|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Cựu lãnh đạo Ngân hàng Đông Á sang tay 6 lô đất vàng giá bèo cho Vũ nhôm

17:16 | 06/12/2019
Chia sẻ
Ông Trần Phương Bình mua 6 lô đất tại Khu phức hợp trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng, căn hộ cao cấp, khách sạn 5 sao, 6 sao và biệt thự cao cấp tại TP Đà Nẵng với giá hơn 950 tỉ đồng nhưng bán lại cho Vũ ‘nhôm’ với giá chỉ hơn 679 tỉ đồng.
1439721547_ngan%20hang%20dong%20a

Ngân hàng TMCP Đông Á. (Ảnh: Cổng thông tin Ngân hàng Đông Á).

Quá trình 6 lô "đất vàng" về tay Vũ nhôm với giá "bèo"

Bộ Công An vừa có kết luận điều tra giai đoạn 2 Vụ án Vi phạm qui định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng và Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank).

Theo đó, nằm trong đại án DongA Bank (DAB) có sự xuất hiện của 6 lô "đất vàng" (A2, A3, B1, B2, B3 và B4) tại Khu phức hợp Trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng, căn hộ cao cấp, khách sạn 5 sao, 6 sao và biệt thự cao cấp phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng.

Cụ thể, sau khi thông qua người liên quan sở hữu 64,44% cổ phần tại CTCP Sơn Trà Điện Ngọc (23/12/2008), ông Trần Phương Bình (nguyên Phó Chủ tịch HĐQT, TGĐ kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng của DAB) nhờ trợ lí là Phạm Văn Tân và CTCP Sơn Trà Điện Ngọc vay 661 tỉ đồng của DongA Bank chi nhánh Lê Văn Sỹ và chi nhánh Đà Nẵng để thanh toán 508,7 tỉ đồng tiền mua 6 lô đất nêu trên và trả nợ cho hai quỹ đầu tư thuộc Vina Capital là Vietnam Intrastructure Holding Limited (VIHL) và Vinaland Espero Limited (VNL).

tranphuongbinh5zing-1575444449028153559659-crop-15754444553011811166451

Ông Trần Phương Bình (nguyên Phó Chủ tịch HĐQT, TGĐ kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng DongA Bank.

Trong đó, để CTCP Vốn Thái Thịnh có tiền hoàn trả 100 triệu USD cho VNL và VIHL, cuối năm 2008 và đầu năm 2009, ông Trần Phương Bình chỉ đạo cấp dưới cho trợ lí là Phạm Văn Tân vay 246 tỉ đồng, mục đích thanh toán tiền lô đất A3 trong dự án ở Đà Nẵng nói trên. Tài sản đảm bảo là lô đất A3.

Ông Trần Phương Bình đã dùng 215 tỉ đồng trả nợ cho nhóm VNL và VIHL, còn lại 31 tỉ đồng thì ông Trần Phương Bình và ông Phạm Văn Tân không nhớ đã dùng vào việc gì nên không có căn cứ để xác minh là rõ.

Đồng thời, để có tiền mua 6 lô đất tại TP Đà Nẵng, ông Trần Phương Bình chỉ đạo DongA Bank chi nhánh Đà Nẵng (đại diện là bà Huyền Tôn Nữ Phương Nga – Phó GĐ) kí Hợp đồng tín dụng (ngày 30/12/2008) cho CTCP Sơn Trà Điện Ngọc (đại diện là ông Phạm Văn Tân – Chủ tịch HĐQT) vay 385 tỉ đồng.

Mục đích vay là để thanh toán tiền mua đất, tài sản đảm bảo là 6 lô đất trên, được DAB định giá 950,14 tỉ đồng.

Sau khi được giải ngân số tiền 385 tỉ đồng vào cuối năm 2008, CTCP Sơn Trà Điện Ngọc đã chuyển 263,7 tỉ đồng vào tài khoản của ông Trương Văn Đông để thanh toán tiền mua 6 lô đất.

Đồng thời, chuyển 101,29 tỉ đồng đồng vào tài khoản của ông Cao Ngọc Liên (bố vợ ông Trần Phương Bình) để thanh toán tiền mua 11.43 triệu cổ phần DAB của ông Cao Ngọc Liên; chuyển 20 tỉ đồng vào tài khoản của ông Đỗ Văn Hiếu mở tại DAB Sở giao dịch.

Sau đó, ông Trần Phương Bình sử dụng 2,4 tỉ đồng để thanh toán tạm ứng của DAB cho CTCP Thẻ thông minh Vina; 24 tỉ đồng để bù đắp thua lỗ của DAB chi nhánh Đinh Tiên Hoàng. Ngoài ra, 91,6 tỉ đồng có thể không đi ra khỏi DAB (được sử dụng để che giấu âm quỹ) và gần 3,3 tỉ đồng còn lại ông Trần Phương Bình không nhớ sử dụng vào việc gì.

Đến nay, khoản vay đã được tất toán, trong đó có việc ông Trần Phương Bình chỉ đạo cấp dưới làm thủ tục thu khống tổng số tiền 23,29 tỉ đồng để trả 5,9 tỉ đồng tiền gốc và 17,39 tỉ đồng tiền lãi cho khoản vay nêu trên, còn lại 47,9 triệu đồng được sử dụng cho mục đích khác.

Ngoài các khoản vay nêu trên, DAB chi nhánh Đà Nẵng còn cho CTCP Sơn Trà Điện Ngọc vay 30 tỉ đồng theo 2 Hợp đồng tín dụng hồi tháng 5/2009 để thanh toán tiền mua 6 lô đất nêu trên. Tài sản đảm bảo là toàn bộ quyền sử dụng đất của 6 lô đất. Đến nay, CTCP Sơn Trà Điện Ngọc đã thanh toán toàn bộ số tiền gốc và lãi của 2 khoản vay nêu trên.

Đến ngày 27/10/2010, CTCP Sơn Trà Điện Ngọc kí hợp đồng bán 6 lô đất trên cho Phan Văn Anh Vũ (tức "Vũ nhôm" - Chủ tịch HĐQT CTCP Xây dựng Bắc Nam 79) với giá 679,35 tỉ đồng.

Trong đó, Công ty này cùng với ông Phạm Văn Tân đã sử dụng 23,7 tỉ đồng để ông Trần Phương Bình mua 2,37 triệu cổ phần DAB trong đợt tăng vốn điều lệ năm 2010 và số tiền 627,85 tỉ đồng để trả nợ cho các khoản vay của các cá nhân và tổ chức liên quan đến ông Trần Phương Bình tại DAB. Gần 27 tỉ đồng còn lại sử dụng cho mục đích khác.

Lời khai của ông Trần Phương Bình cũng trùng khớp với những nội dung nêu trên..

Các pháp nhân liên quan đến CTCP Sơn Trà Điện Ngọc

CTCP Sơn Trà Điện Ngọc được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Đà Nẵng cấp Giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh ngày 3/11/2018 với vốn điều lệ 336 tỉ đồng, gồm các cổ đông Nguyễn Thanh Bạch (50,15%), Nguyễn Đắc Hiệp (14,29%), Trương Văn Đông (35,57%). Người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Thanh Bạch (em vợ của ông Nguyễn Thiện Nhân – Chủ tịch HĐQT CTCP vốn Thái Thịnh).

Ngày 9/12/2008, ông Trần Phương Bình và ông Nguyễn Thiện Nhân thống nhất ông Nguyễn Thanh Bạch (em vợ ông Nhân) chuyển nhượng 50,15% cổ phần cho ông Phạm Văn Tân với giá 0 đồng và ông Nguyễn Đắc Hiệp chuyển nhượng 14,29% cổ phần cho bà Nguyễn Thị Kim Cúc với giá 0 đồng.

Ngày 23/12/2008, CTCP Sơn Trà Điện Ngọc được cấp Giấy chứng nhận đăng kinh doanh thay đổi lần 1 với vốn điều lệ 336 tỉ đồng, gồm các cổ đông Phạm Văn Tân (50,15%, Nguyễn Thị Kim Cúc (14,28%) và Trương Văn Đông (35,57%).

Sau khi thông qua hai cá nhân liên quan sở hữu phần vốn chi phối ở Công ty Sơn Trà Điện Ngọc (64,44%), ông Trần Phương Bình đã bắt đầu có những sai phạm nêu trên.

Hai tháng sau khi bán 6 lô đất cho ông Phan Văn Anh Vũ, cơ cấu cổ đông của Sơn Trà Điện Ngọc có sự biến động lớn.

Theo Giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh thay đổi lần 2 ngày 29/12/2010, ngoại trừ ông Trương Văn Đông vẫn giữ 35,57%, hai cổ đông mới thay thế 'người' của ông Trần Phương Bình là ông Trương Đoàn Quốc Dũng (14,29%) và ông Nguyễn Hữu Luận (50,15%).

Tháng 12/2018, Tòa án nhân dân TP HCM đã tuyên phạt các bị cáo Trần Phương Bình, Phan Văn Anh Vũ cùng 24 đồng phạm trong vụ án xảy ra tại DAB.

Phan Văn Anh Vũ: 17 năm tù về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Cộng với 8 năm tù ở bản án trước, tổng hình phạt chung là 25 năm tù. (VKS đề nghị 15-17 năm tù về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Tổng hợp với bản án cũ là 23-25 năm tù.)

Trần Phương Bình: tù chung thân (VKS đề nghị chung thân về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, 20 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước. Tổng hình phạt là chung thân).

Nguyễn Thị Kim Xuyến: 18 năm tù tội Lạm dụng chức vụ, 20 năm tù tội cố ý làm trái, tổng hình chung là 30 năm tù (VKS đề nghị 20 năm tù về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, 18 đến 20 năm về tội Cố ý làm trái).

Hà Lê

Top 10 địa phương IIP cao nhất 11 tháng: Phú Thọ bất ngờ dẫn đầu
Trong 11 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 43 địa phương trên cả nước cho thấy tín hiệu tích cực của ngành sản xuất. Trong đó các địa phương có IIP tăng cao chủ yếu nhờ hoạt động thuỷ điện hoặc chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh.