Những kịch bản của Ngân hàng Đông Á
Cần những nhà đầu tư tổ chức hay cá nhân chuyên nghiệp đứng ra gánh vác, vực dậy ngân hàng để cái tên Đông Á không mất đi. Ảnh minh họa Thành Hoa
Việc chào bán cổ phần riêng lẻ (hạn chế chuyển nhượng trong một năm) nhằm đảm bảo giá trị thực của vốn điều lệ của Đông Á, đáp ứng tối thiểu bằng mức vốn pháp định theo quy định của pháp luật. Toàn bộ số tiền thu được từ đợt chào bán cổ phần sẽ được sử dụng để bù đắp âm vốn chủ sở hữu, nâng cao năng lực tài chính, sức cạnh tranh, phát triển bền vững của ngân hàng.
Kiểm toán và định giá
Theo kết luận của Cơ quan cảnh sát điều tra vào cuối năm 2015, Đông Á lỗ lũy kế 31.076 tỉ đồng và âm vốn chủ sở hữu 25.451 tỉ đồng. Trong vòng bốn năm kể từ khi Đông Á bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt (từ tháng 8-2015 đến nay), những số liệu trên có thể biến động rất nhiều. Theo chương trình họp đại hội đồng cổ đông lần này, Tổng giám đốc Đông Á sẽ công bố hai tài liệu.
Thứ nhất là báo cáo đánh giá thực trạng tài chính, xác định giá trị thực của vốn điều lệ và các quỹ của ngân hàng tại thời điểm ngày 31-12-2018 do Ernst & Young Vietnam kiểm toán.
Thứ hai là quyết định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về giá trị thực vốn điều lệ, quỹ dự trữ và mức vốn cần được bổ sung để đảm bảo giá trị thực của vốn điều lệ tối thiểu của Đông Á bằng vốn pháp định.
Các cổ đông sẽ được tham gia ý kiến về phương án chào bán cổ phần, họ sẽ bỏ phiếu biểu quyết có thực hiện hay không.
Dự báo sẽ có hai kịch bản xảy ra. Kịch bản đơn giản là cổ đông biểu quyết không tiến hành phương án chào bán vì không tìm được người mua. Hoặc có thể có những nhóm nhà đầu tư cả tổ chức và cá nhân đồng ý mua, nhưng số lượng và khả năng đăng ký mua của họ không đủ 5.000 tỉ đồng.
Trường hợp này xem như chào bán không thành công, Hội đồng quản trị Đông Á có trách nhiệm báo cáo Ban Kiểm soát đặc biệt và NHNN. Khi đó quyền quyết định sẽ thuộc về cơ quan quản lý ngành.
Kịch bản sau có thể phức tạp hơn: cổ đông biểu quyết tán thành phương án chào bán và ủy quyền cho Hội đồng quản trị tìm người mua. Hội đồng quản trị sẽ hoàn tất chi tiết phương án chào bán trình NHNN, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, quyết định lựa chọn đối tượng mua và báo cáo các cơ quan quản lý.
Theo luật định, việc chào bán phải hoàn tất trong thời gian nhất định. Thông thường giấy phép phát hành cổ phiếu mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp cho các công ty đại chúng (tổ chức tín dụng cũng là công ty đại chúng) có thời hạn 90 ngày. Giấy phép này có thể được gia hạn nếu đủ điều kiện cần thiết.
Các cổ đông biểu quyết phương án chào bán cổ phần trông đợi điều gì? Một trong những điểm tựa của họ là nền tảng 7 triệu khách hàng, quá trình đầu tư cho công nghệ tương đối bài bản, đội ngũ nhân viên hầu như không thay đổi, thương hiệu của ngân hàng và đặc biệt là việc định giá các tài sản thế chấp liên quan đến các khoản vay hiện nay ra sao.
Báo cáo của Ernst & Young Vietnam là báo cáo kiểm toán, nó không phải là báo cáo xác định giá trị tài sản, nói trắng ra là chất lượng tài sản của ngân hàng. Việc lãnh đạo ngân hàng công bố báo cáo kiểm toán tại ngày cuối cùng của năm ngoái là một nỗ lực rất lớn vì báo cáo kiểm toán năm thường được các công ty đại chúng công bố vào tầm cuối tháng 4 đầu tháng 5 năm sau. Khó có thể đòi hỏi báo cáo kiểm toán với số liệu cập nhật hơn, chẳng hạn tại một thời điểm sát ngày đại hội.
Tuy nhiên, sự biến động giá trị tài sản ngân hàng từ cuối năm ngoái đến ngày đại hội, hơn chín tháng, là một câu chuyện khác. Giá trị tài sản có thể lên hoặc xuống căn cứ vào giá cả thị trường. Có những tài sản được phong tỏa để phục vụ công tác điều tra vụ án từ năm 2015 đến nay nên giá trị của chúng không thể không thay đổi, nhất là bất động sản.
Vì thế những cổ đông có ý định mua cổ phần hoặc những nhà đầu tư mới cần thời gian khảo sát kỹ lưỡng trước khi quyết định giải ngân.
Cốt lõi là bảng cân đối tài chính
Tổng giám đốc một ngân hàng khác quan tâm theo dõi vụ việc của Đông Á băn khoăn, có nên mang ngân hàng ra đấu giá như một thử nghiệm đầu tiên về một trong những cách thức tái cơ cấu tổ chức tín dụng.
Biết đâu có những nhà đầu tư mạo hiểm muốn thử thách kinh nghiệm và trình độ bản thân?
Người viết bài này đã gặp gỡ những đối tượng cổ đông khác nhau của Đông Á. Một phụ nữ nắm giữ cả trăm ngàn cổ phiếu ngân hàng từ mười mấy năm cho biết, thực ra so với số vốn ban đầu bỏ ra, thì những lần chi trả cổ tức bằng tiền và chia thưởng cổ phiếu qua các năm từ 2014 trở về trước, bà đã hòa vốn từ lâu. Số cổ phiếu hiện tại là lãi.
Bà nói sẽ không nộp tiền mua thêm, chấp nhận mất số cổ phiếu đang giữ, chỉ mong sao có những nhà đầu tư tổ chức hay cá nhân chuyên nghiệp đứng ra gánh vác, vực dậy ngân hàng để cái tên Đông Á không mất đi.
Một cổ đông khác có hơn hai chục ngàn cổ phiếu phàn nàn, ông đã cố gắng chuyển nhượng mấy năm qua mà không ai mua dù biết bán cũng chẳng thu được bao nhiêu tiền. Nhưng ông sẽ đi dự họp đại hội đồng cổ đông để cho rõ tình hình ngân hàng thế nào. Ông tự nhận khoản đầu tư của mình không may mắn.
Tổng giám đốc một ngân hàng khác quan tâm theo dõi vụ việc của Đông Á băn khoăn, có nên mang ngân hàng ra đấu giá như một thử nghiệm đầu tiên về một trong những cách thức tái cơ cấu tổ chức tín dụng. Biết đâu có những nhà đầu tư mạo hiểm muốn thử thách kinh nghiệm và trình độ bản thân?
Mấu chốt là phần có và nợ trên bảng cân đối tài chính của ngân hàng ở mức độ nào. Như trong các bài viết trước, chúng ta đã thấy hàng năm Đông Á phải huy động khoảng 29.000 tỉ đồng để bù đắp thanh khoản, đảm bảo khả năng chi trả mà không cho vay.
Việc huy động và không cho vay một số tiền lớn như vậy khiến chi phí hoạt động bị đội lên, năm này qua năm khác. Việc thu hồi nợ xấu và tiếp tục các hoạt động dịch vụ chỉ bù đắp được phần nào chi phí đội thêm này.
Mục tiêu cuối cùng, như nhiều cổ đông Đông Á mong muốn, là cái tên ngân hàng không mất đi, nó sẽ phát triển trở lại dù phía trước không ít gian truân.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/