|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tòa bác bỏ chứng cứ bằng tiếng nước ngoài liên quan đến quốc tịch của Vũ 'nhôm'

17:22 | 27/11/2018
Chia sẻ
Hội đồng xét xử (HĐXX) nhận định tài liệu nước ngoài liên quan đến quốc tịch của Vũ "nhôm" chưa được dịch, chưa được xác nhận và không phù hợp với pháp luật Việt Nam nên không chấp nhận.

Chiều ngày 27/11, Tòa án Nhân dân TP HCM tiếp tục xét xử vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á (DongA Bank - DAB).

Trước khi bắt đầu phiên xử, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (bào chữa cho bị cáo Phan Văn Anh Vũ - Vũ "nhôm") nộp lên HĐXX tài liệu liên quan đến quốc tịch Antigua and Barbuda của thân chủ.

Tuy nhiên, HĐXX đánh giá đây là tài liệu nước ngoài chưa được dịch, chưa được xác nhận và không phù hợp với pháp luật Việt Nam nên không chấp nhận.

Trước đó trong phần khai báo lý lịch, bị cáo Phan Văn Anh Vũ hay còn gọi là Vũ “nhôm” cho biết, ngoài quốc tịch Việt Nam, bị cáo còn có mang quốc tịch Antigua và Barbuda.

Được biết, Antigua và Barbuda là quốc gia nằm ở khu vực Trung Mỹ, thuộc quần đảo Tiểu Antilles, nằm về phía Đông và Đông Nam đảo Puerto Rico.

toa bac bo chung cu bang tieng nuoc ngoai lien quan den quoc tich cua vu nhom
Bị cáo Phan Văn Anh Vũ hay còn gọi là Vũ “nhôm” có mặt tại phiên tòa. (Nguồn: Người lao động).

Theo cáo trạng, ông Phan Văn Anh Vũ bị truy tố về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.

Cụ thể, năm 2013 DAB thua lỗ kéo dài, thiếu hụt số lượng lớn tiền, vàng trong kho quỹ, ông Trần Phương Bình có chủ trương tăng vốn điều lệ DAB từ 5.000 tỉ đồng lên 6.000 tỉ đồng để thu hút vốn đầu tư, mong muốn doanh nghiệp có tiềm lực về tài chính, quan hệ đầu tư vào DAB để có tiền xử lý khó khăn tại DAB và để nâng cao thương hiệu, vị thế của DAB.

Do quen biết nhau từ trước, ông Trần Phương Bình và ông Phan Văn Anh Vũ bàn bạc và thống nhất rằng ông Phan Văn Anh Vũ mua 60 triệu cổ phần DAB với giá 600 tỉ đồng khi DAB tăng vốn điều lệ lên 6.000 tỉ đồng vào năm 2014, mục đích để ông Phan Văn Anh Vũ trở thành cổ đông lớn, có quyền chi phối tại ngân hàng.

Nguồn tiền mua cổ phần DongA Bank gồm: ông Phan Văn Anh Vũ thế chấp 220 lô đất tại TP Đà Nẵng vay 400 tỉ đồng của DongA Bank.

Đối với 200 tỉ đồng còn lại, ông Trần Phương Bình chỉ đạo nhân viên DongA Bank xuất quỹ cho Vũ "nhôm" và kí khống chứng từ nộp 200 tỉ vào DAB để Vũ "nhôm" có được 200 tỉ đồng tham gia mua cổ phần của DAB.

Ông Phan Văn Anh Vũ đã thế chấp 220 Lô đất tại TP Đà Nẵng để vay 400 tỉ đồng của DongA Bank. Đến nay, khoản vay nêu trên đã được tất toán.

Đối với việc DongA Bank xuất quỹ chi 200 tỉ đồng cho ông Phan Văn Anh Vũ để Công ty Bắc Nam 79 mua cổ phần tăng vốn DAB, ngày 17/1/2014, ông Trần Phương Bình chỉ đạo ông Đỗ Thanh Hùng (nguyên thủ quỹ Hội sở DongA Bank) làm thủ tục thu khống 200 tỉ đồng của ông Phan Văn Anh Vũ nhưng ngân hàng sử dụng tiền trong quỹ xuất 200 tỉ đồng chuyển vào Tài khoản của Công ty Bắc Nam 79 mở tại DongA Bank Chi nhánh Đà Nẵng.

Ông Phan Văn Anh Vũ trực tiếp viết nội dung và ký giấy nộp tiền và bảng kê loại tiền đối với số tiền 200 tỉ đồng nêu trên.

Cuối ngày 17/1/2014, ông Đỗ Thanh Hùng tiếp nhận điều chuyển khống 200 tỉ đồng từ DAB Sở giao dịch về Hội sở DongA Bank để Hội sở hợp thức cho khoản chi 200 tỉ đồng dẫn đến âm quỹ số tiền này.

Cùng ngày, Công ty Bắc Nam 79 chuyển 600 tỉ vào Tài khoản số của DongA Bank để mua 60 triệu cổ phần. Do việc tăng vốn điều lệ lên 6.000 tỉ đồng bất thành, ngày 8/4/2014 ông Trần Phương Bình chỉ đạo ngân hàng chuyển trả 600 tỉ đồng và 9,5 tỉ đồng tiền lãi của 600 tỉ đồng vào của Công ty Bắc Nam 79 tại DongA Bank Chi nhánh Đà Nẵng.

Theo cáo trạng, ông Phan Văn Anh Vũ chỉ nộp 400 tỉ đồng nhưng nhận đến 600 tỉ đồng và 9,5 tỉ tiền lãi, tức đã chiếm đoạt của DAB 200 tỉ đồng gốc do kí chứng từ nộp khống mà có và 3,2 tỉ đồng tiền lãi của số tiền khống này.

Xem thêm

Minh Anh