Một bị cáo nữ bị cách ly khỏi phòng xử án cùng với Vũ 'nhôm'
Vũ 'nhôm' khai có hai quốc tịch, không nhớ rõ thời gian chuyển khẩu về nhà ở TP HCM |
Sáng ngày 28/11, Tòa án Nhân dân TP HCM tiếp tục xét xử vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á (DongA Bank - DAB).
Cuối phiên tòa ngày 27/11 và sáng 28/11, chủ tọa Phạm Lương Toản cho biết khi chuyển qua phần xét hỏi, 2 bị cáo Vũ "nhôm" và Nguyễn Thị Ái Lan (nguyên Trường phòng quản lý tài sản nợ, thuộc khối kinh doanh nguồn vốn DAB) sẽ được cách ly tại trại giam, khi nào trích xuất lại sẽ thông báo sau.
Theo cáo trạng bị cáo Nguyễn Thị Ái Lan phạm vào tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng trong các hành vi: kinh doanh ngoại hối trái phép gây thiệt hại 353 tỉ đồng; chi lãi suất ngoài trái phép gây thiệt hại 468 tỉ đồng.
Tổng cộng gây thiệt hại cho DAB 821 tỉ đồng, nên phải liên đới chịu trách nhiệm về số tiền này.
Các bị cáo có mặt tại phiên tòa (ảnh: MA). |
Hỗ trợ đắc lực cho ông Trần Phương Bình trong việc chi lãi ngoài cho khách hàng
Theo cáo trạng, ngày 3/3/2011, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 02 về việc quy định mức lãi suất huy động vốn tối đa bằng VND: "Tổ chức tín dụng ấn định lãi suất huy động vốn bằng đồng Việt Nam không vượt quá 14%/năm".
Tại DAB xuất hiện hiện tượng khách hàng rút vốn, Phòng Nguồn vốn DAB tìm hiểu lý do, được biết khách hàng rút tiền gửi tại DAB để gửi tổ chức tín dụng khác với mức lãi suất cao hơn.
Do vậy, ông Trần Phương Bình, bà Nguyễn Thị Kim Xuyến và bà Nguyễn Thị Ái Lan (Giám đốc Phòng nguốn vốn) đã thống nhất phương án DAB phải chi lãi suất ngoài lãi suất quy định của Ngân hàng Nhà nước để huy động vốn, tránh tình trạng khách hàng rút tiền gửi ồ ạt, đảm bảo tính thanh khoản của toàn Ngân hàng.
Chủ trương này được phổ biến đến các đơn vị kinh doanh trong toàn hệ thống DAB bằng các hình thức: Họp trực tiếp triển khai, họp trực tuyến, email, điện thoại… và đã thực hiện việc chi lãi ngoài để huy động vốn như sau:
Bà Nguyễn Thị Kim Xuyến trực tiếp chỉ đạo và giao cho bà Nguyễn Thị Ái Lan thông báo cho các đơn vị kinh doanh số điện thoại để nhắn tin thỏa thuận việc chi lãi suất ngoài.
Từ tháng 3/2011 đến tháng 3/2012, bà Nguyễn Thị Kim Xuyến trực tiếp quản lý số điện thoại và trả lời tin nhắn đồng ý chi lãi suất ngoài do đơn vị kinh doanh chuyển đến.
Sau đó, Bà Nguyễn Thị Ái Lan chỉ đạo bà Phạm Thị Hồng Vân (nhân viên Phòng nguồn vốn) tiếp nhận fax của các đơn vị kinh doanh, đối chiếu số liệu trên bảng danh sách với tin nhắn trong điện thoại đã được duyệt mức chi lãi suất ngoài.
Sau khi đối chiếu, Vân chuyển cho ông Lê Nguyễn Sơn Trà (nhân viên phòng nguồn vốn) để lập ông Danh sách số tiền chi lãi suất ngoài phải chuyển cho các Đơn vị kinh doanh, viết số tiền tổng cộng chi lãi suất ngoài vào một tờ giấy nhớ (giấy note) và trình bà Nguyễn Thị Kim Xuyến ký duyệt rồi chuyển cho ông Đỗ Thanh Hùng (Thủ quỹ Hội sở DAB) để thực hiện việc chi tiền lãi ngoài cho các đơn vị kinh doanh.
Việc DAB chuyển tiền chi lãi ngoài cho 219 đơn vị kinh doanh (47 Chi nhánh, 172 Phòng giao dịch và Quỹ tiết kiệm), từ ngày 4/3/2011 đến ngày 7/4/2015, bà Nguyễn Thị Kim Xuyến đã chỉ đạo bà Nguyễn Thị Ái Lan, bà Nguyễn Đức Vinh, bà Nguyễn Thị Ái Lan và Nguyễn Đức Vinh đã chỉ đạo nhân viên Phòng nguồn vốn và Phòng ngân quỹ Hội sở chuyển tiền chi lãi suất ngoài.
Kết quả điều tra nêu trên phù hợp với Sổ tay ghi chép, theo dõi việc DAB chi lãi ngoài trong khoảng thời gian từ năm 2011 đến năm 2015 của bị cáo Đỗ Thanh Hùng và bị cáo Lê Kiên Giang, lời khai của các bị cáo Trần Phương Bình, bị cáo Nguyễn Thị Kim Xuyến, bị cáo Nguyễn Đức Vinh, bị cáo Đỗ Thanh Hùng và bị cáo Lê Kiên Giang.
Do vậy, có căn cứ xác định DAB đã chi tiền lãi ngoài trong khoảng thời gian từ tháng 3/2011 đến ngày 7/4/2015 là 437 tỉ đồng và 650 lượng vàng, tổng cộng 468 tỉ đồng theo ghi chép, thống kê của ông Đỗ Thanh Hùng và ông Lê Kiên Giang, trên cơ sở nguyên tắc có lợi cho bị cáo.
Việc 219 đơn vị kinh doanh chi tiền lãi ngoài cho khách hàng để huy động vốn: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của bà Nguyễn Thị Ái Lan, 219 đơn vị kinh doanh đã hủy tài liệu liên quan đến việc chi lãi ngoài cho khách hàng nên không có căn cứ để xác minh làm rõ 219 đơn vị kinh doanh đã chi tiền lãi ngoài cho bao nhiêu khách hàng, bao nhiêu khách hàng tổ chức, bao nhiêu khách hàng cá nhân, số tiền gửi, thời hạn gửi, mức lãi suất ngoài áp dụng cho từng khách hàng, cụ thể số tiền lãi ngoài chi từng lần cho từng khách hàng. Nhưng đủ căn cứ chứng minh DAB Hội sở đã thực hiện chi lãi ngoài gây thiệt hại cho DAB như đã nêu trên.
Lập khống 15 phiếu thu nhập ngoại tệ gần 21 triệu USD
Từ năm 2001 đến năm 2005, DAB đã thực hiện mở các tài khoản giao dịch USD tại Ngân hàng UOB (Singapore) để kinh doanh ngoại hối tại thị trường quốc tế.
Ông Trần Phương Bình chỉ đạo trực tiếp Phòng Kinh doanh DAB do ông Nguyễn Huỳnh Đăng - Trưởng phòng, bà Nguyễn Thị Ái Lan và bà Nguyễn Thị Kim Loan - nhân viên thực hiện các giao dịch với Ngân hàng UOB thông qua kênh liên lạc là màn hình, thể hiện dưới dạng lệnh kinh doanh (lệnh Deal).
Hoạt động kinh doanh này, giai đoạn từ năm 2001 - 2003 diễn ra bình thường. Đến giai đoạn 2003 - 2005, việc kinh doanh thường xuyên thua lỗ theo các lệnh Deal đã đặt.
Ông Trần Phương Bình chỉ đạo Phòng Kinh doanh DAB liên hệ, thỏa thuận với Ngân hàng UOB cho kéo dài thời hạn thanh toán số tiền lỗ này bằng việc gia hạn các lệnh Deal còn dư nợ.
Lý do được Ngân hàng UOB chấp thuận (có tính tiền lãi gia hạn) là do DAB đang có 15,5 triệu USD tiền gửi có kỳ hạn (ký thác tiền gửi) và hơn 4,7 triệu USD tiền ký quỹ tại chính Ngân hàng UOB.
Để che giấu cho hành vi trả nợ trong hoạt động kinh doanh ngoại hối, ông Trần Phương Bình, ông Nguyễn Huỳnh Đăng, bà Nguyễn Thị Ái Lan và bà Nguyễn Thị Kim Loan đã lập 15 phiếu thu nhập ngoại tệ mặt “khống” từ Ngân hàng UOB với tổng số tiền là gần 21 triệu USD, nội dung thể hiện là DAB đã rút, nhập ngoại tệ mặt, đưa tiền về kho quỹ.