|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Ông Trần Phương Bình và những khoản cho vay 'bất thường' gây thiệt hại hơn 9.600 tỉ đồng tại Ngân hàng Đông Á

15:14 | 04/12/2019
Chia sẻ
Những sai phạm của ông Trần Phương Bình là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng DongA Bank lỗ luỹ kế lên tới 31.076 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu âm 25.451 tỉ đồng tại cuối năm 2015.

Kết luận điều tra mới nhất của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an công bố ngày 14/11 về vụ án Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) giai đoạn 2 đã dần hé lộ những khoản vay "bất thường" mà ông Trần Phương Bình, nguyên Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch HĐQT và Chủ tịch Hội đồng tín dụng DongA Bank, đã chỉ đạo thực hiện gây thiệt hại hàng nghìn tỉ đồng cho ngân hàng.

Tại giai đoạn 1 của vụ án, cơ quan điều tra đã đề nghị truy tố với 26 bị can về 3 nhóm tội danh, đồng thời tách ra ba hành vi:

(1) hành vi có dấu hiệu vi phạm qui định về cho vay liên quan đến 8 nhóm khách hàng theo kết luận của NHNN;

(2) hành vi ông Bình chỉ đạo DongA Bank cho 3 tổ chức và 5 cá nhân vày 1.671 tỉ dồng và xuất quĩ chi gần 77,8 tỉ đồng để sử dụng, thu khống tiền để trả nợ vay;

(3) ông Bình chuyển 500.000 USD cho ông Nguyễn Thiện Nhân để chi phí thuê tư vấn tìm đối tác mua hoặc đầu tư vào DongA Bank.

Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) được thành lập năm 1992, hiện nay ngân hàng có vốn điều lệ 5.000 tỉ đồng với 100% cổ đông trong nước, nhóm cổ đông sáng lập chiếm 13,21%.

Trong đó, nhóm gia đình ông Trần Phương Bình chiếm 10,24%, nhóm CTCP Vàng bạc đá quí Phú Nhuận (PNJ) chiếm 7,7%, nhóm CTCP Xây dựng Bắc Nam 79 chiếm 12,73%, nhóm Văn phòng Thành uỷ TP HCM chiếm 12,79%.

Ngày 23/7/2015, Cơ quan Thanh tra Giám sát NHNN đã có kết luận thanh tra về sai phạm tại DongA Bank với tổng dư nợ là 20.233 tỉ đồng. Trong đó 123 khách hàng dư nợ 19.644 tỉ đồng tập trung vào 9 nhóm khách hàng và cá nhân có liên quan với tổng dư nợ là 19.414 tỉ đồng (gồm 7.960 tỉ đồng nợ khó thu hồi, 5.600 tỉ đồng nợ không có khả năng thu hồi).

Ngày 13/8/2015, NHNN đã có quyết định kiểm soát đặc biệt đối với DongA Bank đồng thời chuyển hồ sơ đến cơ quan điều tra để tiến hành điều tra.

Theo kết luận điều tra giai đoạn 2, ông Bình đã lạm dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tài sản gây thiệt hại cho ngân hàng tổng số tiền là hơn 9.642 tỉ đồng qua việc cho vay 5 nhóm khách hàng và chuyển tiền cho ông Nguyễn Thiện Nhân.

Cụ thể, việc cho nhóm khách hàng Hiệp Phú Gia vay đã khiến DongA Bank thiệt hại 4.288 tỉ đồng.

Trong đó, thiệt hại 886 tỉ đồng trong việc DongA Bank cho hai tổ chức và 5 cá nhân thuộc nhóm Công ty TNHH Hiệp Phú Gia vay 11 khoản, tổng số hơn 1.820 tỉ đồng và xuất quĩ chi 88,8 tỉ đồng để sử dụng 1.735 tỉ đồng mua 5 tài sản của nhóm TTC và hơn 163 tỉ đồng cho mục đích khác sau đó lập chứng từ thu khống 1.349 tỉ đồng để trả nợ cho 30 khoản vay liên quan đến việc mua tài sản của nhóm TTC, đầu tư Dự án Ricland Hill,…

Thiệt hại 3.326 tỉ đồng (gồm 1.445 tỉ đồng gốc và 1.881 tỉ đồng tiền lãi) trong việc cho nhóm TTC vay tiền: TTC Đà Lạt vay 210 tỉ đồng, ông Nguyễn Thiện Nhân vay 416,5 tỉ đồng, bà Nguyễn Thanh Thuỷ vay 110 tỉ đồng, công ty Lê Minh MC vay 442 tỉ đồng và 185 tỉ đồng, CTCP Đầu tư & Xây dựng Lâm Viên vay 320 tỉ đồng.

Thiệt hại 75,6 tỉ đồng trong việc DongA Bank thu khống tiền để trả nợ cho các khoản vay của 3 cá nhân (gồm: Nguyễn Huy Trường Hồng, Phạm An và Phạm Văn Tân) và sử dụng cá nhân.

Cùng với đó, việc cho nhóm khách hàng Đồng Tiến gây thiệt hại 393,6 tỉ đồng (gồm gần 223 tỉ đồng gốc và 171 tỉ đồng lãi) cho ngân hàng: Công ty TNHH Đồng Tiến vay tín chấp 7 khoản vay tổng số 163 tỉ đồng và Công ty TNHH Tư vấn đầu tư TBTP vay tín chấp 3 khoản, tổng số hơn 102 tỉ đồng.

Việc cho nhóm khách hàng M&C vay gây thiệt hại 3.950 tỉ đồng (gồm 1.675 tỉ đồng gốc): CTCP M&C vay 270 tỉ đồng, CTCP Tân Superdeck M&C vay 430 tỉ đồng, Công ty TNHH An Bình An vay 2 khoản 630 tỉ đồng và CTCP Đầu tư Khải Minh vay 370 tỉ đồng.

Việc cho nhóm khách hàng Tân Vạn Hưng vay gây thiệt hại 1.010,5 tỉ đồng (gồm 593 tỉ đồng gốc) trong đó: Công ty TNHH Tân Vạn Hưng vay 462 tỉ đồng, Doanh nghiệp tư nhân Kim Hiền vay 77,4 tỉ đồng và Nguyễn Thị Thu Trang vay 53,4 tỉ đồng.

Các hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng trên là một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng DongA Bank tại thời điểm 31/12/2015 lỗ luỹ kế lên tới 31.076 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu âm 25.451 tỉ đồng và tổng tài sản thực chỉ còn 47.011 tỉ đồng.

Thông tin về vụ án sẽ tiếp tục được chúng tôi cập nhật trong những bài tiếp theo.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Diệp Bình

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.