 1%. Đáng chú ý, hiện nay, mới có một số nước như Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật, Thái Lan, Việt Nam tham gia làm dầu gạo.

Ngoài yếu tố cung cầu trên thị trường, dầu gạo được định giá cao vì quá trình sản xuất rất phức tạp, tốn kém, đòi hỏi đầu tư máy móc công nghệ cao. Đặc biệt, hàm lượng dầu trong cám gạo không cao (chỉ 14-15%) và tỉ lệ hao hụt trong quá trình chế biến nhiều, nên theo chia sẻ của đại diện Công ty Cái Lân (Calofic), để làm ra 1 lít dầu gạo, trung bình phải cần đến 150-200 kg lúa gạo để xay xát lấy cám, trích ly ra dầu.

chuoi gia tri hat gao ep gao ra dau

Tại một số nước như Ấn Độ, Thái Lan, do có truyền thống ăn gạo đồ nên các nhà sản xuất nơi đây cũng sử dụng nguyên liệu gạo đồ trong chế biến. Nhưng dù thế nào, máy móc, thiết bị, công nghệ cho trích ly dầu gạo đòi hỏi hiện đại, đầu tư lớn. Vì nếu máy móc thiết bị không đạt kỹ thuật, công nghệ cao, sáp sẽ không được lọc triệt để, dẫn tới dầu thành phẩm bị đục, mặt khác cũng làm mất đi các dưỡng chất quý giá có trong dầu gạo.

Điều này lý giải vì sao Calofic, đơn vị đầu tiên sản xuất dầu gạo thành công ở Việt Nam, đã quyết định nhập dây chuyền tinh chế hiện đại nhất, chi hàng triệu USD để đầu tư nhà máy trích ly tại Cần Thơ và nhiều trạm thu mua tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, với mục đích kiểm soát tốt nhất chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào.

Do giá trị kinh tế cao của dầu gạo, một số nước có thế mạnh về gạo đã nhảy vào sản xuất loại dầu này. Trong đó, Ấn Độ hiện giữ vị trí số 1 toàn cầu về sản xuất dầu gạo, chiếm 75% tổng sản lượng dầu gạo thế giới, đạt khoảng 1 triệu tấn dầu/năm. Thị trường sôi động đến mức có hơn 400 nhà máy trích ly dầu gạo đặt tại đây. Và theo chia sẻ của một chuyên gia nông nghiệp vừa có chuyến công tác sang Ấn Độ thì giá cám tươi - nguyên liệu đầu vào cho dầu gạo - ở Ấn Độ hiện cao hơn cả giá bán gạo. Đây thực sự là điều gây bất ngờ.

Trung Quốc, Nhật, Thái Lan cũng tích cực đẩy mạnh lĩnh vực dầu gạo, thu hút được hàng chục công ty tham gia và trở thành những nước đứng đầu thế giới về sản xuất dầu gạo. Mặc dù vậy, trước nhu cầu nội địa đa dạng và liên tục tăng, Nhật, Trung Quốc cũng nhập khẩu cả dầu gạo.

Doanh nghiệp Việt còn ngoài cuộc

Việt Nam là một trong những nước trên thế giới có khả năng sản xuất dầu gạo quy mô lớn, theo Hiệp Hội Dầu gạo Quốc tế (IARBO). Nhưng Việt Nam mới chỉ có 2 gương mặt sản xuất dầu gạo là Calofic và Uni-Bran. Cả 2 đơn vị này đều là doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài, đến từ Singapore. Nếu như Calofic bắt tay sản xuất dầu gạo ở Việt Nam từ rất sớm (năm 2004, ở dạng thô trước, sau đó mới đẩy mạnh sản xuất dầu chai) thì Uni-Bran tham gia mảng dầu gạo chậm hơn (năm 2012). Mặc dù đi sau nhưng Uni-Bran cũng có nhà máy, thương hiệu và tổ chức phân phối riêng.

chuoi gia tri hat gao ep gao ra dau

Calofic cho biết, trước đây dầu gạo sản xuất ở Việt Nam dành để xuất khẩu sang các nước như Nhật, Úc, New Zealand, Hàn Quốc… Tiêu thụ trong nước chỉ khiêm tốn và mới tăng lên trong một vài năm gần đây. Năm 2017, tiêu thụ dầu gạo nội địa khoảng 7.700 tấn, vẫn thấp so với mức độ tiêu thụ 983.000 tấn dầu thực vật các loại ở Việt Nam.

Theo lý giải của những người trong ngành, một phần vì giá dầu gạo còn cao so với mức thu nhập của người tiêu dùng trong nước; mặt khác, người Việt Nam chưa có thói quen và chưa thấy hết lợi ích của dầu gạo. Ngoài ra, người Việt Nam thích dầu màu sáng trong khi do đặc tính tự nhiên, dầu gạo có màu sẫm hơn nên cũng ảnh hưởng cảm quan, tâm lý tiêu dùng.

Tuy nhiên, điều đó không ngăn được sức hấp dẫn của dầu gạo ở Việt Nam. Tháng 9 năm ngoái, Tsuno Food, công ty công nghệ thực phẩm nổi tiếng ở Nhật, đã đến Đồng Tháp để tìm cơ hội đầu tư nhà máy trích ly dầu gạo. Theo tính toán của Tsuno Food, 2 doanh nghiệp làm dầu gạo ở Việt Nam mới chỉ xử lý khoảng 10% tổng sản lượng cám của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Do đó, các công ty vẫn còn nhiều cơ hội khi triển khai sản xuất dầu gạo tại đây.

Đích ngắm của các công ty sản xuất dầu gạo tại Việt Nam là thị trường tiêu thụ rộng lớn ở quy mô toàn cầu, tập trung ở Mỹ, châu Âu, Canada, Úc, Nhật... Theo báo cáo mới của Expert Market Research (EMR), do nhu cầu gia tăng, sản lượng dầu gạo toàn cầu dự kiến cũng sẽ tăng lên đến 1,9 triệu tấn vào năm 2022.

Dù vậy, với những khó khăn về đầu tư lớn, tiêu thụ dầu gạo trong nước khiêm tốn, bài toán lợi nhuận còn nhiều ẩn số, các doanh nghiệp Việt Nam tuy quan tâm nhưng vẫn nhường sân chơi dầu gạo cho các công ty nước ngoài. Đại diện Kido (sở hữu Vocarimex, Tường An) xác nhận vẫn chưa có kế hoạch sản xuất dầu gạo. Nhưng về lâu dài, trước xu hướng tiêu dùng mới, ưu tiên sức khỏe, với giá trị kinh tế và dinh dưỡng cao, dầu gạo sẽ là lựa chọn để doanh nghiệp Việt Nam dấn bước.

Xem thêm

Ngọc Thủy

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.