|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Sai phạm tại DongA Bank: Ông Trần Phương Bình chỉ đạo DAB cho vay hơn 200 tỉ đồng thế chấp bằng 2 dự án không có giá trị ở Đà Lạt

15:19 | 16/12/2019
Chia sẻ
Trong khoảng thời gian từ cuối năm 2008 đến cuối năm 2010, để đảm bảo hoàn trả 100 triệu USD cho VinaCapital, DAB cho nhóm TTC vay hơn 904 tỉ đồng. Trong đó, 2 dự án BĐS không có giá trị vẫn được doanh nghiệp sử dụng làm tài sản đảm bảo.

Theo kết luận điều tra sai phạm xảy ra tại Ngân hàng Đông Á – DongA Bank (DAB) giai đoạn 2 mới được Cơ quan Điều tra Bộ Công án công bố, ông Trần Phương Bình với vai trò là Tổng giám đốc, Phó chủ tịch HĐQT và Chủ tịch Hội đồng tín dụng DAB đã chỉ đạo cấp dưới thực hiện những khoản vay bất thường, gây thiệt hại lớn cho DAB.

Mục đích của những khoản vay này là nhằm xoay sở các nguồn tiền để trả cho các đối tác trong thương vụ 100 triệu USD bị đổ bể trước đó. Kéo theo đó, nhiều dự án cũng bị đẩy vào vòng quay này.

Cụ thể, để đảm bảo hoàn trả 100 triệu USD cho VinaCapital, trong khoảng thời gian từ ngày 28/1/ 2008 đến ngày 6/12/2010, DAB cho nhóm TTC (gồm TTC Đà Lạt, TTC và Công ty Cổ phần & Đầu tư Xây dựng Nhật Quang) vay tổng cộng  904,09 tỉ đồng để TTC sử dụng 778,44 tỉ đồng hoàn trả cho VNL và VIHL (hai quĩ đầu tư thuộc VinaCapital); 89,45 tỉ đồng trả nợ gốc và lãi cho 7 khoản vay của 6 Công ty thuộc nhóm TTC,…

Vay hơn 200 tỉ đồng, thế chấp bằng 2 dự án không có giá trị

Để có thêm tiền hoàn trả nợ cho 2 quĩ trên, ông Trần Phương Bình chỉ đạo DAB cho TTC Đà Lạt vay 210 tỉ đồng.

Cụ thể, ngày 18/10/2008, DAB kí hợp đồng tín dụng cho TTC Đà Lạt vay 210 tỉ đồng để thực hiện dự án Trung tâm Văn hóa thể thao tỉnh Lâm Đồng và dự án Khu công viên văn hóa Bà Huyện Thanh Quan tại tỉnh Lâm Đồng. 

ho-xuan-huong-da-lat-tp

Dự án Khu công viên văn hóa Bà Huyện Thanh Quan có vị trí đắc địa ngay sát bờ hồ Xuân Hương, TP Đà Lạt. (Ảnh: www.dulichhoanmy.com)

Tài sản đảm bảo chính là 2 dự án trên, được DAB định giá thời điểm đó là 590 tỉ đồng. Sau khi được DAB giải ngân, TTC Đà Lạt chuyển khoản 210 tỉ đồng cho Công ty Vốn Thái Thịnh (TTC) để TTC hoàn trả khoản 100 triệu USD cho VNL và VIHL.

Ngày 19/12/2008, DAB kí hợp đồng tín dụng cho TTC Đà Lạt vay 210 tỉ đồng để thực hiện dự án Trung tâm Văn hóa thể thao tỉnh Lâm Đồng và dự án Khu công viên văn hóa Bà Huyện Thanh Quan tại tỉnh Lâm Đồng.

Tài sản đảm bảo bởi chính 2 dự án, được DAB định giá thời điểm đó là 590 tỉ đồng. Sau khi được DAB giải ngân, TTC Đà Lạt chuyển khoản 210 tỉ đồng cho Vốn Thái Thịnh - TTC để TTC hoàn trả khoản 100 triệu USD cho VNL và VIHL.

Tính đến 24/12/2018, khoản vay trên còn dư nợ hơn 527 tỉ gồm cả gốc và lãi. Đến nay, TTC Đà Lạt đã dừng hoạt động, tài sản đảm bảo đã bị UBND tỉnh Lâm Đồng thu hồi, TTC Đà Lạt không có khả năng trả nợ cho DAB.

Theo xác minh của cơ quan điều tra tại UBND tỉnh Lâm Đồng, dự án Khu công viên kết hợp vui chơi giải trí trên đường Bà Huyện Thanh Quan được cấp GCN đầu tư năm 2008, do TTC Đà Lạt làm chủ đầu tư trên diện tích hơn 106.000 m2, tổng vốn hơn 480 tỉ đồng, tiến độ thực hiện dự án 5 năm kể từ 28/1/2008, đất thuê 50 năm trả tiền hàng năm.

Còn dự án Khu Trung tâm Văn hóa thể thao tỉnh Lâm Đồng được cấp GCN đầu tư năm 2008 do TTC Đà Lạt làm chủ đầu tư trên diện tích 85 ha, tổng vốn đầu tư 2.666 tỉ đồng, tiến độ thực hiện dự án 5 năm kể từ 14/3/2008, đất thuê 50 năm trả tiền hàng năm, thời gian hoạt động 50 năm.

Về kết quả thực hiện 2 dự án, sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư TTC Đà Lạt chuyển 100 tỉ đồng vào tài khoản của Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng, năm 2009 chuyển tiếp hơn 20 tỉ để ứng trước tiền đền bù giải phóng mặt bằng cho dự án.

Đến ngày 23/8/2012, TTC Đà Lạt có văn bản đề nghị tỉnh Lâm Đồng ngừng thực hiện 2 dự án. UBND Tỉnh Lâm Đồng ra 2 văn bản thu hồi 2 dự án. Đến nay, tỉnh Lâm Đồng đã hoàn trả cho TTC Đà Lạt hơn 101 tỉ tiền mà công ty này đã ứng trước. Tuy nhiên TTC Đà Lạt không dùng số tiền này trả nợ cho DAB.

Theo lời khai của ông Trần Phương Bình thừa nhận để hỗ trợ Nguyễn Thiện Nhân và CTCP Vốn Thái Thịnh - TTC hoàn trả khoản 100 triệu USD cho VNL và VIHL, ông Bình đã chỉ đạo cấp dưới làm hồ sơ tín dụng cho TTC Đà Lạt vay 210 tỉ đồng. Tài sản đảm bảo là 2 dự án nói trên.

Đáng nói, theo lời khai của ông Bình, 2 dự án trên đều đều chưa đủ điều kiện để làm tài sản đảm bảo do TTC Đà Lạt chưa được cấp GCN quyền sử dụng đất và mới ứng trước 100 tỉ đồng để đền bù GPMB, chưa đầu tư xây dựng nên không có giá trị và không có cơ sở để định giá.

Cơ quan Điều tra cho biết đến nay chưa làm việc được với Nguyễn Ngọc Minh và Nguyễn Thiện Nhân do cả 2 đang bỏ trốn khỏi nơi cư trú.

Dự án Langbiang cũng rơi vào vòng lao lí

Ngoài việc cho TTC Đà Lạt vay hơn 200 tỉ đồng đảm bảo bằng 2 dự án bất động sản không có giá trị, ông Trần Phương Bình tiếp tục chỉ đạo cấp dưới cho cho Công ty Vốn Thái Thịnh (TTC) vay hơn 220 tỉ đồng để có tiền trả cho VinaCapital.

Cụ thể, ngày 16/1/2009, DAB Chi nhánh quận 10 có tờ trình đề nghị DAB Hội sở cho TTC vay hơn 220 tỉ đồng để thanh toán theo hợp đồng kí với đối tác và ông Bình đã phê duyệt đồng ý.

Đến ngày 19/1/2009, DAB kí hợp đồng cho TTC vay hơn 220 tỉ đồng, thời hạn vay 36 tháng, mục đích vay thanh toán theo hợp đồng hợp tác kí ngày 8/12/2007.

Tài sản bảo đảm là dự án Khu văn hóa, nghỉ dưỡng Langbiang (28 ha) thuộc huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng cùng với đó là 2.807,6 m2 đất nông nghiệp và hơn 1.591 m2 đất thổ cư tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Tổng số tài sản này được DAB định giá thời điểm cho vay là hơn 320 tỉ đồng.

1081434_100136_2

Dự án Khu văn hóa, nghỉ dưỡng Langbiang có diện tích 28 ha. (Ảnh: nhadat24h.com)

Cùng ngày, DAB kí 2 hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản hình thành trong tương lai gắn liền với đất. Tài sản thế chấp là Dự án Khu văn hóa, nghỉ dưỡng Langbiang (được DAB định giá thời điểm thế chấp là 285 tỉ đồng) và 4 quyền sử dụng đất tại phường 9, TP Đà Lạt (được DAB định giá thời điểm thế chấp là 35,7 tỉ đồng).

Trong ngày 19/1/2009, DAB đã giải ngân cho TTC vay hơn 220 tỉ, TTC chuyển thanh toán cho đối tác trong thương vụ làm ăn 100 triệu USD.

Theo kết luận điều tra, đến ngày 29/7/2010, khoản vay nêu trên đã được tất toán hơn 261 tỉ đồng gồm tiền gốc và lãi từ các nguồn tiền gồm hơn 7 tỉ đồng của khoản vay hơn 215 tỉ đồng của Công ty Nhật Quang, hơn 113 tỉ đồng từ khoản vay của 5 cá nhân thuộc nhóm TTC, hơn 116 tỉ đồng từ khoản vay của Công ty Bắc Bình và hơn 24 tỉ đồng từ nguồn khác.

Hà Lê

Top 10 địa phương IIP cao nhất 11 tháng: Phú Thọ bất ngờ dẫn đầu
Trong 11 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 43 địa phương trên cả nước cho thấy tín hiệu tích cực của ngành sản xuất. Trong đó các địa phương có IIP tăng cao chủ yếu nhờ hoạt động thuỷ điện hoặc chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh.