|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Vụ án Ngân hàng Đông Á: 20 tỉ đồng kinh doanh vàng tại PNJ đã mất đi đâu?

12:26 | 29/11/2018
Chia sẻ
Ông Trần Phương Bình, nguyên Tổng Giám đốc DongA Bank cho biết số tiền 20 tỉ đồng rút ra từ phần dư còn lại sau khi thanh toán tiền mua cổ phiếu DAB đã bị mất do hoạt động kinh doanh vàng tài khoản tại PNJ thời điểm đó thua lỗ.
 
vu an ngan hang dong a 20 ti dong kinh doanh vang tai pnj da mat di dau Đường đi của 60 triệu cổ phần ngân hàng Đông Á vào tay nhóm cổ đông Vũ 'nhôm'

Sáng ngày 28/11, Tòa án Nhân dân TP HCM tiếp tục xét xử vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank - DAB) với phần xét hỏi.

vu an ngan hang dong a 20 ti dong kinh doanh vang tai pnj da mat di dau
Ông Trần Phương Bình, nguyên Tổng Giám đốc DongA Bank.

20 tỉ đồng kinh doanh vàng tại PNJ đã đi đâu?

Theo cáo trạng vụ án Ngân hàng Đông Á, ông Trần Phương Bình, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc DAB, đã sử dụng 20 tỉ đồng để mở tài khoản kinh doanh vàng cho Công ty Vàng bạc Đá quí Phú Nhuận (PNJ) nơi mà vợ ông là bà Cao Thị Ngọc Dung làm Chủ tịch và Công ty TNHH Tân Vạn Hưng.

Số tiền này được lấy ra từ tổng các khoản chiếm đoạt sau khi thanh toán cho Công ty quỹ Lộc Việt tổng số gần 327,8 tỉ đồng tiền mua cổ phần DAB. Ông Bình cho biết đã chỉ đạo thu khống 30,25 tỉ đồng của bà Nguyễn Hồng Ánh, sử dụng 121 tỉ đồng tiền bán chung cư cao cấp Dự án Richland Hill và nguồn tiền 197 tỉ đồng cho vay hai công ty Ninh Thịnh và Sao Việt Nam.

Tại phiên toà sáng nay, ông Bình khai thời điểm đó bị cáo cùng với chồng của bà Nguyễn Thị Kim Xuyến, nguyên phó Tổng Giám đốc DAB, cùng chung nhau kinh doanh vàng tài khoản. PNJ và Tân Vạn Hưng được cấp phép kinh doanh vàng tài khoản, có kêu gọi khách hàng cùng tham gia để hưởng phí. Sau đó, ông đã thực hiện kinh doanh bằng cách ký quỹ.

Khi Viện Kiểm Sát (VKS) hỏi hiện số tiền 20 tỉ đồng đang ở đâu thì bị cáo Bình khai do kinh doanh thua lỗ nên khoản này bị mất hết. Khi thua lỗ ông đã xin chịu một mình, không chia đôi với chồng bà Xuyến.

Ông Bình và người thân đứng tên chưa bao giờ nắm 20% cổ phần DongA Bank

Khi nói về việc bán cổ phần thuộc sở hữu của vợ con mình, ông Bình trình bày do việc bán cổ phần ngân hàng có hạn chế thành viên trong gia đình nên đã nhờ đứng tên. Nếu bị cáo thực hiện bán cổ phần đứng tên vợ con mình thì bị cáo phải công bố trước công chúng. Điều này sẽ ảnh hưởng đến uy tín Ngân hàng Đông Á.

Khi nhận cổ tức, DAB trả qua tài khoản của những người đứng tên mua cổ phần sau đó chuyển sang tài khoản của ông. Vợ con ông không sử dụng số cổ tức này.

Về hành vi chuyển khoản tài khoản thẻ Ngân hàng Đông Á thì ông thực hiện qua ATM chuyển từ tài khoản này sang người khác. Cũng có một số trường hợp ông Bình nhờ bộ phận IT chuyển khoản trên hệ thống từ tài khoản của người thân sang tài khoản của mình.

Ông Bình khai không nhớ rõ số cổ tức nhận nhưng nhớ có lần, cán bộ điều tra có tính toán, thì số cổ tức từ đó đến giờ của gia đình ông nhận hơn 100 tỉ đồng.

Khi VKS hỏi ông Cao Ngọc Liên, bố vợ bị cáo đứng tên mua hơn 500.000 cp nhưng sau đó lại chuyển nhượng hơn 3 triệu cp, ông Bình trả lời không nhớ rõ. Trong quá trình mua bán cổ phiếu, bị cáo có nhờ bố vợ đứng tên để mua cổ phần do việc này không cần công bố thông tin. Năm 2007, bị cáo có mua đi bán lại cổ phần đứng tên Cao Ngọc Liên nên xuất hiện 3 triệu cổ phiếu.

Ông Bình cũng khẳng định tỷ lệ phần trăm cổ phần của ông và người thân đứng tên chưa bao giờ đạt đến con số 20% nên không thể gọi là thâu tóm như VKS hỏi được.

Ông không xác định phần trăm bao nhiêu thì mới nắm quyền cao nhất, tuy nhiên, khi bỏ phiếu biểu quyết tại hội đồng cổ đông, người nào sở hữu trên 30% cổ phần thì có quyền ban hành nghị quyết.

Xem thêm

Minh Anh