|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xu hướng thị trường rau quả tươi Bắc Âu

08:26 | 14/12/2020
Chia sẻ
Xu hướng thị trường rau quả tươi Bắc Âu chuyển từ số lượng sang chất lượng, người tiêu dùng quan tâm đến sản phẩm có giá trị gia tăng về mùi vị, hình dáng, dinh dưỡng, đa dạng và tiện lợi.

Lượng tiêu thụ rau quả tươi nhiều năm qua theo xu hướng tăng ở tất cả nước Bắc Âu. Nguyên nhân tăng tập trung vào vấn đề sức khỏe, theo Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển.

Xu hướng thị trường rau quả tươi chuyển từ số lượng sang chất lượng, với các vấn đề người tiêu dùng quan tâm là sản phẩm có giá trị gia tăng về mùi vị, hình dáng, dinh dưỡng, đa dạng và tiện lợi.

Người tiêu dùng cùng ngày càng quan tâm đến vấn đề an toàn thực phẩm và môi trường, từ việc sản phẩm được trồng ra sao, vận chuyển và xử lý như thế nào, tóm gọn là từ trang trại đến bàn ăn.

Tất cả yếu tố trên tác động đến các kênh phân phối từ bán lẻ đến bán buôn để ngày càng đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng, tính cạnh tranh trên thị trường.

Các xu hướng khác nhau của người tiêu dùng nhưng đều có chung những tiêu chí đối với sau quả tươi gồm các sản phẩm có lợi cho sức khỏe, sản phẩm an toàn, sản phẩm hữu cơ và thương mại công bằng, đặc sản và sản phẩm mới lạ, sản phẩm tiện lợi, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Xu hướng thị trường rau quả tươi Bắc Âu - Ảnh 1.

Đồ họa: TV

Các sản phẩm tươi, có lợi cho sức khỏe và sản phẩm được trồng trong nước

Người dân Bắc Âu luôn coi trọng cuộc sống lành mạnh. Họ ăn uống các loại thực phẩm giá trị dinh dưỡng cao. Rau quả tươi luôn nằm trong nhóm thực phẩm này. Sự quan tâm cũng ngày càng tăng từ những người tiêu dùng có nhận thức bền vững với các sản phẩm sản xuất trong nước, đặc biệt đối với rau quả tươi.

Theo một cuộc khảo sát từ tháng 5/2020 tại Phần Lan, 40% số người được hỏi nói rằng họ thích sản phẩm thực phẩm sản xuất tại Phần Lan.

Các sản phẩm có lợi cho sức khỏe thường là những sản phẩm ít béo, ít đường, nhiều vitamin và các chất chống oxi hóa tự nhiên.

Điển hình là quả lựu, trước đây ít được nhập khẩu, nhưng sau khi được quảng cáo chứa nhiều vitamin C và chất chống oxi hóa, quả lựu trở nên phổ biến trong tất cả siêu thị và được tiêu thụ ngày càng nhiều tại Bắc Âu.

Các sản phẩm an toàn

An toàn thực phẩm và chứng nhận đã trở thành khía cạnh hàng đầu trong thương mại sản phẩm tươi.

GLOBAL G.A.P đã trở thành tiêu chuẩn chứng nhận trong khi mức dư lượng tối đa bắt buộc (MRL) thường khắt khe hơn giới hạn pháp lí.

Người mua ngày nay quan tâm đến vấn đề chứng nhận thư với chính sản phẩm. Các yêu cầu nghiêm ngặt là một thách thức với các nhà sản xuất nhưng nếu áp dụng tốt có thể cải thiện đáng kể vị trí cạnh tranh.

Các sản phẩm hữu cơ, bảo vệ môi trường và thương mại công bằng

Người tiêu dùng Bắc Âu ngày càng quan tâm đến điều kiện sản xuất và nông trại, cả vấn đề môi trường và xã hội.

Họ quan tâm nhiều hơn đến vấn đề hủy hoại môi trường do phương pháp thâm canh sử dụng nhiều hóa chất nông nghiệp và thuốc trừ sâu.

Các nước Bắc Âu cũng có xu hướng giảm các sản phẩm sử dụng bao bì nhựa, thay thế bao bì thân thiện với môi trường như nanopack.

EU tài trợ một dự án về vấn đề này để phát triển các giải pháp đóng gói kháng khuẩn cho thực phẩm dễ hỏng dựa trên vật liệu nano tự nhiên. Dự án này kết hợp việc sử dụng bao bì bền vững với việc ngăn ngừa các bệnh do thực phẩm và giảm các chất thải thực phẩm.

Các nước này đồng thời quan tâm đến điều kiện lao động và vấn đề cạnh tranh của các nhà sản xuất nhỏ. Với những lí do này, nhu cầu về sản phẩm hữu cơ và thương mại công bằng ngày càng tăng.

Bên cạnh đó, các nhà nhập khẩu thích nhập hàng hóa từ các công ty có chứng chỉ CRS (Corporate Social Responsibility – trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp) và áp dụng các bộ qui tắc về ứng xử (Code of Conduct).

Nhiều người tiêu dùng thậm chí sẵn sàng trả giá cao hơn giá thông thường khoảng 20 – 50% để đảm bảo rằng các sản phẩm họ tiêu thụ là các sản phẩm thân thiện với môi trường và xã hội. Do vậy, nhiều nhà bán lẻ và cung cấp thực phẩm cố gắng để có được các nhãn hiệu sản phẩm hữu cơ, thương mại công bằng cho cửa hàng và sản phẩm của họ.

Theo thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, thị trường rau quả hữu cơ Bắc Âu ngày càng được mở rộng khi tiêu thụ mạnh nhất các sản phẩm hữu cơ, trong đó Đan Mạch là một trong những thị trường hữu cơ lớn nhất của châu Âu. Theo khảo sát năm 2018, có 52% số người được hỏi mua thực phẩm hữu cơ ít nhất 1 lần/tuần.

Thị phần thực phẩm hữu cơ của Đan Mạch chiếm 12% trong thị trường thực phẩm, trong khi Thụy Điển chiếm 9%, Phần Lan 3% và Na Uy 2%.

Sản phẩm hữu cơ quan trọng nhất là khoai tây, cà rốt (chủ yếu được cung cấp bởi các nhà sản xuất trong nước) và chuối. Các rau gia vị tươi hữu cơ cũng chiếm một thị phần quan trọng. Rau quả hữu cơ nhập khẩu chiếm khoảng 15 – 20%.

Do người dân Bắc Âu rất quan tấm đến bảo vệ môi trường, nên sản phẩm hữu cơ dự kiến tăng trưởng mạnh vào những năm tới. Theo dự báo đến 2030, lượng tiêu thụ thực phẩm hữu cơ ở các nước Bắc Âu sẽ tăng gấp 2 đến 3 lần hiện tại.

Xu hướng thị trường rau quả tươi Bắc Âu - Ảnh 2.

Đồ họa: TV

Các đặc sản và sản phẩm mới lạ

Các loại hoa quả nhiệt đới như chuối, dưa, dứa được tiêu thụ quanh năm ở Bắc Âu và được nhập khẩu ngày càng nhiều. Rau nhiệt đới cũng có xu hướng tương tự, nhất là các loại rau gia vị như ớt ngọt hay các loại quả có mùi vị được yêu thích như chanh.

Khu vực Bắc Âu có đông dân cư nhập từ khắp nơi trên thế giới, do vậy các loại rau quả đặc sản của các nước cũng được nhập khẩu. Tuy nhiên, số lượng không nhiều do nhiều sản phẩm không được tiêu thụ rộng rãi trong cộng đồng dân cư bản xứ, ví dụ sắn, khoai lang…

Các nước Bắc Âu nhập khẩu rất nhiều trái cây tươi từ các nước đang phát triển vì nhiều loại trái cây nhiệt đới quan trọng phụ thuộc vào các mùa cụ thể hoặc khí hậu nhiệt đới không thể trồng trong nước.

Trái cây trái mùa sẽ có lợi thế cạnh tranh tại các thị trường này.

Xu hướng thị trường rau quả tươi Bắc Âu - Ảnh 3.

Đồ họa: TV

Sản phẩm tiện lợi

Cuộc sống hiện đại làm tăng nhu cầu sử dụng các sản phẩm tiện lợi.

Phụ nữ Bắc Âu ngày càng có học vấn cao, làm việc ngoài xã hội, tỉ lệ hộ độc thân cao, ít thời gian dành cho nấu nướng những món ăn cầu kì, phức tạp. Do đó, những sản phẩm đóng gói sẵn ngày càng trở nên thông dụng, như rau sống được rửa và thái sẵn đóng gói; cà rốt rửa và cắt sẵn; rau tổng hợp cho các món xào, nấu…

Đối với phân khúc hoa quả, nho không hạt, quýt được đóng gói vào hộp trang trí; các loại quả có thể ăn trực tiếp, hoặc dễ bóc cũng trở nên thông dụng.

Khuyến cáo của WHO

WHO khuyến cáo một người ăn ít nhất 400 gr rau quả/ngày (trừ khoai tây). Trong khi một số nước châu Âu đã đạt được mức này thì chưa nước Bắc Âu nào đạt được.

Các cơ quan y tế của các nước Bắc Âu luôn thúc đẩy việc tăng cường tiêu dùng hàng rau quả tươi với nhiều chương trình quốc gia. Na Uy muốn đạt mức 750 gr/người/ngày, Đan Mạch là 600 gr, Thụy Điển là 500 gr, Phần Lan 400 gr.

Nếu các mục tiêu này đạt được, lượng rau quả tươi tiêu thụ tại Bắc Âu sẽ tăng đáng kể.

Mức tiêu dùng rau quả tươi hàng ngày các nước Bắc Âu muốn hướng đến

Xu hướng thị trường rau quả tươi Bắc Âu - Ảnh 4.

Đồ họa: TV

 

Ánh Dương