|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Ngày 23/6, bắt đầu xét xử 'đại án' tại DongABank với 163 người có quyền và nghĩa vụ liên quan

17:47 | 08/06/2020
Chia sẻ
Từ năm 2007 đến 2013, ông Trần Phương Bình đã chỉ đạo 11 bị can trong vụ án và các đối tượng liên quan khác thực hiện hành vi phạm tội gây thiệt hại cho DAB hơn 8.827 tỉ đồng.
Ngày 23/6, bắt đầu xét xử 'đại án' tại DongABank với 163 người có quyền và nghĩa vụ liên quan - Ảnh 1.

Ông Trần Phương Bình và thuộc cấp bị cáo buộc gây thiệt hại cho DAB hơn 8.800 tỉ đồng.

Xác nhận với BizLIVE, ông Phạm Lương Toản, Chánh Tòa hình sự TAND TP.HCM cho biết, từ ngày 23/6 tòa này sẽ đưa vụ án Trần Phương Bình, nguyên là Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, Chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank - DAB) và 11 đồng phạm ra xét xử.

Trước đó, TAND TP dự kiến xét xử vụ án vào tháng 3 nhưng do dịch Covid-19 nên phiên xử bị hoãn lại.

Ông Trần Phương Bình bị truy tố về 2 tội danh gồm Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng và Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản. 11 bị cáo còn lại bị truy tố về tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng.

Phiên tòa do ông Phạm Lương Toản và bà Đoàn Thị Hương Giang làm chủ tọa, dự kiến kéo dài tới ngày 15/7.

Trong vụ án này có 20 luật sư tham gia bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho các bị cáo; có 163 người có quyền và nghĩa vụ liên quan.

Theo cáo trạng, DAB được thành lập năm 1992, đến nay đã 39 lần thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, có vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng; 100% cổ đông trong nước, cổ đông sáng lập chiếm 13,21% và cổ đông thường chiếm 86,79%. Trong đó, nhóm gia đình Trần Phương Bình chiếm 10,24%; nhóm CTCP vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) chiếm 7,7%; nhóm CTCP Xây dựng Bắc Nam 79 chiếm 12,73%; Văn phòng Thành ủy TP.HCM chiếm 12,79%.

Ông Bình giữ chức Tổng giám đốc DAB từ ngày 25/3/1998 đến ngày 20/8/2015, Chủ tịch Hội đồng tín dụng DAB từ ngày 19/1/2006 đến ngày 20/8/2015.

Giai đoạn I vụ án đã xét xử ông Trần Phương Bình và các đồng phạm về các tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại Điều 165, 280, 285 BLHS năm 1999, xảy ra tại DAB.

Giai đoạn II vụ án điều tra làm rõ sai phạm của ông Trần Phương Bình và đồng phạm liên quan đến các khoản vay thuộc 5 Nhóm khách hàng (gồm: Hiệp Phú Gia, Đồng Tiến, M&C, Tân Vạn Hưng và Lê Anh Tuấn - Nguyễn Thị Ngọ) và việc Trần Phương Bình chuyển 500.000 USD cho Nguyễn Thiện Nhân để chi phí thuê tư vấn tìm đối tác mua hoặc đầu tư vào DAB. Cơ quan điều tra tạm dừng xác minh thu tài liệu liên quan đến các khoản vay của 3 Nhóm khách hàng (gồm Đặng Phước Dừa, Phát Đạt và 586), do Nhóm khách hàng Đặng Phước Dừa và Nhóm khách hàng Phát Đạt đang trả nợ đúng hạn theo phương án đã được DAB và NHNN phê duyệt.

Cụ thể, căn cứ vào các tình tiết và chứng cứ thu thập được, cáo trạng kết luận, trong khoảng thời gian từ năm 2007 đến 2013, với vai trò là Tổng giám đốc, Phó Chủ tịch HĐQT và Chủ tịch Hội đồng tín dụng DAB, ông Trần Phương Bình đã chỉ đạo 11 bị can trong vụ án và các đối tượng liên quan khác thực hiện hành vi phạm tội gây thiệt hại cho DAB hơn 8.827 tỷ đồng.

Trong đó hành vi Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, cho 4 Nhóm khách hàng (gồm Hiệp Phú Gia, Đồng Tiến, M&C, Tân Vạn Hưng) gây thiệt số tiền hơn 8.751 tỷ đồng; hành vi Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt số tiền hơn 75 tỷ đồng.

Các hành vi vi phạm nêu trên của các bị can là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng DAB tại thời điểm ngày 31/12/2015: Lỗ lũy kế 31.076 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 25.451 tỷ đồng và tổng tài sản thực chỉ còn 47.011 tỷ đồng.

Huyền Trâm

Top 10 địa phương IIP cao nhất 11 tháng: Phú Thọ bất ngờ dẫn đầu
Trong 11 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 43 địa phương trên cả nước cho thấy tín hiệu tích cực của ngành sản xuất. Trong đó các địa phương có IIP tăng cao chủ yếu nhờ hoạt động thuỷ điện hoặc chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh.